Sống khoẻ cạnh người ‘khổng lồ’
Chỉ chưa đầy chục công ty nhưng chiếm tới 80% thị phần, tương đương hơn 52.000 tỉ đồng, các “đại gia” bán lẻ điện thoại đang ngày càng bành trướng quy mô, chiếm lĩnh thị trường.
Sống khoẻ cạnh người ‘khổng lồ’
Chỉ chưa đầy chục công ty nhưng chiếm tới 80% thị phần, tương đương hơn 52.000 tỉ đồng, các “đại gia” bán lẻ điện thoại đang ngày càng bành trướng quy mô, chiếm lĩnh thị trường.
Điều đáng nói là hơn 11.000 cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ vẫn đang sống khá ổn bên cạnh những người khổng lồ.
Sống nhờ phụ kiện, thẻ cào
Theo thống kê từ các hệ thống lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store, VinPro, Mai Nguyên, các chuỗi hệ thống này đang sở hữu khoảng 1.500 cửa hàng (CH), chiếm từ 75 – 80% thị phần bán lẻ điện thoại. Sự lớn mạnh của các đại gia này kéo theo sự ra đi của không ít cửa hàng nhỏ lẻ. Báo cáo của GfK VN cho biết, năm 2015, khoảng 3.000 cửa hàng di động nhỏ lẻ phải đóng cửa. Trước đó vào năm 2014, một báo cáo cho biết VN có khoảng 14.000 – 15.000 điểm kinh doanh tư nhân. Như vậy, hiện có khoảng hơn 11.000 CH nhỏ đang tồn tại và chia nhau miếng bánh 20 – 25% thị phần còn lại. Cuộc chiến này nhìn về mọi mặt đều không cân sức.
Nếu như hệ thống lớn mỗi năm thu về được hàng trăm ngàn tỉ đồng từ việc bán những chiếc điện thoại mới ra lò thì các cửa hàng nhỏ lại kiếm được tiền do bán phụ kiện, điện thoại cũ, sim số, thẻ cào hay sửa chữa điện thoại… Anh Nguyên – chủ một CH di động trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM, cho biết với gần 15 năm kinh nghiệm trong thị trường này, anh đã có một lượng khách quen thuộc vẫn tin tưởng vào chất lượng, dịch vụ của mình. Trong đó, doanh thu từ phụ kiện cũng chiếm tỷ lệ 50% hằng tháng, bên cạnh việc bán những sản phẩm cao cấp và dịch vụ sửa chữa điện thoại. “Ngoài những khách hàng quen thuộc thì có những khách hàng nói với tôi rằng, họ có thể mua máy ở các siêu thị lớn nhưng lại chỉ mua phụ kiện ở chỗ tôi hoặc một vài CH chuyên bán phụ kiện vì giá cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, dịch vụ sửa chữa, trao đổi máy cũ cũng là điểm mạnh của các CH nhỏ lẻ hiện nay. Ngoài ra, các CH nhỏ lẻ thì khách hàng luôn được chính chủ phục vụ chu đáo, chỉ dẫn tận tình hơn”, anh Nguyên chia sẻ.
Chị Hà – chủ một CH trên đường Hùng Vương, Q.5, cho biết CH chị cũng đã mở được hơn 10 năm và nguồn thu chính đến từ các dịch vụ như sửa chữa, mua bán máy cũ, sim số, thẻ cào và các phụ kiện kèm theo. Thỉnh thoảng, chị Hà cũng bán được những sản phẩm cao cấp theo đường xách tay trước khi hàng chính hãng ra quầy ở các hệ thống siêu thị lớn… Đặc biệt, nhóm sản phẩm phụ kiện như dán màn hình, mẫu ốp lưng, sạc dự phòng, tai nghe, pin thay thế, bao da, bàn phím, loa di động… là một thị trường kinh doanh rộng lớn mà các hệ thống siêu thị lớn lại chưa thể áp đảo nên đây chính là nơi khai thác rất tốt của nhiều CH nhỏ.
