Bộ bắt đầu “siết” chủ đầu tư chung cư?
Nhiều người đánh giá đây là quy định chặt chẽ theo hướng đảm bảo quyền lợi của cư dân hơn khi đã bịt chặt kẽ hở, không để chủ đầu tư hoặc ban quản lý nhà ở “tận thu” phí của người dân
Bộ bắt đầu “siết” chủ đầu tư chung cư?
Nhiều người đánh giá đây là quy định chặt chẽ theo hướng đảm bảo quyền lợi của cư dân hơn khi đã bịt chặt kẽ hở, không để chủ đầu tư hoặc ban quản lý nhà ở “tận thu” phí của người dân
Các chung cư tại khu đô thị Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành (có hiệu lực từ ngày 2-4) được đánh giá là đối với chủ đầu tư và cơ quan quản lý, vận hành, tính trách nhiệm sẽ càng được làm rõ nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho người dân.
Theo quy chế, việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư sẽ được thực hiện theo thoả thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở.
Không để “tận thu” phí
“Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật…” – quy chế nêu rõ.
Nhiều người đánh giá đây là quy định chặt chẽ theo hướng đảm bảo quyền lợi của cư dân hơn khi đã bịt chặt kẽ hở, không để chủ đầu tư hoặc ban quản lý nhà ở “tận thu” phí của người dân như một số khu chung cư trước đây.
Trong khi đó, một điểm mới được đề cập trong quy chế là buộc chủ đầu tư phải lập hồ sơ nhà chung cư bao gồm hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, hồ sơ pháp lý, hoàn công của dự án… sau đó có trách nhiệm lưu trữ và bàn giao cho ban quản trị nhà chung cư (sau 20 ngày ban quản trị có yêu cầu).
Nếu quá thời hạn, ban quản trị có quyền báo cáo để UBND quận, huyện, thị xã ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ nhà chung cư thì bị xử lý theo quy định.
Đánh giá quy định này, ông Nguyễn Văn Kiều – cư dân tại khu đô thị Xa La (Q.Hà Đông) – cho rằng điều này giúp người dân được minh bạch thông tin ngay từ giai đoạn đầu nhận nhà của mình.
“Ban quản trị đại diện cho cư dân sẽ nắm rõ được hồ sơ từ đầu, nếu phát hiện cái nào bất minh của chủ đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng sẽ kịp thời yêu cầu điều chỉnh hoặc báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý” – ông Kiều nhận định.
Ông Nguyễn Trọng Ninh – cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư – cho rằng quy định nói trên nhằm loại bỏ các chủ đầu tư lợi dụng để “lập lờ đánh lận con đen”, bán nhà “tù mù” để lừa đảo, trục lợi từ người mua nhà.
Chỗ để xe: thuận mua vừa bán
Liên quan tới chỗ để xe của cư dân – điểm nóng về tranh chấp hiện nay tại nhiều khu nhà chung cư, quy chế phân định rõ trường hợp nhà chung cư có đủ chỗ để ôtô dành cho mỗi căn hộ và người mua căn hộ có nhu cầu mua hoặc thuê chỗ để xe thì chủ đầu tư phải giải quyết bán hoặc cho thuê chỗ để xe này.
Còn trường hợp nhà chung cư không có đủ chỗ để ôtô dành cho mỗi căn hộ thì chủ đầu tư giải quyết bán, cho thuê chỗ để xe này trên cơ sở thoả thuận của những người mua căn hộ với nhau. Nếu những người mua căn hộ không thoả thuận được thì chủ đầu tư giải quyết theo phương thức bốc thăm để được mua, thuê chỗ để xe này.
Theo luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội), nếu điều này được thực thi nghiêm sẽ góp phần hạn chế tối đa những tranh chấp liên quan tới chỗ để xe giữa người dân và chủ đầu tư vốn gay gắt thời gian dài vừa qua. Còn ông Nguyễn Trọng Ninh khẳng định cơ quan quản lý đã lường hết được các phương án.
“Việc mua bán này trên cơ sở thuận mua vừa bán, nếu chủ đầu tư bán đắt thì không ai mua nên không lo, còn nếu thuê thì đã có giá trần quy định của Nhà nước khống chế” – ông Ninh phân tích.
Cũng theo ông Ninh, quy chế không cho phép người ngoài mua chỗ để xe trong khu chung cư nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân là chủ sở hữu tại đó.
Ngoài ra, quy chế cũng dành tới 15 điều đề cập các nội dung liên quan tới hội nghị ban quản trị và việc thành lập, điều hành của ban quản trị – đại diện cho những người dân sở hữu căn hộ chung cư.
Trong đó, điều quan trọng nhất được quy chế nhấn mạnh là “hội nghị nhà chung cư có quyền quyết định các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định tại Luật nhà ở và quy định tại quy chế này”.
“Cấm nói tục, chửi bậy” chỉ là mẫu nội quy Liên quan tới nội dung tại điều 2 của phụ lục thứ nhất thuộc thông tư “cấm gây mất an ninh, trật tự, nói tục, chửi bậy, sử dụng truyền thanh, truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh gây ồn ào làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư”, ngày 25-3 Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản có phản hồi, trong đó khẳng định đây chỉ là phần nằm tại phụ lục mẫu nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư và mẫu hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư. “Chúng tôi nghiên cứu tại nhiều chung cư hiện nay đang áp dụng nội quy này nên đưa vào để khuyến cáo và tham khảo cho các chung cư khác. Quy định này không nằm trong quy chế và không buộc phải thực hiện” – ông Nguyễn Trọng Ninh khẳng định. Theo ông Ninh, trong phần phụ lục mẫu nội quy có đề cập rõ việc “cấm nói tục, chửi bậy” thuộc các hành vi bị cấm do hội nghị nhà chung cư có thể quy định thêm cho phù hợp với từng nhà chung cư. Nội quy này chỉ áp dụng khi được hội nghị nhà chung cư của toà nhà đó thông qua. “Trong thực tế nhiều khu chung cư đã áp dụng, còn tuỳ từng chung cư sau khi tổ chức hội nghị nhà chung cư quyết định hình thức cấm và chế tài đi kèm” – ông Ninh phân tích. |