“Tiếp sức” học trò vùng ven
Nhiều năm qua, vùng ven đô Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã có những “Lớp học tiếp sức đến trường” để giúp những học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vững bước tới trường, không phải bỏ học giữa chừng.
“Tiếp sức” học trò vùng ven
Nhiều năm qua, vùng ven đô Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã có những “Lớp học tiếp sức đến trường” để giúp những học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vững bước tới trường, không phải bỏ học giữa chừng.
Phạm Thị Thuý Nga (lớp 7/1) đã tiến bộ rất nhiều sau khi tham gia “Lớp học tiếp sức đến trường” – Ảnh: Đoàn Cường |
Những ngày đầu “tiếp sức”, nhiều giáo viên xuống “cắm chốt” tại các khu dân cư, các nhà văn hoá của thôn nhằm ngăn dòng bỏ học…
Giáo trình riêng
Mở đầu buổi dạy của “Lớp học tiếp sức đến trường” với 32 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Hoà Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là bài ngữ văn lớp 6 Sông nước Cà Mau (trích trong Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi), cô giáo Lê Thị Ánh dẫn đề khá hấp dẫn: “Các em ai còn nhớ bộ phim truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam không? Bộ phim đó có cuốn hút không? Các em có biết cậu bé An trong phim giờ làm gì, cuộc sống như thế nào không?”.
Lời mào đầu của cô giáo Ánh khiến cả lớp im phăng phắc chờ đón bài giảng Sông nước Cà Mau…
Đã quen với công việc đứng lớp “tiếp sức” các học trò học lực dưới trung bình, học trò nghèo nên trước khi bắt đầu buổi học, cô Ánh thường giúp học sinh “khởi động” bằng những câu chuyện nhỏ, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình mỗi học sinh. Có khi phải “treo thưởng” để cổ vũ học sinh.
“Các em trong lớp đều là học sinh yếu nên buổi học phải có giáo trình riêng, nhẹ nhàng, động viên là chủ yếu để các em có động lực theo học. Học chậm mà chắc chứ không thể nóng vội được” – cô Ánh chia sẻ.
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trường nghèo vùng ven của Đà Nẵng trước đây từng là điểm nóng về nạn bỏ học. Nhưng từ nhiều năm qua, với “Lớp học tiếp sức đến trường” miễn phí đã ngăn chặn dòng bỏ học, giúp học sinh vững bước đến trường.
Theo thầy Chung Văn Hùng – hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ năm học 2009-2010 trường đã khởi động lớp học “tiếp sức”. Vì lúc bấy giờ việc đi lại khó khăn, vận động học sinh đến lớp cũng khó muôn phần nên các thầy cô giáo phải xuống từng khu dân cư cắm chốt.
Lấy nhà văn hóa thôn, khu dân cư làm lớp học, đưa bàn ghế từ trường xuống. Cứ như vậy, các lớp học “tiếp sức” tìm đến với học trò nghèo, học trò yếu, kém không có điều kiện đi học thêm.
Cũng theo thầy Hùng, giáo viên đứng dạy lớp “tiếp sức” phải được tuyển chọn từ những người tâm huyết, nhiệt tình và có kinh nghiệm. Nhờ vậy, hằng năm có hàng chục học sinh được “tiếp sức”, số học sinh bỏ học giảm hẳn và đến nay không còn học sinh nào phải nghỉ học.
Năm học 2010-2011 các thầy cô Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm “tiếp sức” cho 106 em học sinh yếu, kém thì 58 em đã có học lực trung bình trở lên, hạnh kiểm có 34 em loại giỏi, 61 em loại khá, 11 em loại trung bình, không có yếu kém.
Những năm gần đây khi việc đi lại đã dễ dàng hơn, các lớp “tiếp sức” được mở dạy miễn phí ba buổi với ba môn toán, ngữ văn, tiếng Anh ngay tại trường. Và năm học này các thầy cô Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang “tiếp sức” cho 74 học sinh yếu, kém.
Chung tay “tiếp sức”
“Hằng năm khi tổng kết lớp học, chúng tôi dành riêng những phần thưởng nho nhỏ là giấy khen, cuốn vở, cây viết để dành tặng các em đã tiến bộ từ yếu, kém lên trung bình. Năm học rồi có sáu em như vậy. Món quà nhỏ nhưng các em cảm nhận được sự quan tâm, cổ vũ của thầy cô để cố gắng học tốt hơn” – thầy Hùng chia sẻ.
Em Phạm Thị Thúy Nga (lớp 7/1) chia sẻ: “Nhiều hôm học trên lớp nhưng không hiểu bài nên em dễ chán lắm. Đi học ở lớp tiếp sức, trước khi giảng bài, các thầy cô thường tâm sự hoặc kể chuyện nên các bạn thấy thoải mái hơn. Thầy cô giảng dạy cũng chậm hơn, hướng dẫn tỉ mỉ từng bạn một nên em cũng tiến bộ hơn. Học kỳ này em từ học sinh yếu đã lên học sinh trung bình”.
Để duy trì số lượng học sinh đi học ổn định và kịp thời ngăn chặn việc bỏ học của học sinh, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và UBND phường Hòa Quý thiết lập “đường dây nóng”. “Nếu lớp học tiếp sức mà thiếu một học sinh thôi thì giáo viên phải lập tức báo cáo để trường thông báo cho phường.
Ngay sau đó, cán bộ phường sẽ đến trực tiếp gia đình học sinh đó hoặc báo cho tổ dân phố đến để tìm hiểu lý do bỏ học” – thầy Hùng cho hay. Bên cạnh đó, giáo viên chủ động nắm số điện thoại của phụ huynh các học sinh cá biệt để đảm bảo thông tin hai chiều, khắc phục tình trạng học sinh trốn học đi chơi điện tử.
Ông Huỳnh Kim – chủ tịch UBND phường Hòa Quý – cho biết thêm: “Phường đã giao nhiệm vụ cho cán bộ văn xã phối hợp với trường để kịp thời xử lý việc các học sinh bỏ học không lý do. Với việc phối hợp tích cực, xử lý rốt ráo, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là một điển hình trong mô hình “Lớp học tiếp sức đến trường”, ngăn việc bỏ học của học sinh”.
Thầy Hùng cũng nói thêm hằng năm trường còn tổ chức hội thảo quy tụ tất cả giáo viên của trường, cán bộ phường, Phòng GD-ĐT quận để cùng “hiến kế” trong việc tổ chức “Lớp học tiếp sức đến trường”.
Theo Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn, từ năm 2010 đến nay đã có 371 lượt học sinh được dạy miễn phí trong chương trình “Lớp học tiếp sức đến trường”, phụ đạo cho 75 học sinh nghèo. Ông Trần Văn Hồng – phó trưởng Phòng GD-ĐT Ngũ Hành Sơn – nhìn nhận nếu bảy năm về trước Ngũ Hành Sơn có số lượng học sinh bỏ học giữa chừng nhiều nhất Đà Nẵng thì nay tình trạng đó đã chấm dứt. Điều đó nhờ một phần quan trọng từ việc 100% trường THCS trên địa bàn thực hiện mô hình “Lớp học tiếp sức đến trường”. Điển hình nhất phải kể đến là Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – trường đầu tiên thí điểm triển khai “Lớp học tiếp sức đến trường”. |