Ông Mai Triều Nguyên – Giám đốc chuỗi CH Mai Nguyên – nhận định các CH nhỏ lẻ không chết liền nhưng chắc chắn sẽ bị thu hẹp dần. Bên cạnh việc được đầu tư bài bản từ hệ thống quản trị đến tài chính, thậm chí có sự tham gia của các chiến lược gia ngoại… các DN lớn luôn được các nhà sản xuất o bế và dành nhiều ưu đãi. “Nếu các nhà mạng như MobiFone, Viettel đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thiết bị di động thì thị trường sẽ càng căng hơn vì nhà mạng có nhiều lợi thế riêng. Có thể khi đó thị trường sẽ phân chia lại thị phần. Bản thân Mai Nguyên với 5 CH ở TP.HCM cũng phải đi vào thị trường ngách, tập trung vào việc kinh doanh sản phẩm độc lạ, ít đụng hàng và tạo ra sự khác biệt. Vì vậy, bản thân các CH nhỏ lẻ muốn tồn tại cũng phải liên tục tìm hướng đi riêng cho mình”, ông Mai Triều Nguyên nói.
Một chuyên gia trong ngành bán lẻ phân tích thêm: Những CH nhỏ lẻ vẫn sống được theo cách của họ mà không dại gì cạnh tranh đối đầu với các siêu thị lớn vì “châu chấu đá xe”. Bản thân các hệ thống lớn cũng không dễ có ngay chỗ đứng trên thị trường. Ông đưa ra ví dụ, Viettel tham gia bán lẻ từ năm 2006 và dù cũng có hơn 300 CH nhưng đến nay thị phần vẫn ở mức khiêm tốn. Vì vậy dù trong cuộc chiến không cân sức thì các CH nhỏ lẻ vẫn còn chỗ đứng của mình nếu biết khai thác tốt các phân khúc mà những hệ thống lớn chưa chiếm ưu thế.
Doanh nghiệp lớn bành trướng
Thế Giới Di Động hiện là hệ thống có số lượng CH phủ sóng rộng nhất trên toàn quốc với hơn 620 điểm. Chia sẻ của ban lãnh đạo công ty này là sẽ tăng lên con số 800 CH trong năm nay và nếu thị trường thuận lợi, công ty sẽ phát triển lên con số 1.000 CH trong thời gian tới. Những hệ thống còn lại như FPT Shop, VinPro, Viễn Thông A hay như tân binh mới là MobiFone đều lên kế hoạch sẽ mở thêm từ 100 – 200 CH mới trong năm nay.
Tốc độ mở CH mới của các chuỗi bán lẻ nói trên không còn đếm theo tuần, theo tháng mà thậm chí được tính theo ngày. Theo ước tính của tổng giám đốc một chuỗi CH bán lẻ điện thoại di động, Thế Giới Di Động và FPT Shop đang dẫn đầu và chiếm khoảng 50% thị phần trên cả nước. Những hệ thống còn lại chiếm khoảng 25 – 30% và số còn lại thuộc về các CH nhỏ lẻ. Không chỉ chạy đua ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… mà giờ đây, các hệ thống lớn còn vươn dài ra hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Thậm chí, tham vọng của những ông lớn dẫn đầu là sẽ xuất hiện tận các phường xã xa xôi nhất, nơi vốn là địa bàn truyền thống của các CH nhỏ lẻ, hộ gia đình với cách bán hàng khá đơn giản hoặc có thể là một CH tạp hoá.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường GfK VN, năm 2015 vừa qua, thị trường hàng công nghệ điện tử tăng mạnh mà dẫn đầu là các sản phẩm điện thoại di động với doanh số 65.666 tỉ đồng, tăng 31,9% so với năm 2014. Doanh số cũng như mức tăng trưởng của thị trường này đang vượt rất xa các nhóm hàng công nghệ điện tử khác. Điều đó có thể giải thích vì sao rất nhiều hãng sản xuất điện thoại tiếp tục có kế hoạch gia nhập VN cũng như các hệ thống bán lẻ vẫn tiếp tục chạy đua mở rộng mạng lưới của mình dù thị trường đã đầy ắp những gương mặt đến từ năm châu bốn bể.
Mai Phương