26/12/2024

Máy đo an toàn thực phẩm có an toàn?

Quá lo sợ chất cấm, chất bảo quản rau củ thực phẩm, nhiều gia đình đã bỏ tiền sắm riêng chiếc máy đo nitrat trong thực phẩm Soeks.

 

Máy đo an toàn thực phẩm có an toàn?

 

 

Quá lo sợ chất cấm, chất bảo quản rau củ thực phẩm, nhiều gia đình đã bỏ tiền sắm riêng chiếc máy đo nitrat trong thực phẩm Soeks.





Ở một số shop bán hàng, thậm chí ngoài chợ, chiếc máy này cũng được sử dụng như một sự đảm bảo với khách về chất lượng. Nhưng chiếc máy này liệu có chỉ ra được thực phẩm an toàn? 

 
 
Máy đo an toàn thực phẩm có an toàn? - ảnh 1
Một thực phẩm có an toàn hay không còn phải dựa vào kiểm tra định lượng trong phòng thí nghiệm và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.
Việc chỉ kiểm tra hàm lượng nitrat không thể khẳng định thực phẩm có an toàn hay không

Máy đo an toàn thực phẩm có an toàn? - ảnh 2
 
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM

 


Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, máy đo Soeks được Bộ Y tế cấp phép từ tháng 8.2014 và bắt đầu xuất hiện trên thị trường VN từ cuối năm 2014. Có 2 loại, nếu máy đơn giản chỉ đo nồng độ nitrat thì giá bán lẻ ra thị trường là 4,5 triệu đồng; loại được giới thiệu ngoài đo chất nitrat còn đo được bức xạ phóng xạ thì giá bán là 6,5 triệu đồng.
“Loạn” kết quả
Để tìm hiểu thực hư về máy đo thực phẩm an toàn, đầu tháng 4, chúng tôi mua một chiếc máy Nitrat Tester NUC 019-01 SOEKS xuất xứ từ Nga với lời giới thiệu “sản phẩm sẽ giúp bạn kiểm tra độ an toàn của thực phẩm để bạn cảm thấy yên tâm hơn khi mua thực phẩm ngoài chợ, trong siêu thị và một số nơi khác” và tiến hành dùng máy đo các loại thực phẩm phổ biến trên thị trường.
Theo danh sách đã được lập trình sẵn trong máy đo, có khoảng 60 loại thực phẩm phổ biến được chia làm 3 nhóm gồm rau củ, trái cây và thực phẩm (trong danh mục thực phẩm gồm thịt tươi, hải sản và thực phẩm cho trẻ em). Đầu tiên, chúng tôi tiến hành đo một số sản phẩm mua từ chợ thuộc P.Tân Quy (Q.7, TP.HCM).
Máy đo an toàn thực phẩm có an toàn? - ảnh 3

Máy đo an toàn thực phẩm có an toàn? - ảnh 4

Qua thử nhanh bằng máy đo Soeks, hầu hết thực phẩm đều không đạt chuẩn an toàn – Ảnh: M.P – C.N

