26/12/2024

Món nợ tàu Liêu Ninh

Một doanh nhân ở Hồng Kông cho rằng chính quyền Bắc Kinh không chi trả cho ông 120 triệu USD tiền mua tàu sân bay Liêu Ninh.

 

Món nợ tàu Liêu Ninh

Một doanh nhân ở Hồng Kông cho rằng chính quyền Bắc Kinh không chi trả cho ông 120 triệu USD tiền mua tàu sân bay Liêu Ninh.




Từ Tăng Bình chỉ tay vào tàu sân bay Liêu Ninh tháng 3.2002 - 
 Ảnh: SCMP

 

Từ Tăng Bình chỉ tay vào tàu sân bay Liêu Ninh tháng 3.2002 – Ảnh: SCMP


Sau nhiều năm lên tiếng mà không có kết quả, doanh nhân Từ Tăng Bình lại vừa có bài trả lời phỏng vấn dài với tờ South China Morning Post (SCMP) về “nợ nần” giữa ông và chính phủ Trung Quốc liên quan đến tàu sân bay Liêu Ninh.
Năm 1997, khi Hồng Kông chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á thì Từ Tăng Bình đang sở hữu một biệt thự xây kiểu lâu đài trên núi Thái Bình, nơi được cho là có giá đất đắt nhất thế giới, cùng nhiều bất động sản khác.
Theo tờ SCMP, Từ từng là đội trưởng đội bóng rổ của Quân khu Quảng Châu hồi cuối thập niên 1970 trước khi đến Hồng Kông mở hoạt động kinh doanh, có quan hệ tốt với nhiều sĩ quan cấp cao ở đại lục và một số nước.
Đó có thể là lý do ông được “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện một nhiệm vụ không dễ dàng: mang tàu sân bay về cho Trung Quốc. Điều doanh nhân này không ngờ là khó khăn thật sự chỉ đến sau khi ông hoàn thành “nghĩa vụ vinh quang” cho đất nước.
Trong bài phỏng vấn với SCMP mới đây, ông Từ tuyên bố chính phủ không hoàn lại tổng số tiền 120 triệu USD mà ông đã chi cho việc mua tàu, khiến ông lâm vào cảnh nợ nần, không còn vốn liếng làm ăn.
Món nợ tàu Liêu Ninh

Ông Từ Tăng Bình hiện nay – Ảnh: SCMP

Hành trình sóng gió
SCMP dẫn lời ông Từ tiết lộ vào năm 1996, thông qua nhiều nguồn liên lạc, Phó tư lệnh hải quân Trung Quốc khi đó Hạ Bằng Phi đã tiếp cận với ông cùng 2 doanh nhân khác để đề nghị hỗ trợ mua lại tàu sân bay cũ Varyag của Ukraine. Hai người kia từ chối, còn Từ tỏ ra lưỡng lự. Sau nhiều cuộc gặp liên tục, đến tháng 3.1997, ông Từ đã bị ông Hạ thuyết phục.
“Ông ấy nói với tôi rằng đó là cơ hội chỉ có một lần trong một thế kỷ cho Trung Quốc sở hữu tàu sân bay. Tôi rất cảm động khi ông Hạ nắm chặt tay và nói: “Hãy ủng hộ tôi, đi mua và mang tàu về cho đất nước”. Thế là tôi hứa sẽ hoàn thành bằng mọi giá”, Từ kể lại với SCMP.
Tuy nhiên, theo sách China’s Carrier (tạm dịch: Tàu sân bay của Trung Quốc), kế hoạch mua tàu ẩn chứa rủi ro rất lớn là không được sự ủng hộ cao nhất từ trung ương. Khi đó, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn “ẩn mình chờ thời” và dàn lãnh đạo cấp cao không muốn có biểu hiện khiến Mỹ đề phòng.
Điều này đồng nghĩa với việc thương vụ phải diễn ra trong âm thầm trong khi ngân sách của hải quân rất eo hẹp. Từ Tăng Bình khẳng định với SCMP ông vẫn chấp nhận vì “tình cảm với đất nước” và hy vọng tình hình sẽ khác sau khi mua được tàu.
Do phía Ukraine không muốn bán tàu cho mục đích quân sự nên Từ bịa ra lý do ông muốn cải tạo Varyag thành sòng bạc nổi lớn nhất thế giới. Để nguỵ trang, ông lập một công ty “ma” ở Macau và chi 800.000 USD để mua giấy phép mở sòng bạc, đồng thời lập thêm một văn phòng ở thủ đô Kiev của Ukraine với hàng chục chuyên gia, kỹ sư hàng hải.
Tiếp theo đó là những ngày dài đàm phán với giới chức và chủ hãng tàu đóng Varyag trong những buổi tiệc xa hoa, đi kèm là quà cáp để “bôi trơn”.
Thế là nhờ sự giúp đỡ của “những người bạn Ukraine”, ông Từ vượt qua các đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản để mua được tàu Varyag với giá 20 triệu USD vào ngày 19.3.1998.
Tiếp theo, Từ thuê một công ty Hà Lan kéo tàu sân bay về Trung Quốc vào tháng 6.1999. Quá trình diễn ra suôn sẻ cho đến khi đội tàu tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là thành viên NATO. Giới chức nước này không cho phép đội tàu đi qua eo biển vì quan hệ Mỹ – Trung khi đó đang căng thẳng sau vụ máy bay Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade trong cuộc chiến Nam Tư. Đội tàu kéo phải nằm chờ một tháng trước khi quay trở lại Ukraine.
Tuy nhiên trong cái rủi có cái may, căng thẳng với Washington khiến phát triển quốc phòng trở thành một trong những ưu tiên chiến lược của giới lãnh đạo Bắc Kinh và kế hoạch tàu sân bay được xem xét lại.
Tháng 4.2000, Chủ tịch Giang Trạch Dân thăm Ankara, mang theo cam kết khuyến khích du khách Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ và mở cửa thị trường với hàng hoá nước này. Nước cờ này đã phát huy tác dụng khi đến tháng 8.2001, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép đội tàu kéo đi qua.
Tháng 3.2002, Varyag về tới Trung Quốc và sau hơn một thập niên tu bổ, tàu được đổi tên thành Liêu Ninh để bàn giao cho hải quân hồi tháng 9.2012.

