05/11/2024

Nỗ lực cứu bưởi da xanh

Hơn 6.000 ha bưởi da xanh – đặc sản nổi tiếng ở Bến Tre đang có nguy cơ bị xoá sổ vì hạn hán và xâm nhập mặn.

 

Nỗ lực cứu bưởi da xanh

 

Hơn 6.000 ha bưởi da xanh – đặc sản nổi tiếng ở Bến Tre đang có nguy cơ bị xoá sổ vì hạn hán và xâm nhập mặn.





Người trồng bưởi phải cắt bỏ trái để cứu cây  - Ảnh: Phượng Vỹ

 

Người trồng bưởi phải cắt bỏ trái để cứu cây – Ảnh: Phượng Vỹ


Trong tình cảnh hạn, mặn bủa vây như hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Tân Thành Bình (xã Tân Thành Bình, H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) có 36 thành viên thì đều chọn cách cắt bỏ trái và khoan giếng tìm nước ngọt để cứu lấy cây bưởi. Ông Nguyễn Văn Sốt (ngụ ấp Tân Long) cho biết cùng nhiều nông dân khác đã cắt bỏ 70% trái non và mời thợ khoan 7 giếng tầng nông nhưng vẫn chưa tìm được nguồn nước ngọt. Chung cảnh ngộ cạnh vườn ông Sốt, ông Nguyễn Văn Múp nói: “Trời nắng như thiêu đốt, nước dưới mương thì mặn như muối. Thấy ông Sốt khoan giếng tôi cũng gọi thợ đến khoan 2 cây nước tốn 3 triệu đồng mà không lấy được giọt nước nào. Không chỉ tôi mà ông Chín, ông Hồng gần nhà cũng khoan 4 cây nước đều ngay mạch nhiễm mặn”.
Theo ông Múp, từ tết đến nay không có nước tưới nên ông ủ gốc bưởi nằm chờ mong sao chúng vượt qua đợt hạn mặn. Còn ông Đồng Văn Ba (ngụ xã Thành An, H.Mỏ Cày Bắc) lo lắng: “Bộ rễ bưởi da xanh mà tổn thương thì chỉ có trời cứu. Cho dù có mưa xuống sớm hơn, cây cũng sẽ rụng lá hết. Việc cắt bỏ trái non để nuôi cây sẽ dẫn đến cuối năm 2016 này người trồng bưởi xem như không có thu nhập. Theo kinh nghiệm của tôi, ai muốn đeo cây bưởi da xanh phải mất 3 năm trồng cây mới chứ loại cây này bị nhiễm mặn bộ rễ là không tài nào dưỡng được đâu”.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh vốn rất khó chăm sóc và đặc biệt khi bộ rễ bị nhiễm mặn vượt ngưỡng 3‰ thì hầu như phải nhổ bỏ. Bởi việc dưỡng lại sẽ rất khó khăn mà nếu thành công thì năng suất cho trái cũng giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, hiện nay độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông chính từ 48 – 70 km, độ mặn từ 3‰ trở lên đã ở khá lâu trong các kênh nội đồng (ngoại trừ 2 xã Vĩnh Bình và Phú Phụng, H.Chợ Lách).
Ông Đàm Văn Hưng, chủ vựa trái cây Hương Miền Tây -đơn vị thu mua đầu mối lớn nhất Bến Tre, cho rằng nhà vườn đã chọn phương án cắt bỏ trái non, đồng thời ủ gốc chờ nước ngọt là một việc làm cần thiết trước cơn hạn mặn gay gắt hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài mà không có cách ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả thì khả năng xoá sổ bưởi da xanh ở Bến Tre là rất cao.
Canh tác lúa thông minh ứng phó thiên tai
Ngày 2.4, tại TP.Cần Thơ, Trung tâm khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt phối hợp ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL và Công ty phân bón Bình Điền ra mắt chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo Trung tâm khuyến nông quốc gia, chương trình sẽ giúp nông dân canh tác trong tình hình hạn, mặn, thiên tai nói chung được thuận lợi hơn, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra.
Chương trình bắt đầu từ vụ lúa hè thu 2016, tức từ tháng 4 năm nay, ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Mỗi địa phương sẽ chọn ra 5 nông dân, mỗi người có khoảng 0,5 ha diện tích đất canh tác đang bị tác động bởi BĐKH như thiếu nước, nhiễm mặn, phèn… để sản xuất theo mô hình của chương trình. Nông dân được chọn sẽ làm theo hướng dẫn của các nhà khoa học. Trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của chương trình sẽ thường xuyên tổ chức thăm đồng, giải đáp những thắc mắc cũng như hướng dẫn người dân.
Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, nhận định chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH là khá sáng tạo. Không chỉ nhằm ứng phó linh hoạt với tình hình thời tiết mà còn được kỳ vọng sẽ giảm chi phí đầu vào, chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng hạt lúa và cải thiện thu nhập cho  nông dân.
Đình Tuyển

Khoa Chiến – Hoài Phong – Phượng Vỹ