Cục Thú y đang làm việc với phía Trung Quốc để lên kế hoạch mở cửa cho con gà của nước này vào VN. Ở chiều ngược lại, VN sẽ được xuất khẩu heo, bò sang Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ gây hại nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và sức khoẻ người tiêu dùng nội địa.
Mở cửa cho gà Trung Quốc tràn vào: Mối lo thịt ‘rác’
Cục Thú y đang làm việc với phía Trung Quốc để lên kế hoạch mở cửa cho con gà của nước này vào VN. Ở chiều ngược lại, VN sẽ được xuất khẩu heo, bò sang Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ gây hại nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và sức khoẻ người tiêu dùng nội địa.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, bức xúc: “Mấy năm trước người chăn nuôi trong nước chết dập chết dụi từ gà thịt đến gà trứng. Từ ngày Chính phủ quyết liệt chống gà lậu qua biên giới họ mới gượng dậy được nhưng vẫn còn phải lo đối phó với thịt gà giá rẻ của Mỹ. Nếu giờ cho nhập khẩu gà từ Trung Quốc thì người nuôi gà sẽ chết”.
“Nhập rác thải chăn nuôi… để thu phí”
Theo đại tá Trần Trọng Bình, Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), gà Trung Quốc có dư lượng kháng sinh rất cao vì dịch bệnh bên đó hoành hành dữ dội. Vì kháng sinh cao nên tuy gà vẫn sống nhưng mang trên mình nhiều chủng cúm, nếu gà này nhập vào VN sẽ lây cúm cho đàn gà thuần chủng của chúng ta. Giá bán bèo bọt gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gà của VN và người tiêu dùng ăn phải loại gà này cũng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Những sản phẩm không an toàn này giá rẻ, nguy cơ dịch bệnh cao sẽ đánh sập ngành chăn nuôi gà trong nước. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với tình trạng thịt gà bẩn tràn lan. Nó đi ngược lại với những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm. Cái được có chăng ở đây chỉ là ngành thú y… thu lệ phí
Ông Nguyễn Văn Ngọc Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ
Chính vì những hậu quả nặng nề mà gà Trung Quốc gây ra nên cuối năm 2012 Chính phủ ra quyết định về việc phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Thời điểm đó, đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phải đi bắt gà lậu. “Chính sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị nên đến nay việc chống gà lậu từ Trung Quốc đã được đẩy lùi và gần như triệt tiêu. Nó giúp cho ngành sản xuất gà trong nước được phục hồi”, ông Bình nhấn mạnh và cho rằng bây giờ nếu chính thức mở cửa sẽ là một cách hợp pháp hóa cho gà thải loại nước này được “đường đường chính chính” vào nội địa mà rất khó kiểm soát.
Là người trực tiếp trong ngành, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, chia sẻ sau khi biết thông tin Cục Thú y muốn mở cửa cho gà Trung Quốc, ông đã liên hệ với các đối tác ở nước này để tìm hiểu thì được biết gà thịt loại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc có giá bán tại trại từ 35.000 – 37.000 đồng/kg. Trong khi hiện ở khu vực Đông Nam bộ, bà con chăn nuôi tham gia các chuỗi liên kết với giá bán xuất chuồng theo hợp đồng dài hạn chỉ 25.000 đồng/kg, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ 20.000 – 22.000 đồng/kg. “Cùng chất lượng, giá gà Trung Quốc cao hơn 30% so với giá trong nước. Với mức chênh lệch như vậy, làm sao gà đảm bảo chất lượng của Trung Quốc có thể cạnh tranh mà xuất vào VN được? Chưa kể bản thân Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu sản phẩm thịt gà từ Mỹ. Trong khi trước đây, gà thải loại của nước này nhập lậu qua biên giới ồ ạt, gây nhiều hậu quả khó lường về kinh tế, sức khoẻ người tiêu dùng. Trong bối cảnh này, nếu cơ chế hợp tác được thông qua thì người ta lại càng dễ dàng hợp thức hoá gà thải loại vào VN, tạo điều kiện cho gian lận thương mại phát triển”, ông Ngọc phân tích và “tóm lại”: “Nếu mở cửa cho gà Trung Quốc chỉ là hợp thức hoá việc buôn lậu sản phẩm kém chất lượng, vì Trung Quốc không có sản phẩm sạch giá đủ cạnh tranh để đưa vào VN. Những sản phẩm không an toàn này giá rẻ, nguy cơ dịch bệnh cao sẽ đánh sập ngành chăn nuôi gà trong nước. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với tình trạng thịt gà bẩn tràn lan. Nó đi ngược lại với những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm. Cái được có chăng ở đây chỉ là ngành thú y… thu lệ phí”.
