26/12/2024

Phụ gia độc hại bán tràn lan trên mạng

Ở các nước, người dân mua hoá chất rất khó khăn vì doanh nghiệp kinh doanh hoá chất bị quản lý rất nghiêm khắc, chặt chẽ. Còn ở VN, mua hoá chất quá dễ, ai cũng mua được.

 

Phụ gia độc hại bán tràn lan trên mạng

 

Ở các nước, người dân mua hoá chất rất khó khăn vì doanh nghiệp kinh doanh hoá chất bị quản lý rất nghiêm khắc, chặt chẽ. Còn ở VN, mua hoá chất quá dễ, ai cũng mua được.

 

 

 

 

Nhiều hóa chất dùng cho thực phẩm được bán vô tư trên mạng - Ảnh: chụp từ website

 

Nhiều hóa chất dùng cho thực phẩm được bán vô tư trên mạng – Ảnh: chụp từ website

 

Không cần ra chợ, khách ở nhà vẫn có thể đặt hàng qua mạng và được giao tận nơi các loại hóa chất dùng cho thực phẩm, từ chất tẩy trắng bún đến chất bảo quản thực phẩm chống nhớt, chống mốc; phụ gia tạo giòn dai thay thế hàn the; chất tạo màu, tạo đạm…
Mua bao nhiêu cũng có


Phụ gia độc hại bán tràn lan trên mạng - ảnh 1
Ở Nhật Bản chất Natri Benzoat bị cấm hoàn toàn nhưng ở VN là phổ biến vì nhà sản xuất muốn thoả mãn nhu cầu cảm quan của người tiêu dùng, như luộc gà phải cho hoá chất vào để da gà có màu vàng hấp dẫn; hoặc bỏ hoá chất vào nhằm làm cho sản phẩm hoàn thiện hơn
Phụ gia độc hại bán tràn lan trên mạng - ảnh 2

TS Đỗ Việt Hà, chuyên gia về an toàn thực phẩm

Gọi đến nhân viên tư vấn bán hàng của một trang mạng chuyên bán hoá chất dùng cho thực phẩm, chúng tôi đặt các lô hàng phụ gia tạo giòn dai cho nem chả. Cô nhân viên nhiệt tình khuyên mua phụ gia polyphosphat (tên khác là arcord) hiện được nhiều cơ sở sản xuất nem chả ưa chuộng do tạo độ giòn dai cho nem chả y như hàn the.

