23/12/2024

Chiến thắng mở ra giải pháp tiêu diệt IS

Việc giành lại được thành phố di sản Palmyra từ tay lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được ngợi ca như một chiến thắng quan trọng. Nó giúp mọi người nhìn thấy giải pháp tiêu diệt được IS.

 

Chiến thắng mở ra giải pháp tiêu diệt IS 

 

Việc giành lại được thành phố di sản Palmyra từ tay lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được ngợi ca như một chiến thắng quan trọng. Nó giúp mọi người nhìn thấy giải pháp tiêu diệt được IS.

 

 

 

Chiến thắng mở ra giải pháp tiêu diệt IS 
Trung tâm thành phố di sản Palmyra tan hoang vì đạn bom, ảnh công bố ngày 27-3 – Ảnh: Reuters

Máy bay Nga rõ ràng đã hỗ trợ hiệu quả cho các đội quân ở thực địa

Tướng Pháp 
Dominique Trinquand

 

 

Lực lượng đánh đuổi IS khỏi Palmyra là quân đội của Tổng thống al-Assad được không quân Nga yểm trợ đắc lực. Thành phố này đã bị IS đánh chiếm từ tay chính quyền Syria hồi tháng 5 năm ngoái. Một số khu vực của IS ở miền bắc Syria cũng bị các nhóm đối lập khác nhau đánh chiếm. Thành phố Raqqa – thủ phủ của IS tại Syria – cũng bắt đầu bị không quân Nga oanh tạc.

Giải pháp ngừng bắn 
có hiệu quả

Có thể nói, nếu không có thoả thuận ngưng bắn do Nga và Mỹ áp đặt từ ngày 27-2 thì IS chưa thể bị đuổi ra khỏi Palmyra. Bởi trước khi có thoả thuận ngưng bắn lần này, quân chính phủ và đối lập chỉ quan tâm đánh lẫn nhau. Phe đối lập thậm chí còn lợi dụng IS để răn đe quân chính phủ, còn quân chính phủ chỉ lo đánh phe đối lập, không tâm trí đâu mà chống IS.

Từ một tháng qua, khi đôi bên tranh chấp chính tại Syria đã đạt được thỏa thuận ngưng bắn (dù là gượng ép) thì họ bớt phải hằm hè lẫn nhau trên chiến trường, có điều kiện để tập trung đánh IS, bởi tổ chức khủng bố này không thuộc diện “được tham gia ngưng bắn”. Có hiện tượng cả bên chính phủ và bên đối lập tranh nhau đánh chiếm các khu vực do IS kiểm soát, nhằm mở rộng “lãnh thổ” của mỗi bên.

Vài giờ sau khi quân đội Syria tái chiếm Palmyra, những bức ảnh chụp khu vực này đã được đăng tải lên mạng. Palmyra không bị phá hoại như nhiều chuyên gia dự báo nhưng một số tượng đài, bảo tàng của biểu tượng văn hoá này đã bị huỷ hoại trong tay IS. Quan trọng hơn cả là phương Tây cũng phải nhìn nhận chiến lược hỗ trợ của Nga tại Syria.

Tướng Dominique Trinquand, cựu chỉ huy chiến dịch quân sự thuộc Liên Hiệp Quốc, hôm qua cũng đã trả lời trên Đài France Info ngợi khen vai trò của Nga: “Tôi nghĩ rằng mọi người phải nhìn nhận sau những nghi ngại ban đầu thì chiến lược của Nga ở Syria là tốt nhất. Sự hiện diện của Nga ở Syria trong một năm rưỡi qua đã làm thay đổi cục diện”.

Cái gốc vấn đề

Khi công du đến Iraq, ngày 26-3 Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã kêu gọi chính phủ do Thủ tướng Haydar al-Abadi đứng đầu tăng cường hơn nữa thực hiện hoà giải giữa người Hồi giáo Shiite với đồng đạo dòng Sunni để tập trung mọi nỗ lực vào chống khủng bố IS.

