03/11/2024

Mỹ “cứng” hay “mềm” với Trung Quốc?

Những hành động ngày càng cứng rắn và quyết liệt của Trung Quốc tại Biển Đông dường như đang khiến giới lãnh đạo Mỹ chia rẽ trong việc đưa ra một phản ứng tương xứng.

 

Mỹ “cứng” hay “mềm” với Trung Quốc?

 

 

Những hành động ngày càng cứng rắn và quyết liệt của Trung Quốc tại Biển Đông dường như đang khiến giới lãnh đạo Mỹ chia rẽ trong việc đưa ra một phản ứng tương xứng.

 

 

 

 

Mỹ “cứng” hay “mềm” với Trung Quốc?
Tổng thống Mỹ Obama (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (trái) cùng các tướng tư lệnh trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 5-4 – Ảnh: Reuters

Báo Washington Post đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter trong vài ngày tới sẽ bắt đầu chuyến công du xuyên lục địa đến châu Á và Trung Đông với một trong những trọng tâm là giải quyết bài toán sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông.

Ông Carter sẽ dừng chân tại Philippines, Ấn Độ trước khi bay đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Saudi Arabia. Điều đáng lưu ý là lịch trình của ông Carter sẽ không bao gồm Trung Quốc, “chủ thể” chính của các cuộc thảo luận.

Chính quyền ông Obama muốn rời văn phòng với tối thiểu rắc rối và tối đa hợp tác trong quan hệ với Trung Quốc

JERRY HENDRIX (sĩ quan hải quân Mỹ về hưu, hiện đang giữ vị trí phân tích chiến lược cho Trung tâm vì an ninh Mỹ mới)

“Ván cờ chiến”
của ông Carter

Chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Manila trong tuần tới đặc biệt gây sự chú ý đối với giới truyền thông Philippines. Nhật báo Inquirercủa Philippines gọi đây là “ván cờ chiến” của ông Carter trong bối cảnh khu vực đang căng thẳng vì những hành động khiêu khích, gây mất ổn định của Trung Quốc.

Chủ đề chính trong cuộc gặp giữa ông Carter và người đồng cấp Philippines sẽ là cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) của hải quân hai nước.

Balikatan được thiết kế nhằm nâng cao năng lực quân sự cho quân đội Philippines để đối phó với cuộc khủng hoảng Biển Đông hiện nay. Nhưng cuộc tập trận năm nay quy mô hơn hẳn các năm trước với sự tham gia tăng cường của các nước trong khu vực.

“Ông Carter sẽ đến thăm trong tuần tới vì Philippines là một đồng minh quan trọng của Mỹ… Bộ trưởng Carter sẽ gặp gỡ các binh sĩ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan – điều quan trọng đối với ông trên cương vị bộ trưởng quốc phòng” – đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg thông báo ngày 8-4.

Bản thân ông Carter, trước chuyến đi, cũng đã úp mở rằng “hầu như tất cả các nước (ở châu Á) đang yêu cầu chúng tôi hợp tác nhiều hơn với họ… cả song phương lẫn đa phương”.

Ông Carter trong chuyến công du này đã “lỗi hẹn” với Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, thậm chí sau khi đã nhận lời mời thăm Trung Quốc khi hai người gặp nhau ở Malaysia vào tháng 11-2015.

Các quan chức quốc phòng Mỹ khi đó cho biết hai vị bộ trưởng đã đồng ý thảo ra chi tiết cho chuyến thăm của ông Carter vào mùa xuân này, nhưng khi Lầu Năm Góc công bố lịch trình chuyến công du hôm 8-4 thì lại không có Trung Quốc trong đó.

Bộ Quốc phòng Mỹ nêu lý do vì “sự phức tạp của lịch trình” nên chuyến thăm Trung Quốc của ông Carter không thể diễn ra ngay, nó có thể được dời lại đến cuối năm 2016.

“Dù Mỹ và Trung Quốc có một số bất đồng, hai nước vẫn đang tìm hướng giải quyết” – ông Carter đưa ra lời trấn an.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang lục đục?

Tuần báo Navy Times của Mỹ mới đây tiết lộ tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris, đang tranh cãi quyết liệt đằng sau hậu trường với Nhà Trắng để đưa ra một phản ứng cương quyết hơn để đối trọng với chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, mỗi lần như thế các nỗ lực của ông đều vấp phải lực cản từ nhà Trắng.

Theo các nguồn tin quốc phòng Mỹ, ông Harris đề xuất thêm nhiều chiến dịch tuần tra bằng tàu và máy bay đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Vị tư lệnh Mỹ cho rằng cần phải ngăn chặn ngay “bức trường thành bằng cát” của Trung Quốc trước khi nó mở rộng đến phạm vi 140 dặm cách thủ đô Manila của Philippines.

Theo Navy Times, chính quyền Tổng thống Obama dường như muốn “đấu dịu” để hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề khác như không phổ biến vũ khí hạt nhân, giao thương…

Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice được cho là đã khiến giới quân sự phải im lặng về chuyện Biển Đông trước thềm cuộc gặp giữa ông Obama và Tập Cận Bình hồi tuần trước nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân ở Mỹ.

Tuy nhiên, một ngày sau thông tin của Navy Times, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cùng lên tiếng phủ nhận giữa họ có sự chia rẽ.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook đính chính rằng Bộ trưởng Carter và đô đốc Harry Harris vẫn đưa ra “những lời cố vấn thẳng thắn và cụ thể” cho tổng thống và Hội đồng an ninh quốc gia về các vấn đề liên quan đến châu Á – Thái Bình Dương.

Riêng ông Harris khẳng định “hoàn toàn hài lòng” rằng những quan tâm và kiến nghị của ông đều được “quan tâm, lắng nghe và xem xét”.

Thực hư thế nào không rõ nhưng có một điều rõ ràng là với chín tháng còn lại, Tổng thống Obama không thể đưa ra được một nghị trình lâu dài cho quan hệ với Trung Quốc. Vị tổng thống kế tiếp của Mỹ, dù là bà Hillary Clinton hay ai khác, chắc chắn sẽ phải thể hiện quan điểm của họ một cách rõ ràng hơn.

Sự hợp tác mà Mỹ dành cho Philippines cũng như các nước trong khu vực đang gây một sức ép nhất định lên Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Hẳn vì tiếng nói chung đầy sức nặng của cộng đồng quốc tế mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã phải lên tiếng kêu gọi các hội nghị thượng đỉnh G7 và G20 sắp diễn ra đừng mang các vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay chính trị ra thảo luận.

Theo ý Bắc Kinh thì điều này chẳng giúp ích gì cho hợp tác kinh tế!

MINH TRUNG