10/01/2025

Giá thực phẩm “nóng” theo nắng hạn

Giá các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả ở nhiều chợ ở TP.HCM gần đây đội lên, theo các tiểu thương do nguồn cung thiếu hụt từ ảnh hưởng của hạn hán ở ĐBSCL.

 

Giá thực phẩm “nóng” theo nắng hạn

 

 

Giá các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả ở nhiều chợ ở TP.HCM gần đây đội lên, theo các tiểu thương do nguồn cung thiếu hụt từ ảnh hưởng của hạn hán ở ĐBSCL.

 

 

 

 

Giá thực phẩm “nóng” theo nắng hạn
Nguồn cung rau vẫn dồi dào nhưng giá cũng “nóng” theo thời tiết – Ảnh: Hữu Khoa

Theo ban quản lý các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM, nguồn hàng về chợ vẫn ổn định, không có biến động bất thường. Riêng những nhóm hàng khai thác tự nhiên như các loại cá đồng, tôm, cua, ốc đánh bắt… lượng hàng có sụt giảm, giá tăng.

Giá mỗi nơi một kiểu

Sau khi dạo một vòng chợ Tân Bình, chị Phan Mai Hoa than thở rằng không biết vì lý do gì mà thời gian gần đây dù cùng một khu vực, thậm chí cùng một chợ, nhưng giá cả nhiều loại rau xanh khác nhau và đều tăng. “Tui mua ba nhánh lá tía tô với vài cọng hành lá, họ kêu 5.000 đồng rồi” – chị Hoa nói.

Theo giải thích của tiểu thương, lá tía tô mấy hôm nay tăng giá dữ lắm, trời nắng… là cây này không có hàng. “Chị lấy chợ đầu mối đã 50.000 – 60.000 đồng/kg rồi. Còn hành lá thì bữa giờ vẫn 40.000 đồng/kg đó, ai bán mắc bao giờ đâu nè” – chủ một sạp giải thích khi được hỏi tại sao các loại rau lá lại mắc đến vậy.

Tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), chỉ riêng mặt hàng cải xanh đã có 2-3 loại giá khác nhau, dao động từ 18.000 – 30.000 đồng/kg. “Rau mấy hôm nay mắc lắm, chị lấy sao bán vậy chứ ai bán mắc cho em làm gì” – tiểu thương tên Thuỷ giải thích khi người mua phải trả 10.000 đồng cho 400g rau cải.

Cầm bó rau cải 7.000 đồng, chị Thanh Trúc (ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết giá này vẫn vậy nhưng lượng rau ít hơn tuần trước. Tiểu thương nói hàng về ổn định, không tăng giá nhưng những người thường xuyên đi chợ dễ dàng nhận ra giá chừng đó mà lượng cứ ít đi.

Đặc biệt, theo chị Trúc, giá lươn đồng, tôm sông tăng kinh khủng mà không dễ mua. “Ngày nào ra trễ chút xíu là không còn hàng. Tôm sông thì gần như không mua được” – chị Trúc than.

Trong khi đó, tại một số chợ, giá rau xanh và trái cây biến động thất thường. Rau ngót tại chợ Lãnh Bình Thăng (Q.11) cách đây vài ngày 20.000 đồng/kg, nay có sạp bán 30.000 đồng/kg. Cải thảo, bắp cải, xà lách đều nhích lên thêm từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.

“Nắng dữ quá nên rau xấu, có khi không có hàng mà bán, nhiều đêm đi chợ đâu có hàng lấy về bán nên đành chịu thôi em” – chị Hiệu, tiểu thương chợ Thái Bình (Q.1), cho biết.

Neo giá cao không kém là hàng loạt mặt hàng trái cây. Tại chợ Thái Bình, mận đỏ loại ngon lên tới 30.000 đồng/kg, xoài Hoà Lộc tuỳ loại từ 40.000 – 70.000 đồng/kg, quýt đường 50.000 đồng/kg, tất cả những mặt hàng này giá đều đã nhích lên từ 5.000 – 12.000 đồng/kg so với trước đây một tuần.

“Xoài với mận bị ảnh hưởng nguồn hàng từ miền Tây, hạn hán nên xoài xấu, còn mận thì mất nước và sâu nhiều nên ăn không ngon, muốn ăn loại ngon thì phải chịu giá cao xíu chứ sao em” – chị Phương, chủ quầy trái cây tại chợ Thái Bình, nêu lý do.

Chỉ ảnh hưởng 
trong ngắn hạn

Theo ban quản lý các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM, lượng hàng thời gian gần đây không biến động quá nhiều. Lượng hàng rau lá, củ quả về chợ đầu mối Thủ Đức trung bình từ 1.400 – 1.600 tấn/đêm.

Trong khoảng một tuần trở lại đây, một số mặt hàng rau có lá tăng giá với mức từ 1.000 – 3.000 đồng/kg nhưng cũng có một số mặt hàng giảm giá với mức từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Sản lượng trái cây về chợ trung bình mỗi ngày hơn 1.400 tấn. “Chỉ có nho và nhãn là tăng giá đáng kể, còn mặt hàng khác biến động theo ngày, không có gì đột biến” – đại diện chợ đầu mối này cho biết.

Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), lượng rau lá, củ quả về chợ trung bình mỗi ngày hơn 500 tấn, giảm nhẹ so với trước. Một số loại rau có mức tăng giá cao nhất khoảng 1.000 – 3.000 đồng/kg. Trong khi dưa hấu và xoài tăng giá nhẹ, các loại trái cây còn lại biến động không đáng kể.

Nhiều bà nội trợ cho biết thịt heo cũng nhích 2.000 – 3.000 đồng/kg tùy loại, dù sức tiêu thụ có dấu hiệu giảm trước những thông tin thịt heo kém an toàn vì sử dụng thức ăn chăn nuôi có chất cấm.

Một tiểu thương bán thịt heo ở chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp) cho biết giá thịt heo tăng từ đầu nguồn và chỉ tăng những mặt hàng bán chạy như thịt đùi, sườn non, ba rọi, còn các loại khác vẫn ổn định.

Ông Nguyễn Lam Sơn, giám đốc Công ty TNHH rau Thảo Nguyên (Đà Lạt), cho biết rau tại Đà Lạt cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, một số vùng không có nước tưới, nhưng chưa thể có biến động giá tức thời.

Theo ông Sơn, một số loại rau có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là rau có lá, ưa nước như xà lách, bắp cải, cải xanh… nhưng phải tháng rưỡi đến hai tháng nữa giá bán lẻ mới bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định: “Giá rau tại Đà Lạt vẫn khá ổn định do các nhà vườn đều chủ động được nguồn hàng cung ứng ra thị trường. Nếu hạn hán kéo dài thêm, rau có thể sẽ thiếu nhưng không quá nghiêm trọng, vẫn đủ cung ứng và chủ động được nguồn hàng”.

Ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết hơn 50% lượng trứng vịt trên thị trường lấy từ nguồn vịt chạy đồng nên thời tiết nắng nóng và hạn hán cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung trứng vịt, khiến giá bán tăng nhẹ.

Mấy ngày gần đây giá trứng vịt tăng khoảng 50 đồng/quả, hiện giá trứng đã tăng khoảng 10% so với giá bình ổn. Tuy nhiên, theo ông Thiện, giá trứng biến động chỉ mang tính ngắn hạn, không tăng đột biến nên giá bình ổn vẫn đang được ổn định.

Công bố giá các mặt hàng bình ổn thị trường

Sở Tài chính TP.HCM vừa công bố bảng giá các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường sữa, thị trường năm học mới, hàng thiết yếu và dược phẩm… trên địa bàn TP.HCM áp dụng từ ngày 1-4.

Trong đó, thịt gà ta 89.000 đồng/kg, thịt gà thả vườn 62.000 đồng/kg, thịt vịt 65.000 đồng/kg, trứng vịt 30.500 đồng/chục, trứng gà 23.000 đồng/chục, dầu ăn 29.000 đồng/lít, đường RE 19.200 đồng/kg…

Theo UBND TP.HCM, năm nay chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu có 42 doanh nghiệp tham gia, mặt hàng mùa khai trường 15 doanh nghiệp và 5 doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng sữa, mặt hàng dược phẩm có 14 doanh nghiệp.

Lượng hàng hoá  thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng tăng bình quân 15 – 35% so với kết quả thực hiện năm 2015.

Rau miền Tây tác động không nhiều

Theo các siêu thị, rau ở thị trường miền Tây (ĐBSCL) chỉ chiếm một lượng nhỏ trong tổng sản lượng rau trên địa bàn nên tình trạng hạn hán, nắng nóng hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung cũng như giá bán ra.

Tại hệ thống Co.op Mart, nguồn cung ứng rau cho thị trường TP.HCM chủ yếu đến từ Đà Lạt, các khu vực vùng ven như Q.Thủ Đức, huyện Củ Chi… nên không có tình trạng hụt hàng, các nhà vườn miền Tây phần lớn là mặt hàng trái cây.

“Ngay cả những siêu thị ở miền Tây, hệ thống khi làm việc với các nhà cung cấp đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cam kết ổn định giá. Trường hợp có những mặt hàng khan hiếm quá dẫn đến chênh lệch giá bên ngoài cao, bộ phận thu mua sẽ điều chỉnh bù lỗ giá mua vào cho bà con nông dân nhưng vẫn sẽ giữ giá bán ra” – đại diện Co.op Mart cho biết.

Tương tự, đại diện Big C VN cũng cho biết phần lớn hàng rau củ hiện nay thu mua từ Đà Lạt, các nhà vườn miền Tây chiếm chưa tới 1/3 tổng sản lượng rau nên nói việc hạn hán ảnh hưởng mạnh đến giá là không hợp lý.

DŨNG TUẤN – N.BÌNH