Ông Ban nhấn mạnh “hoà giải quốc gia (giữa Shiite với Sunni) là một thành tố quan trọng của chiến lược đánh bại IS”, bởi khủng bố và cực đoan đã tận dụng rất nhiều từ mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo để tồn tại và 
phát triển.

Vậy là thế giới đã thấy rõ tầm mức ảnh hưởng tiêu cực thế nào của mâu thuẫn Shiite – Sunni đối với cuộc chiến chống IS nói riêng và cực đoan – thánh chiến nói chung.

Thực tế là IS, al-Qaeda và các nhóm khủng bố – thánh chiến khác nổi trội hiện nay chủ yếu là theo dòng Sunni. Một trong những chỗ dựa để các tổ chức khủng bố – cực đoan này tồn tại và thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng Sunni khối Ả Rập trong thời gian qua là khẩu hiệu “chống sự bành trướng của dòng Shiite do Iran đứng đầu”.

Các chính quyền Ả Rập nói chung đều theo dòng Sunni, trừ Iraq. Bởi thế, kể từ khi IS xưng danh tại Syria – Iraq (tháng 6-2014) đến nay, các chính quyền Ả Rập chỉ thực tâm chống IS bên trong lãnh thổ mỗi quốc gia do họ cầm quyền, còn với IS ở Syria và Iraq thì phe Ả Rập – Sunni có tâm lý “chơi con bài IS” để chống chính quyền Bashar 
al-Assad và chính quyền ở Baghdad bởi hai chính quyền này đều theo dòng Shiite và được Iran “chống lưng”.

Ngược lại, Iran công khai tuyên bố họ “có nghĩa vụ” bảo vệ các thánh địa thiêng liêng của dòng Shiite ở Iraq và Syria. Tuyên bố này của Iran bị khối Ả Rập – Sunni coi là cái cớ biện hộ cho các hoạt động của chính quyền Tehran “xâm lấn sang các quốc gia thuộc khu vực Đông Ả Rập” để hình thành “vành đai Shiite” phục vụ “đường lối bành trướng” của Iran ở Trung Đông.

Mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo chủ chốt trỗi dậy từ sau khi Mỹ lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq, mà người Ả Rập – Sunni cho là “mở cửa để Iran tràn sang Đông Ả Rập”. Và mâu thuẫn này là một trong những cơ hội quý giá để al-Qaeda trở lại Iraq cuối năm 2003, rồi từ đó phát triển lên dẫn đến sự ra đời của IS.

Điều chỉnh tại Iraq

Lâu nay thế giới chưa nhận thức đúng tầm mức tác động tiêu cực của mâu thuẫn Shiite – Sunni đối với cuộc chiến chống khủng bố nói chung và IS nói riêng. Bởi thế, cuộc chiến chống các loại khủng bố này cứ nhùng nhằng chẳng thấy hồi kết. Mỹ đã nhận ra điều này và đã có điều chỉnh tại Iraq.

Thủ tướng Iraq al-Abadi cũng nhận thấy phải tránh sự nghi kỵ của người Sunni khi dùng lực lượng dân binh dòng Shiite tham gia đánh IS tại các địa phương truyền thống của Sunni. Việc giải phóng được thành phố Ramadi (thủ phủ tỉnh al-Anbar) hồi tháng trước và một số thắng lợi liên tiếp của phía Iraq, được sự yểm trợ hoả lực không quân của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, chính là kết quả của sự điều chỉnh này.

Chiến dịch nhằm giải phóng thành phố Mosul – thủ phủ của IS ở Iraq – mới mở màn, trên căn bản sử dụng lực lượng vũ trang của chính phủ phối hợp với dân binh dòng Sunni. Hi vọng là đường hướng phù hợp này sẽ giúp tập trung thật sự vào đánh IS chứ không phải dè chừng lẫn nhau giữa người Sunni với người Shiite.

NGUYỄN NGỌC HÙNG