Lại sẽ tăng thuế xăng dầu?
Bộ Tài chính lập kế hoạch tăng thuế, bảng kế hoạch này tính toán dự kiến ngân sách tăng thu thêm 9.000 tỉ đồng.
Lại sẽ tăng thuế xăng dầu?
Bộ Tài chính lập kế hoạch tăng thuế, bảng kế hoạch này tính toán dự kiến ngân sách tăng thu thêm 9.000 tỉ đồng.
Nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tiếp tục tăng, giá xăng tăng theo, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Nguồn: Lê Thanh – Đồ hoạ: N.Khanh – Ảnh: Hữu Khoa |
Dù Bộ Tài chính khẳng định chưa có chủ trương tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, kế hoạch tăng thuế này đã được tính toán và nhờ đó dự kiến ngân sách tăng thu thêm 9.000 tỉ đồng.
Trước đó trong báo cáo được Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại nếu đề xuất này được thông qua, không những người tiêu dùng và doanh nghiệp mà cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí sẽ tăng mạnh theo giá xăng dầu.
Muốn nuôi dưỡng nguồn thu, chính sách phải đảm bảo cho doanh nghiệp, người nộp thuế phát triển, lớn lên chứ không phải để doanh nghiệp và người nộp thuế không “chết”, vẫn tồn tại để nộp thuế |
TS VŨ ĐÌNH ÁNH |
Sẽ đẩy giá xăng dầu lên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được một đơn vị chức năng của Bộ Tài chính tính toán, với đề xuất dự kiến áp dụng từ ngày 1-4.
Theo đó, mức thuế này đối với xăng sẽ tăng lên 4.000 đồng/lít thay vì 3.000 đồng/lít như hiện nay và thuế đối với dầu diesel cũng tăng từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng/lít… Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp mức thuế mới này ngân sách sẽ tăng thu 9.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho biết hiện nay chỉ có một số nước trên thế giới áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Trong khi đó VN đang áp mức thu quá lớn – 3.000 đồng/lít đối với xăng, 1.500 đồng/lít đối với dầu diesel, gần sát mức trần quy định.
“Nếu tiếp tục tăng mức thu sắc thuế này đối với xăng dầu thêm nữa, giá bán xăng dầu trong nước chắc chắn tăng, giá cả các mặt hàng khác cũng tăng theo” – ông Long khuyến cáo. Ông Trịnh Quang Khanh, phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cũng cho rằng nếu tăng thuế môi trường thì giá bán lẻ xăng dầu chắc chắn tăng, người bị ảnh hưởng không ai khác chính là người dân.
Một chuyên gia ở Bộ Công thương cho rằng theo tính toán, số thu thuế và phí đã chiếm khoảng 50% giá bán lẻ xăng dầu. Nếu tăng tiếp thuế môi trường, tỉ lệ này có thể tiếp tục tăng. Đây là điều cần tính toán kỹ về mức độ tác động đến nền sản xuất cũng như đời sống người dân. Bởi việc tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tạo thêm áp lực không nhỏ cho nhiều ngành sản xuất do tăng chi phí đầu vào.
“Nhiều ngành sản xuất hiện nay sử dụng nguồn nguyên liệu quan trọng hàng đầu là dầu. Nếu tăng thuế này dù khoảng 500 đồng/lít cũng có thể ảnh hưởng đến giá thành và giá bán, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh phải cạnh tranh mạnh khi hội nhập. Do đó cần hết sức cân nhắc” – vị này nói.
Không thể chỉ tận thu
Theo các chuyên gia, liên tục hai năm trở lại đây Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành các chỉ đạo theo nguyên tắc không điều chỉnh chính sách làm giảm thu ngân sách, nghĩa là chỉ tập trung…tăng thu nhằm đảm bảo nhiệm vụ thu của mình ngay cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo TS Vũ Đình Ánh, ngành tài chính luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình là thu ngân sách, thậm chí thu càng nhiều càng tốt và năm sau luôn cao hơn năm trước. Thực tế cũng cho thấy năm nào số thu cũng vượt dự toán dù kinh tế khó khăn.
“Với tư duy như vậy, việc tìm cách tăng thu là bình thường. Để tăng thu, ngành tài chính sẽ tìm xem những khoản thu nào dễ thu nhất, nên việc nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là rất dễ hiểu” – ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, tư duy về thu ngân sách sẽ thay đổi chỉ khi nào ngành tài chính xác định rằng nhiệm vụ của ngành này không chỉ là đi thu, thu vượt dự toán không phải là đạt thành tích mà phải gắn nhiệm vụ thu với cả phát triển kinh tế.
Trong khi đó theo ông Ngô Trí Long, điều đáng lo ngại là dù tốc độ thu luôn tăng trong những năm gần đây nhưng tốc độ chi lại vượt tốc độ thu. Do đó Bộ Tài chính phải tìm nguồn để bù đắp. Tuy nhiên, ông Long khuyến cáo không thể quá tận thu mà phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hoạt động được, tạo thêm nguồn thu.
“Lẽ ra ngành tài chính phải có nhiều chính sách để nuôi dưỡng, tạo nên nguồn thu và chống thất thu… nhằm có nguồn thu thay vì tận thu như thời gian qua” – ông Long nói. Cũng theo ông Long, để nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích sản xuất phát triển, kích thích tiêu dùng, nhiều nước đã giảm thuế chứ không phải lo tìm cách tăng thuế.
Chưa có kế hoạch tăng thuế bảo vệ môi trường Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 31-3, trả lời báo chí liên quan đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính vẫn chưa có kế hoạch trình Chính phủ điều chỉnh. Tuy nhiên, theo bà Mai, báo cáo tài chính trung hạn có nêu giải pháp kế hoạch, trong đó có các giải pháp về thuế, sẽ có tổng kết đánh giá về các sắc thuế để từ đó đề xuất chính sách thu theo hướng thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Về chênh lệch mức thuế xăng dầu giữa áp thuế theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi MFN với thuế suất theo các hiệp định thương mại tự do khiến ngân sách hoàn thuế 3.500 tỉ đồng cho doanh nghiệp xăng dầu trong năm 2015, bà Mai cho biết Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị thanh tra về thuế các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Trả lời về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc lọt lỗ hổng thuế xăng dầu, bà Mai cho rằng những biến động phát sinh trong thực tiễn luôn luôn đi trước, chính sách làm sao phải theo kịp để điều chỉnh các hành vi. Thực tế có thể có vấn đề phát sinh trong thực tiễn rồi mới nghiên cứu và ban hành các văn bản điều hành. Riêng về thuế môn bài (sắp tới sẽ chuyển sang lệ phí môn bài) sẽ tăng gấp 2-3 lần hiện nay, bà Mai cho rằng từ ngày 1-5 mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng nên thuế môn bài thu theo mức lương tối thiểu trước đây đã trở nên lạc hậu, nên phải điều chỉnh tăng chứ không phải do ngân sách khó khăn. |