25/12/2024

Trung Quốc phóng tên lửa chống hạm

Giới chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh đã triển khai thêm hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trong khu vực.

 

Trung Quốc phóng tên lửa chống hạm

 

 

Giới chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh đã triển khai thêm hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trong khu vực.

 

 

 

 

Trung Quốc phóng tên lửa chống hạm
Bức ảnh tên lửa chống hạm YJ-62 của Trung Quốc được cho là phóng lên không trung từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – Ảnh: Weibo

Tạp chí IHS Jane’s 360 chuyên về quốc phòng và tình báo vừa công bố bức ảnh cho thấy một tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 có vòm rađa phía sau được phóng lên không trung. Đây là ảnh do một nhà phân tích quân sự Trung Quốc đăng tải trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Nhà phân tích này cho rằng căn cứ vào cảnh vật và những toà nhà ở phía sau thì địa điểm phóng tên lửa là từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là nơi mà Bắc Kinh đã cho triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 hồi tháng 2-2016.

Vi phạm luật quốc tế

Nhà phân tích Antony Wong Dong ở Macau (Trung Quốc) cho rằng tầm bắn của tên lửa HQ-9 vươn tới các khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế mà cả Trung Quốc và Việt Nam đang cùng tuyên bố. Nhưng tên lửa YJ-62 thậm chí có tầm bắn còn xa hơn. “Đó là mối đe doạ lớn đối với an ninh biển của Việt Nam và hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế” – ông Wong nhận định.

Tạp chí IHS Jane’s 360 còn dẫn lời chuyên gia thuộc Trung tâm Đánh giá và chiến lược quốc tế Richard Fisher cho biết bức ảnh trên tương ứng với một trong những bức ảnh đã được đăng trên một tạp chí quân sự của Trung Quốc. Bức ảnh này sau đó được các trang web tin tức quân sự chính thống của Trung Quốc đăng tải lại.

Ông Fisher nhấn mạnh rằng diễn tiến mới nhất này phù hợp với thông tin trên truyền thông Trung Quốc và Hong Kong gần đây loan báo Bắc Kinh sẽ triển khai thêm tên lửa chống hạm và những vũ khí hiện đại khác đến các đảo ở Biển Đông.

Giới phân tích nhận định động thái này cho thấy Trung Quốc đang phô diễn khả năng quân sự của họ, có khả năng khiến căng thẳng leo thang ở khu vực này, bất chấp phản ứng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế liên tục trong thời gian qua.

Báo South China Morning Post cũng dẫn lời một đại tá về hưu (giấu tên) của quân đội Trung Quốc xác nhận ngoài hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, Bắc Kinh cũng lên kế hoạch triển khai tên lửa chống hạm tầm xa YJ-62 đến đảo Phú Lâm. “Hệ thống HQ-9 và YJ-62 có chức năng bổ sung cho nhau.

Tên lửa HQ-9 là tên lửa chống máy bay, còn YJ-62 là tên lửa chống hạm. Việc triển khai này là cần thiết vì Lầu Năm Góc nói là sẽ triển khai thêm tàu chiến đến Biển Đông” – viên đại tá trên cho biết.

Hệ thống tên lửa YJ-62 có khả năng nhắm vào bất cứ tàu bè nào đi cách đảo Phú Lâm khoảng 400km. Tạp chí IHS Jane’s 360 phân tích hệ thống tên lửa chống hạm này có thể được triển khai cùng thời gian với hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 hồi tháng 2-2016.

Hệ thống YJ-62 được quân đội Trung Quốc trang bị cho tàu khu trục Type 052C và đã được phóng thử hồi năm 2003. Đây là tên lửa do Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ của Trung Quốc phát triển.

Chuyên gia quân sự ở Hong Kong Lương Quốc Lượng nhận định việc triển khai tên lửa YJ-62 đến đảo Phú Lâm nhằm đáp ứng chiến lược quân sự mà Bắc Kinh đang âm mưu thực hiện ở khu vực Biển Đông. Bắc Kinh muốn sử dụng tên lửa này để bảo vệ cái mà họ gọi là vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông.

Indonesia tố cáo 
Trung Quốc

Giới chức quản lý hàng hải Indonesia lại một lần nữa thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc về việc thả tám ngư dân bị giới chức Indonesia bắt giữ cuối tuần qua. Các ngư dân này đã đánh cá trái phép ở khu vực quần đảo Natuna, là khu vực chồng lấn với cực nam của Biển Đông.

Jakarta còn cáo buộc Bắc Kinh đã gây căng thẳng leo thang bằng việc hậu thuẫn cho tàu cá của nước này hoạt động trái phép trong khu vực trên và luôn miệng lớn tiếng cho rằng đó là ngư trường truyền thống của Trung Quốc.

Giới chức Indonesia cho biết ngay sau khi chiếc tàu cá Trung Quốc bị phía Indonesia vây bắt thì một tàu tuần duyên của Trung Quốc đã xuất hiện và có động thái cản trở để tàu cá Trung Quốc thoát thân. Báo Jakarta Post dẫn lời Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan nhấn mạnh Jakarta sẽ kiên quyết khởi tố tám ngư dân này.

Qua vụ việc này, quan chức phụ trách an ninh hàng hải Indonesia, ông Arif Havas Oegroseno, nói rằng hành động của Trung Quốc đã tạo ra một trận chiến mới mà các quốc gia Đông Nam Á cần phải theo dõi sát sao.

Ông Oegroseno nhấn mạnh tuyên bố của Trung Quốc về việc chiếc tàu cá của họ đang hoạt động trong ngư trường truyền thống không được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) công nhận.

“Đó là một tuyên bố giả mạo, nhập nhằng trong thuật ngữ. Từ năm nào mà nó biến thành lịch sử, thành truyền thống của họ?” – ông Oegroseno phản ứng gay gắt.

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cũng đã triệu tập một nhà ngoại giao của Trung Quốc ở Jakarta đến để phản ứng việc tàu tuần duyên Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Indonesia và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Lãnh đạo Mỹ – Trung gặp nhau tuần tới

Ngày 31-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của ông Tập khi dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Báo Wall Street Journal cho biết Biển Đông có thể sẽ là một trong những chủ đề được đưa ra bàn bạc trong cuộc gặp lần này.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, hai lãnh đạo cũng sẽ bàn về việc tăng cường hợp tác hai nước ở các lĩnh vực hai bên có quyền lợi chung và thảo luận về những bất đồng còn tồn tại giữa hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Bảo Đông cho biết ông Tập cũng sẽ đưa các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, việc khôi phục vòng đàm phán hạt nhân Triều Tiên ra thảo luận với Tổng thống Obama.

MỸ LOAN , [email protected]