Cắt giảm hàng loạt chi cục thuế, hải quan, kho bạc
Chiều 6.4, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc tại Bộ Tài chính về nội dung cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Cắt giảm hàng loạt chi cục thuế, hải quan, kho bạc
Chiều 6.4, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc tại Bộ Tài chính về nội dung cắt giảm điều kiện kinh doanh.Chính phủ đang có kế hoạch cắt giảm hàng loạt chi cục thuế ẢNH: NGỌC THẮNG
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đến thời điểm này, Bộ đã để quá hạn 14 nhiệm vụ trong số 1.567 nhiệm vụ được giao. Từ năm 2011 đến nay, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa được 1.072 thủ tục hành chính, còn lại 960 thủ tục.
Thực hiện Nghị quyết 01/2018 với mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, trong quý 1/2018, Bộ Tài chính đã rà soát tổng số 370 điều kiện kinh doanh ban đầu và đề nghị bãi bỏ 99 điều kiện, cắt giảm 89 điều kiện. Như vậy, có 188 điều kiện kinh doanh nằm trong “tầm ngắm”, nhưng mới đang dừng ở mức “đề nghị” chứ chưa trở thành hiện thực. Bộ sẽ nhanh chóng trình phương án sửa đổi văn bản theo trình tự rút gọn để cắt giảm các điều kiện trước ngày 30.6 tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đánh giá cao 5 nội dung Bộ Tài chính đã thực hiện tốt trong năm qua, đồng thời gợi ý Bộ cần tập trung thực hiện 7 vấn đề, trong đó có tiếp tục cải cách tinh gọn bộ máy; quản lý tài sản công tốt hơn, đặc biệt là mua sắm ô tô và các phương tiện đắt tiền; giải quyết số nợ đọng thuế lên đến 78.000 tỉ đồng tính đến cuối năm 2017; nghiên cứu giải pháp để chống thất thu với các hộ kinh doanh cá thể. Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính cần kiểm soát cán bộ hải quan chặt chẽ hơn, hạn chế tiêu cực và ngay cả văn hoá ứng xử.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư – CIEM), cũng nêu phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng vặt có ở tất cả các khâu của hải quan. Không nhiều, nhưng lần nào cũng phải có. “Doanh nghiệp sẵn sàng nộp phí cao, nhưng rất ức chế với kiểu vòi vĩnh này”, bà Thảo nêu. Ông Hoàng Văn Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thừa nhận: “Vẫn còn những “con sâu” làm rầu nồi canh. Không phải một hai con sâu, mà có một nhóm anh em trong ngành không chịu tu dưỡng đạo đức”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết kế hoạch cắt giảm hàng loạt chi cục hải quan, thuế cũng như phòng giao dịch của kho bạc cấp tỉnh. “Cục hải quan Điện Biên, Lai Châu lớn như thế, nhưng thu ngân sách 1 năm có 16 tỉ đồng thì có cần để cục hay xuống chi cục và thành lập cục thuế vùng?
Đối với kho bạc, chúng tôi đang rà soát, trước mắt cũng để lại kho bạc cấp huyện, vì liên quan đến các huyện nghèo, tuy thu rất ít mà chi rất lớn. Nhưng 63 phòng giao dịch của kho bạc cấp tỉnh thì kiên quyết cắt, vì thu có khi không đủ bù chi. Sẽ cắt giảm một nửa trong tổng số hơn 700 chi cục thuế thu không đủ bù chi cho chính mình. Hiện nay, chúng ta đã áp dụng hải quan điện tử, thuế điện tử thì không cần chi cục thuế, hải quan làm gì”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Doanh nghiệp “tố” Bộ TN-MT, NN-PTNT thu phí cao
Có mặt tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) “kêu” việc Bộ TN-MT thu phí cao với nước thải và Bộ NN-PTNT thu phí quá cao với giấy chứng nhận nguồn gốc thủy hải sản. Cụ thể, mỗi giấy chứng nhận phải mất 700.000 đồng, trong khi các bộ khác chỉ thu 50.000 – 150.000 đồng. Với quy mô đánh bắt nhỏ lẻ của VN, mỗi container phải xin từ vài chục đến hàng trăm giấy, chi phí rất cao. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết ngay thứ hai tuần tới sẽ có văn bản gửi 2 bộ trên để giải quyết luôn bức xúc hiệp hội nêu.
|
VŨ HÂN