Thủ tướng nói lời chia tay: Đừng để dân tâm tư chuyện Biển Đông
“Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa, thế giới biểu tình, nhưng Việt Nam không phải là “êm ru” mà đã triển khai các công việc và tính toán mọi cách” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nói lời chia tay: Đừng để dân tâm tư chuyện Biển Đông
“Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa, thế giới biểu tình, nhưng Việt Nam không phải là “êm ru” mà đã triển khai các công việc và tính toán mọi cách” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 3-2016 – Ảnh: TTXVN |
Phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2016 diễn ra ngày 26-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tình hình kinh tế – xã hội trong quý 1-2016 chuyển biến tích cực nhưng còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục phát huy mặt tích cực, thuận lợi, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Không để người dân vùng thiên tai bị đói
Theo Thủ tướng, các bộ ngành và địa phương chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp tại các vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, công trình phục vụ chống xâm nhập mặn. Về lâu dài, cần nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước có hiệu quả, hạn chế thất thoát nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời, chủ động nắm tình hình đời sống nhân dân tại các vùng đang chịu thiệt hại bởi thiên tai để cứu trợ kịp thời, không để người dân bị đói, bị thiếu nước sinh hoạt, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh bùng phát, lây lan…
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng cho biết đã đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ ngành liên quan chuẩn bị để báo cáo Bộ Chính trị tình hình cụ thể, sao cho trong nội bộ cũng như nhân dân đồng thuận cao về vấn đề này.
Theo Thủ tướng, người dân cũng rất tâm tư, không biết tình hình này thì đối sách thế nào, công tác thông tin truyền thông ra sao… Do vậy, phải làm sao để người dân thấy Đảng và Nhà nước quan tâm, có đối sách phù hợp.
“Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa, thế giới biểu tình, nhưng Việt Nam không phải là “êm ru” mà đã triển khai các công việc và tính toán mọi cách” – Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định việc đồng thuận về vấn đề nêu trên chính là để phát triển.
Nói làm tốt rồi mà dân bị ăn bẩn là không được
Thảo luận xung quanh vấn đề chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết các bộ liên quan phối hợp tốt và chặt chẽ, hiện đã chặn đứng nguồn cung cấp chất cấm từ bên ngoài.
Với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, qua kiểm tra 200 mẫu thì không có mẫu nào có chất cấm, nếu có chỉ là đại lý lén lút cung cấp cho trang trại và gia đình.
Bộ đã chỉ đạo toàn ngành kiểm tra các trang trại và lò mổ, phát hiện sẽ lập tức tiêu hủy, từ ngày 1-7 thực hiện theo pháp luật hình sự và xử lý hình sự.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đặt vấn đề rằng các bộ phối hợp tốt nhưng tại sao dân vẫn bị ăn bẩn?
Theo ông Thăng, cần có biện pháp hiệu quả hơn, trong đó giao cho TP.HCM thành lập một cơ quan trực thuộc, tập trung vào một đầu mối, cho tăng cường chế tài xử phạt, quy trách nhiệm rõ ràng để tránh tình trạng cơ quan này đổ lỗi cho cơ quan kia.
“An toàn vệ sinh thực phẩm phải làm quyết liệt, nếu cứ nói làm tốt rồi mà dân cứ bị ăn bẩn thì không được, tất nhiên trong đó có trách nhiệm địa phương” – ông Thăng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng điều quan trọng là khâu tổ chức thực hiện, phải làm thật và làm liên tục, không nên chỉ làm theo từng đợt, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
“Chỗ nào vi phạm, chưa nói xử lý hình sự, cứ bằng các biện pháp hành chính xử lý thật nghiêm, các bộ liên quan cũng phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm” – Phó thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, có vấn đề đạo đức của một bộ phận người kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, “nhưng nói đạo đức không đủ mà phải pháp trị”.
* Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn Tình hình kinh tế – xã hội quý 1-2016 đã đạt được một số kết quả tích cực như: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát… Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm (tăng trưởng âm) 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn. Tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sự giảm sút nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu… sẽ tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói lời chia tay Cũng tại phiên họp Chính phủ ngày 26-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian để phát biểu về “cá nhân tôi”. Thủ tướng nói: Ngày 6-4 tới – nghĩa là còn mấy ngày nữa – Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ cho tôi thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, nghỉ chính sách. Như vậy là tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng được 9 năm 10 tháng, còn Phó thủ tướng là hai nhiệm kỳ. Như vậy phiên họp Chính phủ thường kỳ tới (tháng 4) tôi cùng 19 thành viên Chính phủ không có mặt họp với các đồng chí. Trước hết tôi có lời cảm ơn chân thành các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ đã hết sức ủng hộ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Chúng ta cũng đã đoàn kết, chung sức đồng lòng trong suốt 10 năm qua. Ngay trong nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã cùng nhau vượt qua. Sự đánh giá về Chính phủ, Thủ tướng thì Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã đánh giá rồi. Việc Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm, dành tỉ lệ phiếu tín nhiệm cao nhất đối với tôi cũng là một sự đánh giá dành cho nỗ lực tập thể của Chính phủ chúng ta. Tôi cảm ơn Văn phòng Chính phủ, suốt gần 20 năm đã phục vụ, tạo điều kiện cho tôi thực hiện nhiệm vụ. Tôi cảm ơn các chuyên gia tư vấn đã đóng góp tích cực. Đồng chí Trương Đình Tuyển có nói hôm nay Chính phủ dù chưa phải kết thúc nhiệm kỳ, nhưng đã như một bước Chính phủ mới, nên đã xin thôi tổ tư vấn gồm 12 chuyên gia. Xin chúc mừng các đồng chí ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ, một số đồng chí được giao trọng trách nặng nề hơn, như các đồng chí Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Trịnh Đình Dũng… Mong các đồng chí sẽ tiếp tục phát huy, hoàn thành thật tốt trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước giao, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Chính phủ. Chúc các đồng chí kỳ này sẽ nghỉ chính sách và chúc cho cả tôi nữa ráng giữ gìn sức khỏe, bởi sức khoẻ là quan trọng nhất, đồng thời làm một công dân tốt, đảng viên tốt. Làm sao ráng làm được theo tên chương trình như anh Trần Bình Minh (tổng giám đốc Đài truyền hình VN) nói là “Người tử tế”. Sống tử tế. Mỗi đồng chí chúng ta tuỳ hoàn cảnh mà đóng góp sức mình cho Đảng, cho dân. Dịp này, theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, tôi không biết nên tặng các đồng chí cái gì. Có hai thứ vài ngàn năm vẫn còn, đó là gốm sứ và vàng. Vàng thì tôi không có. Tôi tặng mỗi đồng chí một bộ ấm chén bằng gốm sứ. Lần này mới hơn là có quốc huy, có chữ ký của Thủ tướng và có tên từng thành viên Chính phủ. Tinh thần của ít lòng nhiều, xin tặng các đồng chí làm kỷ niệm. |