Đằng sau cuộc tập trận rầm rộ Mỹ-Philippines gần Biển Đông
Hàng ngàn lính Philippines và Mỹ cùng nhiều máy bay, tàu chiến ngày 4.4 bắt đầu tham gia cuộc tập trận thường niên Balikatan 2016 tại nhiều khu vực ở bờ biển phía tây Philippines.
Đằng sau cuộc tập trận rầm rộ Mỹ-Philippines gần Biển Đông
Hàng ngàn lính Philippines và Mỹ cùng nhiều máy bay, tàu chiến ngày 4.4 bắt đầu tham gia cuộc tập trận thường niên Balikatan 2016 tại nhiều khu vực ở bờ biển phía tây Philippines.
Cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) kéo dài từ ngày 4 – 15.4 tại các vùng Antique, Panay, Palawan, Tarlac, Pampanga, Nueva Ecija, và Zambales ở Philippines, theo trang tin Inquirer ngày 4.4.
Ông Celeste Frank Sayson, người phát ngôn của cuộc tập trận Balikatan 2016 cho biết 55 máy bay Mỹ sẽ tham gia, trong khi Philippines sẽ sử dụng các chiến đấu cơ vừa mua gần đây.
Tờ Philstar cho hay cuộc tập trận này sẽ là cơ hội để Philippines thử nghiệm các khí tài quân sự mà nước này mới đưa vào biên chế, trong đó có 5 tàu đổ bộ đã qua sử dụng mua lại của Úc với giá 726 triệu peso (khoảng 15 triệu USD).
Ít nhất 2 chiếc trong 5 tàu này, cùng một tàu hộ vệ, các xe bọc thép M113, các chiến đấu cơ huấn luyện FA-50 cùng 10.000 lính Philippines và Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận lần này với nhiệm vụ mô phỏng việc tái chiếm các giàn khai thác dầu khí và tập trận đổ bộ.
Trước đó, tàu ngầm Oyashio và 2 tàu khu trục Ariake, Setogiri của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ngày 3.4 cũng đã cập cảng Subic của Philippines để tham gia cuộc tập trận này, theo tạp chí Quốc phòng Úc. Hai tàu khu trục Nhật Bản sau đó sẽ đi qua Biển Đông và ghé thăm quân cảng Cam Ranh của Việt Nam vào cuối tháng 4.
Đặc biệt, hệ thống pháo phản lực đa nòng cơ động cao của Mỹ (HIMARS) M143 cũng lần đầu tiên được sử dụng tại Balikatan 2016. HIMARS có tầm bắn 300 km, phóng đi các loại đạn pháo phản lực tấn công mục tiêu trên bộ, và từng được thử nghiệm bắn cả loại tên lửa phòng không AMRAAM.
Ngoài ra, Úc cũng đưa 86 lính cùng một máy bay tuần tra biển AP-3C Orion đến tham gia tập trận. Một số nước Đông Nam Á cùng Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự với tư cách quan sát viên.
Thắt chặt quan hệ đồng minh, bảo vệ lãnh thổ
Mục đích của cuộc tập trận lần này nhằm gia tăng khả năng tương tác giữa quân đội Philippines và Mỹ. Các quan chức cho hay cuộc tập trận này tập trung vào việc thực thi luật pháp về hàng hải, các hoạt động ứng phó thảm hoạ và không liên quan đến các tranh chấp tại Biển Đông, dù nó diễn ra vào thời điểm tình hình Biển Đông đang căng thẳng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận xét rằng cuộc tập trận ít nhiều nhắm vào Trung Quốc. Giáo sư nghiên cứu vấn đề quốc tế Rene de Castro tại Đại học De La Salle (Philippines) đánh giá: “Các khí tài được sử dụng tại Balikatan như giàn phóng tên lửa di động, máy bay chiến đấu cho thấy liên minh này được hình thành cho mục đích bảo vệ lãnh thổ”.
Còn giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle nhận định cuộc tập trận Balikatan nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các nước đồng minh và bắn tín hiệu sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu cần thiết.
Philippines là một trong những nước có năng lực quân sự yếu nhất khu vực, theo AFP. Manila đang tìm cách đương đầu với sức mạnh lấn át của Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và Nhật Bản.
Hồi tháng 1.2016, hiệp ước hợp tác quốc phòng nâng cao giữa Philippines và Mỹ có hiệu lực, cho phép Mỹ triển khai quân đội tại các căn cứ của Philippines ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến cũng sẽ có mặt và quan sát cuộc tập trận tại Philippines năm nay. Ông Carter sẽ lên tàu hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận Balikatan và đến thăm đảo Palawan, sau đó tham dự buổi lễ kết thúc cuộc tập trận, theoInquirer.
Sự có mặt của ông Carter được cho nhằm tái khẳng định mối quan hệ vững chắc giữa Mỹ và Philippines, rằng hai đồng minh sẽ luôn sát cánh cùng nhau, theo ông John Toolan, một chỉ huy Mỹ tại cuộc tập trận Balikatan 2016.
Bảo Vinh