23/12/2024

Trung Quốc đối mặt làn sóng đình công

Công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc, bắt đầu với việc điều chỉnh những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ không hiệu quả, đã gặp những phản ứng đầu tiên mạnh mẽ bất thường từ người lao động.

 

Trung Quốc đối mặt làn sóng đình công

Công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc, bắt đầu với việc điều chỉnh những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ không hiệu quả, đã gặp những phản ứng đầu tiên mạnh mẽ bất thường từ người lao động.

 

Trung Quốc đối mặt làn sóng đình công
Người lao động Trung Quốc ở Khu công nghiệp Yue Yuen, thành phố Đông Quản, xuống đường đình công – Ảnh: Reuters

Trong những ngày tháng 3-2016, đã có hàng ngàn lao động trong ngành khai khoáng và sản xuất sắt thép ở khu vực đông bắc Trung Quốc rầm rộ biểu tình phản đối khi các doanh nghiệp tuyên bố sẽ cắt giảm hàng loạt nhân sự để cải tiến hiệu suất kinh doanh.

Báo cáo của China Beige Book khảo sát hơn 2.200 doanh nghiệp tư nhân trên khắp Trung Quốc cho biết với gánh nặng nợ đang phải đối mặt, các doanh nghiệp đang kiềm chế mượn nợ, cắt chi tiêu và giữ tỉ lệ nhân viên đang làm việc ở mức thấp nhưng cũng hạn chế sa thải nhân viên vì sợ người lao động đình công phản ứng.

Dù đây là một việc rất khó khăn nhưng chúng tôi phải làm được

Ông NGÂN VĨ DÂN (quan chức ngành an sinh xã hội và nguồn nhân lực Trung Quốc)

Biểu tình vì sợ thất nghiệp

Sau nhiều tháng không được trả lương, hàng ngàn lao động trong ngành khai thác mỏ ở tỉnh Hắc Long Giang, Sơn Tây và Cát Lâm đã xuống đường biểu tình lớn. Báo South China Morning Post của Hong Kong mô tả hàng ngàn người đã phong tỏa nhiều con đường ở thành phố Song Áp Sơn, giáp biên giới với Nga trong nhiều ngày. Họ biểu tình đòi giới chủ trả lương và thể hiện tâm trạng lo lắng thất nghiệp trong thời gian tới sau khi giới chủ cho biết có khoảng 1,8 triệu lao động ngành thép và khai thác than có thể mất việc. Mọi hoạt động ở các khu trung tâm của các địa phương cũng như các doanh nghiệp liên quan gần như tê liệt trong giai đoạn giữa tháng 3 này.

Tập đoàn khoáng sản Longmay của Hắc Long Giang là đối tượng đầu tiên của quy trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn trên thuộc quyền quản lý của chính quyền tỉnh Hắc Long Giang và là nơi kiếm sống của khoảng 224.000 lao động. Do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và nợ nần buộc Chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang Lục Hạo công bố kế hoạch sẽ cho nghỉ việc 50.000 lao động trong 2-3 năm tới.

Vì thế, người lao động đã xuống đường bao vây trụ sở Tập đoàn Longmay. Nhiều công nhân giơ cao biểu ngữ cáo buộc chính quyền đã “nói dối” với truyền thông về tình hình thực tế. Giới chuyên gia nhận định việc lao động ngành mỏ ở đây rơi vào trạng thái khủng hoảng, bất mãn cho thấy những thách thức mà Bắc Kinh đang đối mặt khi tái cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước và giảm năng suất dư thừa, nhất là trong ngành khai thác quặng mỏ.

Dị ứng với tuyển nhân sự

Báo Tài Tân cho biết có hiện tượng “ngại cho thôi việc” đang lan rộng trong giới doanh nghiệp Trung Quốc vì sợ bất ổn xảy ra khi người lao động phản ứng. Giới chuyên gia nhận định nếu khuynh hướng trên tiếp diễn có thể sẽ khiến chính quyền trung ương Bắc Kinh phải hành động.

Nhằm xoa dịu tâm lý người lao động bị cho nghỉ việc trong các ngành nghề thuộc diện phải cải cách, tái cơ cấu theo hướng hoạt động hiệu quả, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết sẽ lập một quỹ ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (15,48 tỉ USD) để hỗ trợ những lao động mất việc trong quá trình thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc hiện ở mức 5,1% vào tháng 1 và tháng 2-2016.

Để giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa, chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ thực hiện từng bước cải cách những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, nổi tiếng hoạt động không hiệu quả và lãng phí tiền nhà nước. Giới chức chính phủ Trung Quốc mô tả các công ty này là những công ty ma và làm trong sạch chúng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia về cải cách doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định vẫn chưa có động thái nào đáng kể từ giới chức cấp cao để cải thiện tình hình này.

Báo South China Morning Post dẫn lời giới chuyên gia về kinh tế xã hội Trung Quốc nhận định rất khó vẽ ra bức tranh rõ ràng về thị trường lao động của Trung Quốc trong thời gian sắp tới vì những biến động khó lường của nền kinh tế khổng lồ này.

Hiện tỉ lệ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Kết quả từ Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết hoạt động sản xuất đang giảm xuống mức thấp nhất trong năm năm qua và tổng lượng xuất khẩu tháng 2-2016 giảm 20% so với năm 2015.

Quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc đang thật sự chậm lại, một phần là do Bắc Kinh đang tìm cách chuyển từ một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và các dự án đầu tư khổng lồ sang kiểu tăng trưởng cơ bản dựa trên tiêu dùng. Nhưng sự chuyển hướng này có hiệu quả hay không còn phải chờ một thời gian nữa.

“Suy giảm trong nền kinh tế trong những tháng đầu năm nay đã đưa đến những biến động rất khác nhau, dẫn đến việc giới doanh nghiệp ngưng tuyển lao động. Một phần là do kinh tế suy thoái, một phần họ không muốn sa thải nhân viên dư thừa để tránh gặp rắc rối” – chuyên gia về nguồn nhân lực Trung Quốc Vĩ Thái Cường nhận định.

Từ năm 2011-2013, tập san Lao Động của Trung Quốc ở Hong Kong ghi nhận có khoảng 1.200 vụ đình công và biểu tình trên khắp Trung Quốc. Chỉ trong năm 2014 có hơn 1.300 vụ và số này tăng 2.700 vụ trong năm 2015-2016 trên khắp Trung Quốc.