“Có 2 loại, một loại giá 145.000 đồng/kg, một loại 135.000 đồng/kg, xuất xứ Thái Lan. Còn hương thịt bò có giá 330.000 đồng/kg; hương thịt heo có loại 332.000, 350.000, 425.000 đồng/kg, xuất xứ trong nước, Indonesia, Thái Lan. Có bao 25 kg”, cô chào một loạt sản phẩm. Theo nhân viên này, trong trường hợp khách hàng ở tỉnh, bên bán sẽ giao hàng tận nơi bằng xe khách, chi phí người mua trả. Quản lý của trang mạng này khẳng định sẽ ưu đãi về giá nếu chúng tôi đặt mua các loại hóa chất với số lượng lớn. Còn trường hợp đặt hàng trực tiếp, khách hàng có thể đến kho ở Q.8 (TP.HCM) để giao dịch.
Đối với các hoá chất bảo quản thực phẩm như chất tẩy trắng bún Sodium Metalbisulfite, khách hàng có thể đặt mua dễ dàng chỉ qua một cuộc điện thoại. Trên các trang mạng, hình ảnh và thông tin về chất này bày bán công khai, chi tiết.
Vào một trang mạng chuyên về hoá chất ở Đồng Nai thì thấy bán Natri Benzoat 25 kg/bao, giá chỉ 50.100 đồng, xuất xứ Trung Quốc nhưng không ghi hãng sản xuất. Đây là hoá chất chống mốc, chống lên men thực phẩm, gia vị, đồ uống để kéo dài thời gian sử dụng.
Một số trang mạng chuyên về phụ gia thực phẩm, có độ phủ kinh doanh rộng lớn cả nước thì mời chào công khai rằng một cây chả phải góp mặt đầy đủ các loại hóa chất, phụ gia chống mốc, chống nhớt, tăng thời gian bảo quản; phụ gia tạo cấu trúc giòn dai (thay thế hàn the), tăng khả năng giữ nước. Ngoài ra còn có thêm các loại phụ gia ngăn chả lụa, nem, patê sậm màu khi để ngoài không khí; phụ gia tạo màu tự nhiên, không nhăn…
Nhiều trang mạng còn bán hương liệu tạo hương thịt heo, hương bò, hương tôm, hương gà, hương patê gan. Trường hợp muốn tăng độ ngọt cho nước hầm thịt thì đã có chất điều vị I+G cùng họ với bột ngọt, nhưng ngọt hơn bột ngọt thông thường từ 100 – 150 lần. Các quán lẩu cũng chuộng I+G vì tạo vị ngọt cho nồi súp. Rồi chất Glycine, một loại chất điều vị tăng vị ngọt dịu, giảm các vị đắng, vị chua, vị mặn; tăng độ đạm cho nước chấm, nước trái cây, sữa đậu nành.
Tất cả hóa chất, phụ gia thực phẩm kể trên khách mua bao nhiêu cũng có.
Các nước cấm, VN… thoải mái
Trên thực tế, Sodium Metalbisulfite là hợp chất vô cơ được dùng làm chất tẩy uế, chất chống ô xy hóa và đã bị nhiều quốc gia trên thế giới cấm sử dụng chất cho thực phẩm vì có khả năng gây chết người, nhưng ở VN thì lại “mua bán vô tư”.
TS Đỗ Việt Hà, chuyên gia về an toàn thực phẩm, cũng nhìn nhận thực tế đáng báo động này. Chẳng hạn, ở Nhật Bản chất Natri Benzoat bị cấm hoàn toàn nhưng ở VN là phổ biến vì nhà sản xuất muốn thoả mãn nhu cầu cảm quan của người tiêu dùng, như luộc gà phải cho hoá chất vào để da gà có màu vàng hấp dẫn; hoặc bỏ hoá chất vào nhằm làm sản phẩm hoàn thiện hơn.
“Một con heo nặng 100 kg nếu lấy thịt để làm chả lụa chỉ đủ 15 kg, nên người ta chọn thêm một số loại thịt khác của con heo trộn vào thịt đúng tiêu chuẩn. Vì thế, để chả lụa ngon hơn khi không thể dùng đúng loại thịt, người sản xuất buộc phải dùng hoá chất để cây chả hoàn hảo, lâu hư. Quan điểm của tôi là không nên dùng bất cứ hoá chất, phụ gia để sản xuất thực phẩm, dù các loại đó được cơ quan y tế cho phép. Nếu có dùng chất bảo quản thì chỉ nên dùng chất bảo quản thiên nhiên như tinh dầu nghệ để bảo quản một số loại hải sản, giúp tiêu hoá tốt hơn. Chưa kể, nhiều loại hoá chất, phụ gia bán ở VN không đáng tin tưởng, có cả hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhập lậu thì rất nguy hiểm”, ông Hà phát biểu.
Ông Phạm Văn Quang, chủ một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, cho biết hiện nay nhiều người sử dụng chất tẩy trắng Sodium Metabisulphite trong thực phẩm (bột, bún/phở…). Đây là một chất tẩy dùng trong công nghiệp, cấm sử dụng trong thực phẩm vì dư lượng SO2 khi con người sử dụng vào sẽ viêm loét bao tử, đường ruột và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Còn gốc lưu huỳnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch và tiêu hoá con người. Đặc biệt, hiện nay trong thực phẩm sử dụng rất nhiều chất điều vị, có thể gây các bệnh tai biến mạch máu, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm và cả ung thư.
Theo ông Quang, ở các nước, người dân mua hoá chất rất khó khăn vì doanh nghiệp kinh doanh hoá chất bị quản lý rất nghiêm khắc, chặt chẽ. Còn ở VN, mua hóa chất quá dễ, ai cũng mua được. Ngay một đứa trẻ cũng có thể mua được hoá chất thì quá kinh khủng. “Người ta bảo gánh một gánh hoá chất từ Trung Quốc qua VN với giá 1 đồng thì họ sẽ kiếm lời 1 triệu USD bằng sức khoẻ của người VN. Chợ Kim Biên nằm rõ đó còn xử lý không được, đừng nói kinh doanh qua mạng”, ông Quang nhấn mạnh.
Chế tài không nghiêm nên buôn bán tràn lan
TS Ngô Trí Long, chuyên gia về thị trường, khẳng định để hoá chất, phụ gia thực phẩm buôn bán tràn lan là trách nhiệm của Bộ Y tế và các sở trực thuộc ở địa phương. Ngoài ra, hoá chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi được bán công khai còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Ở các nước, đối tượng vi phạm trong việc sử dụng hoá chất, phụ gia thực phẩm bị xử lý hình sự; đồng thời cơ quan nào quản lý không tốt cũng phải bị xử lý nghiêm khắc. Còn ở VN do chế tài không nghiêm thành ra buôn bán tràn lan. “Bộ KH-CN phải có trách nhiệm ngồi lại với các bộ liên quan để cập nhật, xem xét loại bỏ một số chất ra khỏi danh sách lưu hành trên thị trường”, ông Long kiến nghị.


N.Trần Tâm