Rước hoạ vào nhà
Về việc Trung Quốc sẽ mở cửa cho heo, bò VN, ông Nguyễn Kim Đoán nói thẳng từ xưa tới nay Trung Quốc chưa bao giờ muốn làm ăn lâu dài, nghiêm túc theo dạng hợp đồng với chúng ta. “Hiện giá heo hơi tại các trang trại đang khá tốt do Trung Quốc thu gom nhiều vì đàn heo của nước này bị ảnh hưởng bởi đợt lạnh hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay. Nhưng giá chỉ tăng khi họ thu mua và sẽ giảm ngay khi ngưng lại. Chuyện này vẫn luôn diễn ra suốt nhiều năm”, ông Đoán nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngọc phân tích VN không “lợi lộc” gì từ điều này. Việc VN có xuất heo tiểu ngạch sang Trung Quốc vì là quy mô lãnh thổ nước này quá lớn nên ở một số nơi, nếu họ vận chuyển hàng từ nơi thừa sang nơi thiếu giá thành còn cao hơn mua từ VN nên mới mua từ chúng ta. Nhưng số lượng hết sức nhỏ lẻ, chỉ để phục vụ nhu cầu của người dân ở các vùng biên giới. Còn về cơ bản, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu thịt heo, hiện họ cũng đang xuất sang Nga. Đối với bò, chúng ta còn không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ nội địa, lấy đâu để xuất khẩu. “Bởi vậy chuyện mình và họ bàn chuyện mở cửa thị trường cho nhau nghe cứ như học sinh tiểu học nói chuyện. Toàn chuyện rước hoạ vào nhà mà chúng ta không có lợi gì cả”, ông Ngọc bức xúc.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế – Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng về lý thuyết trong quan hệ song phương luôn ủng hộ tự do hoá thương mại. Tuy nhiên, trong vấn đề mở cửa cho thịt gà Trung Quốc vào VN và chúng ta xuất heo, bò sang Trung Quốc thì phải hết sức thận trọng, vì không hề có lợi cho VN. “Khi mở cửa tôi không rõ họ sẽ đưa sản phẩm gà như thế nào vào VN và liệu chúng ta có thể quản lý chất lượng từ gốc, theo chuỗi sản xuất của họ được không. Nhưng rõ ràng là nếu gà Trung Quốc tràn vào, chúng ta phải đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất, các trang trại chăn nuôi trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Thứ hai là vấn đề an toàn thực phẩm nhập cho người tiêu dùng. Trong mối quan hệ này có thể thấy Trung Quốc đang chiếm lợi thế hơn so với chúng ta”, TS Ngãi nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, mở cửa cho gà Trung Quốc thì chúng ta phải đặt vấn đề đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh truyền lây qua biên giới. Không chỉ các sản phẩm thịt động vật mà cả các loại phụ phẩm trong chăn nuôi cũng cần phải được kiểm soát nghiêm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Vì những sản phẩm này giá thấp nên đối tượng tiêu dùng chủ yếu là người có thu nhập thấp, như các bếp tập thể hoặc các quán ăn học sinh, sinh viên xung quanh các trường học. Liệu chúng ta có bảo đảm làm tốt được khâu này không mà nghĩ tới chuyện mở cửa cho gà thịt Trung Quốc vào nội địa.