Nguy cơ chia phần trên Biển Đông
Ý định cùng thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông với Trung Quốc có thể mang lại nhiều nguy cơ cho chính Philippines và cả khu vực.
Nguy cơ chia phần trên Biển Đông
Ý định cùng thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông với Trung Quốc có thể mang lại nhiều nguy cơ cho chính Philippines và cả khu vực.
Ngoại trưởng Cayetano (trái) và người đồng cấp Vương Nghị tại Bắc Kinh REUTERS
Tháng trước, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, tuyên bố một doanh nghiệp nước này đang đàm phán thoả thuận thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông với công ty nhà nước Trung Quốc.
Ông Roque không tiết lộ chi tiết nhưng tuyên bố: “Họ đang thảo luận, đang gấp rút xúc tiến và nhiều khả năng đạt được thoả thuận”, theo AFP. Người phát ngôn này còn nhấn mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, thay vì ký kết giữa 2 chính phủ, là “giải pháp thực tiễn” để Philippines có thể “tiếp cận nguồn tài nguyên mà không bị xung đột về chủ quyền”.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, cả Manila và Bắc Kinh đều cho thấy kế hoạch chia chác trên Biển Đông không phải là chuyện “giữa doanh nghiệp hai bên”. Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, hai nước nhất trí theo đuổi khai thác dầu mỏ và khí đốt chung dựa trên “khung pháp lý phù hợp”. Reuters còn dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố bất kỳ thoả thuận chia sẻ tài nguyên nào cũng sẽ được “tiến hành thận trọng để đảm bảo thành công”.
Ẩn hoạ cho Philippines
Tờ Asia Times dẫn lời chuyên gia Richard Javad Heydarian thuộc Đại học De La Salle (Philippines) dự đoán hai bên sẽ thành lập liên doanh giữa Công ty dầu mỏ quốc gia Philippines và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc để cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Thật ra, đây không phải lần đầu tiên Manila và Bắc Kinh theo đuổi ý định này nhưng thỏa thuận khai thác chung hồi năm 2005 đã phá sản. Khi đó, dư luận Philippines chỉ trích dữ dội chính phủ của Tổng thống Gloria Arroyo “vi hiến và bán rẻ chủ quyền”.
Mới đây, quyền Thẩm phán Toà án tối cao Antonio Carpio tiếp tục khẳng định chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc trong vùng biển của Philippines là vi hiến và có thể dẫn đến việc tổng thống bị phế truất, theo Asia Times. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cũng cảnh báo kế hoạch sẽ đe dọa an ninh và lợi ích của nước này. Ông cho rằng không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận trong hợp tác hay mượn cớ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng an ninh áp sát Philippines, chẳng hạn như tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ có lý do cập cảng của đối tác. “Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, ông Golez cảnh báo.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), nhận định: “Với thái độ cứng rắn của Trung Quốc, không có khả năng Philippines đạt được thỏa thuận khai thác chung mà không mất chủ quyền quốc gia. Nếu không thực hiện thỏa thuận sau khi ký kết, Philippines không những đối mặt với sức ép quân sự mà còn chịu nhiều thiệt hại kinh tế từ những đòn trừng phạt của Trung Quốc”.
Hệ lụy khôn lường
Về lý thuyết, bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào cũng phải tuân thủ hiến pháp Philippines và phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Vì thế, mọi hoạt động khai thác chung trong khu vực bị “đường lưỡi bò” liếm trúng sẽ vi phạm luật quốc tế và chỉ mang lại kết quả là giúp Bắc Kinh đạt được nhiều ý đồ trên biển, cũng như gây chia rẽ trong khu vực. “Mặc dù vấn đề khai thác chung tại các vùng biển có tranh chấp chủ quyền được quy định trong điều 74 và 83 của UNCLOS (Công ước LHQ về luật Biển năm 1982), nhưng việc áp dụng trên Biển Đông sẽ tạo tiền lệ ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền sau này”, chuyên gia Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lưu ý với Thanh Niên.
Mặt khác, động thái “mở cửa” của Philippines sẽ giúp Trung Quốc có cớ tuyên bố Biển Đông “đang hoà dịu và hợp tác” để ngăn cản các bên khác, nhất là các đối tác ngoài khu vực, phản đối hành động phi pháp của nước này. Hơn nữa, nếu đạt được thoả thuận với Manila thì Bắc Kinh sẽ giành chiến thắng lớn trong chính sách lâu nay là “gác lại bất đồng để cùng khai thác phát triển”. Trả lời Thanh Niên, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật Biển tại Đại học Philippines, cho rằng dù cuối cùng thỏa thuận có được ký hay không thì chỉ riêng chuyện Philippines chấp nhận đàm phán cũng đủ vô hiệu hoá nỗ lực tự thăm dò và khai thác của nước này. Như vậy, Trung Quốc ít nhất sẽ đạt mục tiêu ngăn cản hoạt động dầu khí của các bên khác tại những khu vực mà nước này áp đặt chủ quyền phi pháp.
“Trong trường hợp đàm phán thành công, thì dù không triển khai trên thực tế đi nữa, thỏa thuận này sẽ tạo ra áp lực lên các nước khác về tham gia những kế hoạch tương tự với Trung Quốc”, ông Batongbacal nhận định. Chuyên gia này khuyến cáo những bên khác trong vấn đề Biển Đông “cần theo dõi sát sao tình hình thương thảo giữa Manila và Bắc Kinh nhưng không nên xem đây là tiền lệ để làm theo”.