Nợ chất chồng

“Khi hải quân nhận con tàu, tôi có cảm giác như được nhìn thấy đứa con đi lạc trở về, trưởng thành và lập gia đình”, Từ nói vớiSCMP. Thế nhưng, có vẻ như “đứa con” này thuộc dạng “phá gia chi tử” khi gia sản của Từ lụn bại từ đó. Theo lời của Từ, chi phí cho toàn bộ thương vụ không dừng ở mức 20 triệu USD mà ông đã chi ít nhất 120 triệu USD, bao gồm tiền vận hành các văn phòng, thuê người, tiền “bôi trơn”, chi phí kéo tàu về nước, tiền thuê cảng trong giai đoạn “trùm mền” ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine…
Tất cả là tiền túi của Từ và ông tuyên bố đến nay vẫn chưa nhận lại được xu nào từ chính phủ Trung Quốc. Theo SCMP, để có được số tiền này, Từ phải bán biệt thự ở núi Thái Bình cùng nhiều bất động sản khác và vay tiền của nhiều người.
Món nợ tàu Liêu Ninh - ảnh 2

Máy bay J-15 đáp xuống tàu sân bay Liêu Ninh trong đợt diễn tập ngày 24.12.2015 – Ảnh từ clip CNTV
Trong gần 20 năm qua, ông Từ đã cố thương lượng với chính phủ Trung Quốc để lấy lại tiền nhưng Bắc Kinh chỉ hứa trả 20 triệu USD tiền mua tàu, đến giờ vẫn chưa thấy đâu, số còn lại thì cần có… hoá đơn. Những sĩ quan hải quân năm xưa từng liên hệ với Từ thì người đã qua đời, người đang thụ án tù vì tham nhũng nên cũng không ai hỗ trợ được gì. Vì thế, Từ lâm vào nợ nần chồng chất, phải vay mượn tứ phương để trả lãi và đến nay, ông đã dứt mọi khoản nợ nhưng gần như trắng tay.
“Ít nhất thì họ cũng phải cho tôi một sự công nhận chính thức chứ”, Từ nói với SCMP. Thế nhưng thậm chí ông còn không được mời tới lễ biên chế tàu và truyền thông đại lục không hề nhắc đến cái tên Từ Tăng Bình.
“Tôi hiện đang ấp ủ 2 dự án dân sự – quốc phòng và một số dự án bất động sản nhưng không còn vốn để thực hiện”, SCMP dẫn lời Từ nói.
Quân đội Trung Quốc đang trải qua một đợt cải tổ sâu rộng theo kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình. Một trong những điểm quan trọng nhất là minh bạch hoá các dự án của Bộ Quốc phòng và mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Có vẻ như Từ hy vọng những thay đổi này sẽ mở ra con đường mới cho ông.
“Giờ thì tôi chỉ hy vọng trung ương sẽ ủng hộ những doanh nghiệp yêu nước như tôi và cho chúng tôi tham gia ngành công nghiệp quốc phòng càng sớm càng tốt”, ông nói với SCMP.

 

Văn Khoa