26/12/2024

Bất động sản lo sợ giá thép tăng

Mới đây, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép, thép dài nhập khẩu vào VN, nhằm bảo vệ, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước giải quyết đầu ra.

 

Bất động sản lo sợ giá thép tăng

 

Mới đây, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép, thép dài nhập khẩu vào VN, nhằm bảo vệ, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước giải quyết đầu ra.




Bất động sản lo sợ giá thép tăng
Tuy nhiên, trong thời gian qua giá thép trên thị trường liên tục tăng đã gây khó cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Theo các chuyên gia xây dựng, thường những tháng giữa năm nhu cầu xây dựng của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh do lúc này đang bước vào mùa nắng. Nhu cầu xây dựng tăng cộng với việc găm hàng trước ngày áp thuế đã khiến giá thép trên thị trường tăng cao. Nếu như cách đây không lâu, giá thép chỉ khoảng 10,3 – 10,7 triệu đồng/tấn thì sau khi thông tin áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào VN được công bố, giá thép đã tăng vọt lên 12,4 – 12,6 triệu đồng/tấn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc giá thép tăng mạnh khiến người dân xây nhà và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đứng ngồi không yên. 

 
 
Bất động sản lo sợ giá thép tăng - ảnh 1
Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan quản lý ổn định giá thép, ổn định thị trường xây dựng, tránh hiện tượng găm hàng đầu cơ trục lợi như thời gian gần đây. Tất cả việc tăng giá này sẽ đổ lên đầu người dân

Bất động sản lo sợ giá thép tăng - ảnh 2
 
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

 