Một số loại trái cây thì vượt chuẩn đáng kể như quýt chín ngưỡng cho phép chỉ 60 mg/kg nhưng kết quả đo là 88 mg, chuối chín kết quả đo là 99 mg… Các loại cá nục, cá hường cũng đều vượt chuẩn cho phép. Cụ thể, tiêu chuẩn cho phép của các loại hải sản hầu hết là 200 mg/kg thì cá nục cho kết quả là 267 mg, cá hường là 249 mg. Điều đáng kinh ngạc là không chỉ thực phẩm ở các chợ không an toàn mà ngay cả thực phẩm ở các siêu thị lớn tại TP.HCM cũng đều vượt chuẩn cho phép. Hải sản hay thịt tươi đều vượt chuẩn ở mức nguy hiểm khi tiêu chuẩn trong máy đo là 200 mg/kg thì cá đuối ở siêu thị B cho kết quả lên 326 mg, bạch tuộc có mức 247 mg và thịt heo sạch có mức 221 mg. Còn tại siêu thị C, cá nục có số đo là 210 mg…
Nếu theo chế độ tiêu chuẩn cho trẻ em được cài sẵn trong máy đo trên với hàm lượng cho phép chỉ ở mức 50 mg/kg thì tất cả các loại sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, thịt cá ở chợ hay siêu thị đều vượt quá mức nguy hiểm. Chị Thanh, một phụ huynh có 2 con nhỏ ngụ Q.1 (TP.HCM), cho biết sau khi mua máy Soeks về đo thì chị quyết định đầu tư trồng rau tại nhà để cho con sử dụng.
“Sau khi đo bằng cái máy này thì đa số là trái cây và cá biển vượt chuẩn quá nhiều. Những món vượt chuẩn của người lớn tôi còn không dám sử dụng nói gì cho con khi sức đề kháng của trẻ còn quá kém. Vì vậy kể từ khi có cái máy đo này gia đình tôi càng lo lắng nhiều hơn về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay”, chị Thanh chia sẻ.
Đáng lưu ý, thực tế quá trình đo cho thấy cùng 1 sản phẩm máy Soeks lại cho ra… nhiều kết quả khác nhau. Ví dụ, với món cá nục đo lần đầu thì dư lượng là 0 mg nhưng đo lần sau lên mức 210 mg và cuối cùng là kết quả là 267 mg; cùng củ cà rốt nhưng lúc đo có mức 95 mg, đo lại là 105 mg…
Đạt chuẩn vẫn chưa sạch
Máy đo Soeks được giới thiệu là cách nhanh nhất để nhận biết các loại thịt cá ôi thiu đã được tẩm hóa chất để trở thành thịt cá tươi với độ sai biệt nhỏ hơn 5%. Tuy nhiên, máy chỉ đo được nồng độ nitrat là chất được sử dụng trong phân bón hoá học hay các hóa chất bảo quản chứa gốc nitrat để ép chín hoặc giữ tươi hoa quả, thực phẩm hay trong muối diêm thường để phù phép thịt ôi, thối thành tươi ngon.
Trong khi đó, phân tích của các chuyên gia cho thấy thực phẩm có chứa rất nhiều thành phần khác nhau. Như rau củ quả thường được bón bằng phân u rê (lượng nitrat từ phân u rê mà có); được phun các loại thuốc bảo vệ thực vật, chống sâu bệnh, kích thích cây quả phát triển. Hay thịt tươi được sử dụng chất tạo nạc salbutamol, vàng ô, hàn the… Đặc biệt những chất cấm đó mắt thường không thể phân biệt được và hiện nay cũng không có máy đo nhanh nào, ngoại trừ các thiết bị trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, nếu máy Soeks kiểm tra hàm lượng nitrat trong chuẩn cho phép thì cũng không ai dám khẳng định đó là sản phẩm an toàn.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, các hình thức thử (test) nhanh cơ bản chỉ kiểm tra định tính dựa trên sự chuyển màu của sản phẩm. “Một thực phẩm có an toàn hay không còn phải dựa vào kiểm tra định lượng trong phòng thí nghiệm và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác. Sở dĩ có loại máy trên thị trường người ta đặt ra chỉ tiêu đo hàm lượng nitrat vì nó là một trong những nguyên nhân gây ung thư và các bệnh về gan, thận. Việc chỉ kiểm tra hàm lượng nitrat không thể khẳng định thực phẩm có an toàn hay không”, bác sĩ Diệp nói.
Tương tự, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, phân tích loại máy test thực phẩm nhanh đang phổ biến trên thị trường chỉ kiểm tra về hàm lượng nitrat tồn dư trong thực phẩm. Trong khi đó, một thực phẩm được cho là sạch phải bao gồm 4 yêu cầu cơ bản là không tồn lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, sinh vật gây bệnh và nitrat. Chính vì vậy, nếu máy này có thể cho là chính xác thì nó chỉ mới chỉ đáp ứng một trong 4 yêu cầu về thực phẩm sạch. Vì vậy, theo ông Nghĩa, để kiểm soát thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, nhà nước phải tăng cường quản lý thật chặt và truy xuất nguồn gốc, bởi một chiếc máy không thể kiểm tra hết tất cả các yếu tổ để cho ra một kết quả có an toàn hay không.
Không phải là “chiếc đũa thần”
Theo bác sĩ Trần Văn Ký, Uỷ viên BCH Hội An toàn thực phẩm VN, cần phân biệt máy này không phải là “chiếc đũa thần” để kiểm tra độ an toàn thực phẩm 100%. “Rau củ quả thường được bón bằng phân u rê và lượng nitrat từ phân u rê mà ra. Người trồng rau củ quả nếu tưới phân với thời gian cách ly sau 7 – 10 ngày mới thu hoạch thì lượng nitrat sẽ không còn tồn đọng trong rau, củ, quả nữa. Nhưng nếu phun quá nhiều, hoặc thời gian cách ly thu hoạch quá ngắn, hàm lượng nitrat vẫn còn tồn dư trong rau, củ quả, vượt ngưỡng cho phép. Đây chính là mầm mống gây ra các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư… Thứ nữa, các thành phần thuốc bảo vệ thực vật, chống sâu bệnh, kích thích cây quả phát triển… nếu được phun cho cây, tồn dư của những chất độc hại này nếu có trên rau củ quả thì máy cũng không phát hiện được”, bác sĩ Ký phân tích.
Ng.Nga

 

Mai Phương – Chí Nhân