Tiết học dài 600km
Hơn 300 học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội vừa được tham gia một tiết học trải dài từ Hà Nội đến Quảng Trị.
Tiết học dài 600km
Hơn 300 học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội vừa được tham gia một tiết học trải dài từ Hà Nội đến Quảng Trị.
Thầy trò Trường Phan Huy Chú, Hà Nội hát quốc ca tại nghĩa trang Trường Sơn – Ảnh: V.Hà |
Hành trình đặc biệt này đã được các thầy cô giáo thảo luận kỹ trên tinh thần tích hợp liên môn lịch sử, ngữ văn, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng.
“Có mặt tại di tích Ngã ba Đồng Lộc vào đúng hôm mưa gió. Nhưng nghe kể về sự hi sinh của những cô gái ở tuổi còn rất trẻ, xem những tư liệu về một thời khốc liệt ở đây, nơi nhiều người phải ngã xuống để bảo vệ cung đường, tôi không còn thấy sợ mưa gió, sợ bẩn nữa. Trước đây tôi đã từng nghe những bài hát, bài thơ về thời chiến, nhưng chưa bao giờ tôi thấy thấm thía, thấy những lời ca, câu thơ đó hay đến thế |
Nguyễn Thanh Tú (học sinh lớp 12D2 Trường THPT Phan Huy Chú) |
Trải nghiệm khó quên
Hành trình ba ngày từ Hà Nội ghé qua di tích Ngã ba Đồng Lộc, đến nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, thăm cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17 và dừng chân ở Thành cổ Quảng Trị.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường Phan Huy Chú, chia sẻ: “Đây là việc tôi ấp ủ từ rất lâu nhưng giờ mới thực hiện được. Chuyến đi không chỉ dừng lại ở tính chất tham quan, hoạt động ngoại khoá, mà hơn thế tôi muốn giáo viên và các em học sinh coi đó thật sự là một tiết học mở rộng. Ở tiết học này, những trải nghiệm sinh động và nhiều cảm xúc sẽ có ích cho các em học sinh khi soi lại các bài học trong sách vở, lời giảng của thầy cô giáo…”.
Trường Phan Huy Chú đã tổ chức một hội thảo để học sinh báo cáo về những trải nghiệm của mình trong chuyến đi. Thời gian hơn một tháng – kể từ chuyến đi này – là thời hạn cho các em học sinh lớp 12 viết hoặc thể hiện suy nghĩ, hiểu biết của mình qua tiết học nói trên.
Ngoài những bài viết thể hiện cảm xúc, nhiều nhóm học sinh lớp 12 đã kết hợp với các bài học lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục về chủ quyền dân tộc và truyền thống giữ nước để thiết kế các bài học với nhiều tư liệu, số liệu mới mẻ, các câu chuyện thực tế thay thế cho các bài học khô khan trong sách giáo khoa.
Bài thu hoạch của lớp 12 chuyên lịch sử Trường Phan Huy Chú dài hơn 30 trang viết, với những tài liệu được thu thập tỉ mỉ, sắp xếp lại thành những câu chuyện lịch sử có tính chính xác, chân thực nhưng đầy cảm xúc.
Cô giáo Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng kiêm chủ nhiệm lớp chuyên lịch sử, nhận xét: “Các em rất nghiêm túc trong việc tiếp nhận bài học từ thực tế; ghi âm lời kể chuyện, chụp các hình ảnh, ghi chép số liệu, những bức thư, di vật lưu lại trong các nhà tưởng niệm, bảo tàng trong chuyến đi.
Tôi nghĩ nếu chỉ bó hẹp trong không gian lớp học truyền thống và những nội dung trong chương trình sách giáo khoa thì dù giáo viên có giỏi đến đâu cũng không thể mang lại hiệu ứng tốt như vậy”.
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy văn của trường, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ tạo điều kiện cho học sinh quan sát, lắng nghe các câu chuyện, xem phim tư liệu tại bảo tàng… Tôi thấy nhiều em đã chép lại bức thư của một người lính gửi cho vợ trước khi bước vào cuộc chiến khốc liệt và hi sinh, có em ghi lại bài thơ của một nhà thơ viết trong bối cảnh 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc vừa ngã xuống… Chúng tôi không kỳ vọng tất cả học sinh đều thu nhận được cho mình những trải nghiệm tốt, nhưng tôi tin rất nhiều em đã thay đổi suy nghĩ, đã có những ấn tượng khó quên”.
Những bài học riêng
Ngay trong chuyến đi, rất nhiều học sinh đã nói với nhau khi thắp những nén nhang ở rừng Trường Sơn: “Các chú, các bác ấy ngã xuống khi mới chỉ 19-20 tuổi, chỉ như chúng mình bây giờ. Vậy mà mình được sống đầy đủ quá mà không biết, hơi tí là kêu ca”, một nữ sinh tâm tình. “Các bạn ơi, ở đây không được nói bậy nhé, đừng vứt rác bừa bãi xung quanh nơi các chú, các bác ấy nằm xuống”, một số học sinh đã nhắc bạn bè như vậy rồi tự động đi thu gom rác vương vãi ở nghĩa trang Đường 9.
Học sinh Hoàng Trọng Nghĩa thì viết: “Khi chúng tôi đến nghĩa trang Trường Sơn thì trời mưa to. Giữa bạt ngàn ngôi mộ nằm yên dưới rừng cây, chúng tôi đã đứng nghiêm trang hát quốc ca. Trong khung cảnh đó, một cảm xúc nghẹn ngào thật khó tả”. Ngày hôm ấy, hơn 300 học sinh mặc áo mang hình cờ Tổ quốc đã chào cờ và hát quốc ca tại nghĩa trang Trường Sơn, ngay dưới trời mưa – đó là giây phút xúc động được nhiều học sinh ghi lại trong “nhật ký hành trình” của mình.
Cô giáo Nguyễn Kim Anh giải thích thêm: tiết học đặc biệt này không có giáo án soạn sẵn, mà chỉ đặt học sinh vào các địa danh, các tình huống để các em tự do cảm nhận. Nhưng sau chuyến đi, các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải có trách nhiệm đọc, phân tích các bài viết của học sinh, và tùy theo từng môn học, tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận, hoàn thành các bài viết. “Chúng tôi sẽ chấm điểm và lấy vào điểm kiểm tra hai tiết cho những bài thu hoạch có chất lượng” – cô Ngô Thị Thành cho biết.