05/11/2024

Abu Sayyaf và mối nguy bắt cóc trên biển

Từng gây ra nhiều vụ bắt cóc du khách đình đám, nhóm vũ trang Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền nam Philippines nay bắt cả những người đi biển để đòi tiền chuộc.

 

Abu Sayyaf và mối nguy bắt cóc trên biển

 

Từng gây ra nhiều vụ bắt cóc du khách đình đám, nhóm vũ trang Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền nam Philippines nay bắt cả những người đi biển để đòi tiền chuộc.





Xác tàu kéo Brahma 12 sau khi bị Abu Sayyaf tấn công - Ảnh: IDN Times

 

Xác tàu kéo Brahma 12 sau khi bị Abu Sayyaf tấn công – Ảnh: IDN Times


Vụ mới nhất xảy ra khoảng 18 giờ 15 ngày 1.4 gần bờ biển phía đông bang Sabah của Malaysia. Tám tên cướp nói tiếng Anh và thổ ngữ Tagalog xâm nhập và chĩa súng vào những thuyền viên trên tàu MV Masfive 6 đang từ Philippines trở về Malaysia sau khi bốc dỡ gỗ ở Manila. Bốn thuyền viên Malaysia bị buộc lên tàu cao tốc của chúng và chạy về phía vùng biển Philippines, trong khi 2 người Indonesia và 3 người Myanmar được thả đi cùng tàu Masfive 6.
Mặc dù cơ quan chức năng Malaysia lẫn Philippines tới giờ chưa xác định chính xác thủ phạm, nhưng căn cứ vào diện mạo và cách thức ra tay, mọi nghi vấn đổ dồn vào nhóm vũ trang Abu Sayyaf (ASG) đóng trên đảo Sulu của Philippines, cách Sabah chỉ vài giờ tàu.
Trước đó, 10 tay súng ASG đã bắt cóc 10 thuyền viên Indonesia trên tàu hàng Anand 12 và tàu kéo Brahma 12. Biến mất cùng 10 thuyền viên và tàu Anand 12 đang chở 7.000 tấn than, những tên cướp thả trôi tàu kéo và nó được tìm thấy gần đảo Tawi-Tawi của Philippines hôm 26.3. Những tên cướp xưng thuộc nhóm ASG sau đó đã liên hệ với chủ tàu và đòi tiền chuộc 1 triệu USD.
Indonesia sôi sục mấy ngày qua, giữa lúc các nhà lập pháp nước này kêu gọi Tổng thống Joko Widodo không nhượng bộ. Cảnh sát Indonesia tuyên bố sẽ đưa đội đặc nhiệm chống khủng bố khét tiếng Densus 88 và lực lượng cơ động phối hợp với phía Philippines tấn công sào huyệt ASG để giải phóng 10 công dân của mình, nếu Manila chấp thuận.
Đến nay, số phận các con tin Indonesia vẫn đang treo lơ lửng. Nhà chức trách Indonesia cho hay họ được những tên bắt cóc “đối xử tử tế”.
Trong khi đó, tàu Anand 12 còn nguyên hàng được Cơ quan Thực thi luật biển Malaysia phát hiện đang trôi dạt gần bờ biển phía đông bang Sabah hôm 3.4. Nhưng không có thêm thông tin gì về 4 thuyền viên Malaysia. Những diễn biến này cảnh báo một nguy cơ mới đối với thuỷ thủ các nước Đông Nam Á trên những tàu hàng hoạt động trong khu vực.
Cướp bóc hơn là khủng bố
ASG ra đời năm 1991 với sự tài trợ của mạng lưới al-Qaeda. Gần đây, nhóm này được tin là đã chuyển qua trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Các quốc gia trong khu vực vì thế cũng lo ngại miền nam Philippines có thể bị biến thành một “tỉnh” của IS ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Oh Ei Sun, sinh trưởng tại Sabah và hiện là cố vấn không chính thức cho Thủ tướng Malaysia Najib Nazak về các vấn đề của bang này, ASG chuyên bắt cóc tống tiền và cướp biển hơn là một nhóm khủng bố. Tháng 9.2015, các tay súng ASG bắt cóc 2 du khách Canada và 1 người Na Uy – chủ một resort trên đảo Samal của Philippines, khá xa cứ địa Sulu, và đòi 60 triệu USD tiền chuộc.
Cũng trong năm ngoái, nhóm này bắt cóc kỹ sư Malaysia Bernard Then tại một nhà hàng ở bang Sabah. Ông Then sau đó bị chặt đầu trên đảo Sulu sau khi thương thảo về tiền chuộc không thành.
Năm 2000, ASG xâm nhập vào Malaysia bắt cóc 21 du khách châu Âu lẫn châu Á ở một resort. Phải mất một năm các con tin mới được thả sau khi chi tiền chuộc. Nhiều quốc gia phương Tây vì thế khuyến cáo công dân mình không nên đến miền nam Philippines.
Thay đổi chiến thuật
Sau 2 vụ bắt cóc liên tiếp nhằm vào các con tàu trên biển, nhà chức trách Malaysia và Indonesia cho rằng ASG thay đổi chiến thuật, từ nhắm vào các du khách trên đất liền giờ chuyển sang tấn công người đi biển. Nguyên nhân được cho là lệnh giới nghiêm từ 19 giờ đến 5 giờ sáng áp dụng từ tháng 7.2014 trên 7 quận huyện của bang Sabah khiến các tay súng ASG khó xâm nhập vùng đất này hơn. Lệnh giới nghiêm cho phép lực lượng an ninh lục soát mọi con tàu xuất hiện vào giờ giới nghiêm trong vùng biển 3 hải lý tính từ bờ.
Trao đổi với Thanh Niên, Phó giáo sư Kumar Ramakrishna, chuyên gia về các nhóm vũ trang tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), cho rằng đánh giá của các cơ quan chức năng Malaysia và Indonesia là có cơ sở. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Oh Ei Sun, lệnh giới nghiêm, vốn nhằm ngăn các tay súng Philippines là chính, không có mấy tác dụng. “Bọn chúng lúc bắt cóc trên đất liền, lúc trên biển, bất kỳ khi nào thuận lợi”, ông Oh nói với Thanh Niên.
Channel News Asia ngày 4.4 đưa tin chính phủ Malaysia đang xem xét khả năng đóng băng trao đổi thương mại và lưu thông nhu yếu phẩm giữa bờ đông Sabah và miền nam Philippines nhằm tránh bị ASG tấn công. Nhưng ông Oh quả quyết: “Malaysia có thể thực hiện 1.001 giải pháp, nhưng chắc chắn không ăn thua”. “Vùng biển Philippines quá gần bang Sabah, nên các tên cướp có thể đào thoát một cách dễ dàng mà các lực lượng vũ trang Malaysia không thể đuổi theo được. Trong khi đó, chính quyền Philippines không quan tâm mấy về chuyện này”, ông giải thích.
Mặt khác, “rất khó để phân biệt bạn với thù”, bởi một số thành phần bất hảo Philippines từng được Malaysia cấp quy chế thường trú hoặc công dân trong những thời điểm cạnh tranh như bầu cử. Và chính những người này trở thành “tay trong” cho những kẻ phá hoại Malaysia, ông nói thêm. Nhìn nhận về mối nguy Abu Sayyaf, ông Oh tỏ ra ngao ngán: “Thật không may khi mà người dân Sabah phải chung sống với nhóm này từ lâu rồi”.

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)