BIến động liên tục
Ghi nhận thực tế cho thấy, giá sắt thép liên tục tăng giá trong những ngày gần đây đã tác động ngay lập tức đến việc xây dựng, sửa chữa nhà của người dân. Nếu mỗi căn nhà khi xây mới cần khoảng 10 tấn sắt thép, với mức tăng giá tăng khoảng 2 triệu đồng/tấn, thì người dân phải móc túi thêm khoảng 20 triệu đồng.
Anh Hiệu đang xây dựng một căn nhà phố tại H.Nhà Bè (TP.HCM) bức xúc cho biết giá sắt thép tăng đã làm gia đình anh mất thêm 30 triệu đồng so với dự toán ban đầu. Không những vậy, việc mua sắt thép cũng gặp nhiều khó khăn. Thấy giá tăng mạnh, anh đến các đại lý để ký hợp đồng mua 14 tấn sắt thép cho công trình nhưng đại lý không bán vì “không có hàng”, “nhà máy cũng chỉ giao đơn hàng nhỏ giọt”. “Giá sắt thép biến động liên tục nên họ không muốn bán sỉ mà chỉ bán lẻ. Họ còn nói báo giá sắt chỉ có giá trị trong ngày, ngày sau sẽ cập nhật giá mới. Chính vì vậy tôi phải cắn răng mua sắt thép lẻ với giá đắt đỏ hơn. Giờ họ ghim hàng, thổi giá, gây sốt ảo làm chết dân”, anh Hiệu bức xúc.
Theo tính toán của ông Tuấn, một nhà thầu xây dựng tại khu vực Q.Bình Tân (TP.HCM), một căn nhà phố tầm 400 m2 sàn cần khoảng 14 tấn thép. Như vậy, mỗi căn nhà người dân phải chi phí thêm 20 – 30 triệu đồng do biến động giá thép. Hiện ông đang nhận thi công 5 căn nhà phố, mỗi căn ông phải bỏ ra thêm khoảng 20 triệu đồng, tính sơ sơ đã lỗ khoảng 100 triệu đồng chỉ vì giá sắt thép tăng. “Tát nước theo mưa nên các đại lý cung cấp thép mấy ngày qua có động thái ghim hàng, đẩy giá lên từng ngày gây ra tình trạng sốt ảo”, ông Tuấn ngao ngán.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh, cho biết hiện công ty ông đang là chủ đầu tư cũng là nhà thầu xây dựng cùng lúc 8 dự án bất động sản. Chỉ riêng tiền sắt thép tăng giá, công ty phải bù lỗ khoảng 40 tỉ đồng trong khi giá bán đã ký hợp đồng với khách hàng nên không thể điều chỉnh tăng. Dự án vẫn phải tiếp tục mua sắt thép để đảm bảo tiến độ công trình, nếu giá tiếp tục tăng như hiện nay, chắc doanh nghiệp phải tính đến phương án tìm nguồn cung từ đối tác nước ngoài chứ không thể mua thép trong nước nữa.
Hiện đang triển khai xây dựng 2 dự án, ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Lộc Phát, cho hay các nhà thầu thường không ký với chủ đầu tư một mức giá thép cố định. Nên khi giá thép tăng chủ đầu tư cũng sẽ phải điều chỉnh giá bán căn hộ. “Giả sử giá thép tăng hơn 12%, công ty có thể sẽ phải điều chỉnh giá bán căn hộ tăng 1 – 2%. Nhưng công ty sẽ cố san sẻ khó khăn với khách hàng bằng giải pháp giảm lợi nhuận”, ông Bình cho hay.
“Tất cả đổ lên đầu người dân”
Lãnh đạo một nhà thầu xây dựng lớn tại TP.HCM nói rằng giá thép tăng đột ngột ảnh hưởng đến chi phí giá vốn của nhà thầu, vỡ kế hoạch kinh doanh, gây lỗ nặng. Giá tăng đột ngột dẫn đến tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường thép, tạo sự khan hiếm trên thị trường. Thực tế, việc mua thép rất khó khăn, dẫn đến trễ tiến độ thi công, phát sinh chi phí kéo dài tiến độ và bị chủ đầu tư phạt do trễ tiến độ. Hiện nay đơn vị này đang làm thầu thi công hàng chục dự án, nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Giá hợp đồng với chủ đầu tư đã ký, nhưng giá thép tăng dẫn đến tăng chi phí giá vốn. Chưa kể mua thép khó khăn dẫn đến trễ tiến độ, phát sinh chi phí do chậm tiến độ, khiến doanh nghiệp lỗ nặng”, vị này cho biết.
Một trong các giải pháp nhà thầu này đưa ra là với các dự án đang dự thầu bắt buộc phải tăng giá. Tuy nhiên, do tình trạng đầu cơ, đẩy giá thép tăng không có điểm dừng dẫn đến việc nhà thầu không thể xác định giá dự thầu tăng bao nhiêu là hợp lý. “Tình trạng tăng giá này không được nhà nước thông báo trước thì làm sao doanh nghiệp có sự chuẩn bị được. Nhà thầu cũng trở tay không kịp, không kịp chuẩn bị, ứng phó khi không biết điểm dừng của việc tăng giá thép này? Chưa kể thép là mặt hàng cần phải có kho bãi lớn để dự trữ. Một nhà thầu mỗi năm có thể sử dụng đến 100.000 tấn thép thì kho bãi nào chứa cho đủ? Đề nghị ổn định giá thép, ổn định thị trường xây dựng, tránh đầu cơ trục lợi. Đề nghị xem lại chính sách tăng thuế nhập khẩu phôi thép”, vị này kiến nghị.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận định giá thép tăng tác động đến giá thành, từ đó đẩy giá bán nhà tăng. Với mức giá thép tăng như hiện nay, giá nhà có thể tăng lên 5% và người mua nhà lãnh đủ. “Việc bảo hộ thép chỉ xảy ra khi ngành thép khốn đốn vì thép nhập, nhưng các doanh nghiệp thép năm qua lợi nhuận tăng nhiều. Nên giờ áp dụng chính sách này có lẽ chưa hợp lý. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan quản lý ổn định giá thép, ổn định thị trường xây dựng, tránh hiện tượng găm hàng đầu cơ trục lợi như thời gian gần đây. Tất cả việc tăng giá này sẽ đổ lên đầu người dân”, ông Châu kiến nghị.

Đình Sơn