Bỏ tù người dùng chất cấm cho heo ăn được không?
Chất cấm bủa vây người tiêu dùng, tại sao? Nguồn cung chất tạo nạc cấm chủ yếu từ nhập khẩu theo đường chính ngạch, được Bộ Y tế cấp phép nhập về sản xuất thuốc.
Bỏ tù người dùng chất cấm cho heo ăn được không?
Chất cấm bủa vây người tiêu dùng, tại sao? Nguồn cung chất tạo nạc cấm chủ yếu từ nhập khẩu theo đường chính ngạch, được Bộ Y tế cấp phép nhập về sản xuất thuốc.
Cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu nước tiểu heo tại một lò mổ để xét nghiệm tồn dư chất cấm. Nhiều lô heo từ các tỉnh nhập về TP.HCM được phát hiện chứa chất cấm với hàm lượng tồn dư rất cao – Ảnh Hoàng Lộc |
Dù cơ quan chức năng các địa phương tăng cường kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng chuyện xử lý các trường hợp vi phạm thời gian qua như “bắt cóc bỏ đĩa”, cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm, thậm chí có nhiều trường hợp tái phạm nhiều lần.
Tuy nhiên, theo Luật hình sự sửa đổi bổ sung, việc kinh doanh, vận chuyển hoặc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tới đây sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí bị phạt đến 5 năm.
Chưa đủ sức răn đe
Trong hai năm qua, khi giá heo giữ ở mức cao cũng là khoảng thời gian tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tăng mạnh và diễn ra rộng khắp. Mỗi khi kiểm tra, cơ quan chức năng lại phát hiện người chăn nuôi hoặc công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi vi phạm trong sử dụng chất cấm. Kiểm tra nhiều, xử phạt nhiều nhưng sau đó tình trạng sử dụng chất cấm tái diễn và ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Áp dụng biện pháp chế tài mạnh hơn hay tìm cách hỗ trợ người chăn nuôi hiệu quả hơn mà không cần dùng đến chất cấm? Đó là hai trong số các vấn đề được đưa ra tại buổi tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi: thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 23-3 với sự tham gia của Cục Chăn nuôi, Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) và các chuyên gia ngành chăn nuôi. |
Ông Trần Văn Quang, chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho rằng sở dĩ chuyện xử lý vi phạm như “bắt cóc bỏ đĩa” do mức phạt hành chính hiện nay không đủ sức răn đe.
Bởi theo quy định, những trường hợp vi phạm về việc sử dụng chất cấm chỉ bị phạt tối đa 7,5 triệu đồng đối với nông hộ và 15 triệu đồng đối với trang trại.
“Ngay cả doanh nghiệp cũng chỉ bị phạt 70-100 triệu đồng nếu bị phát hiện, một khoản tiền không đáng kể so với lợi nhuận thu được nên chưa đủ sức răn đe” – ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, trước tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trở nên đáng báo động, cuối năm 2015 ngành nông nghiệp Đồng Nai và TP.HCM đã đề xuất áp dụng biện pháp “tiêu huỷ cả đàn heo” thay vì xử phạt hành chính.
“Việc tiêu huỷ sẽ có sức răn đe lớn với đối tượng vi phạm, nhưng áp dụng lại rất khó. Bởi tiêu huỷ cả đàn heo, theo quy định về môi trường, là không dễ dàng với nhiều thủ tục và rất tốn kém” – ông Quang thừa nhận.
Tuy nhiên, đến nay đề xuất này vẫn còn trên giấy, chưa được chấp nhận do vẫn còn đang… tranh cãi dù hoạt động kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Trong khi đó tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định (số 119/2013) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, hình thức xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức phạt tiền, với số tiền phạt được đề xuất bằng 80-100% tổng giá trị động vật vi phạm đối với nông hộ và 100-120% đối với trang trại hộ.
Luật đã đủ sức răn đe
Nhiều chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng những thông tin được cơ quan chức năng cung cấp gần đây cho thấy nguồn cung chất tạo nạc cấm chủ yếu từ nhập khẩu theo đường chính ngạch, được Bộ Y tế cấp phép nhập về sản xuất thuốc.
Do đó cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép nhập khẩu và kinh doanh các chất nhóm beta-agonist để đảm bảo nhập về chỉ dùng để sản xuất thuốc chứ không đưa vào thức ăn chăn nuôi cho heo, đồng thời phải tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
“Đã là chất cấm tức không được phép sử dụng, chứ không thể có giới hạn hàm lượng bao nhiêu thì được tồn tại, đồng thời phải đưa vào khung xử lý hình sự mới đủ sức răn đe” – một chuyên gia nói.
Vị này cũng cho biết thêm theo Luật hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7, hành vi sử dụng và buôn bán chất tạo nạc cấm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng bằng biện pháp xử lý hình sự. Theo đó, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ “bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
“Các vi phạm trước đây chỉ bị cảnh cáo, phạt tiền, xử phạt hành chính tới đây sẽ có thể áp dụng mức phạt tù, chắc chắn đủ sức răn đe, góp phần ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” – vị này cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Việt – chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, với những quy định đã được sửa đổi, thời gian tới sẽ có đủ cơ sở để xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy tố hình sự, chứ không chỉ là phạt hành chính như trước nữa.
Ông Nguyễn Văn Được, nông dân nuôi heo theo mô hình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt trong chăn nuôi) ở Củ Chi, nói việc các cơ quan chức năng nâng mức hình phạt với những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là cần thiết để bảo vệ người chăn nuôi chân chính.
“Thật vô lý khi người nuôi heo VietGAP như chúng tôi khó khăn tìm kiếm đầu ra, còn người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lại được thương lái mua với giá cao hơn” – ông Được nói.
Ông ĐỖ VĂN ĐÔNG (phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế): Salbutamol sẽ được kiểm soát đặc biệt Salbutamol vốn là hoạt chất sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ lâu. Các thuốc thành phẩm chứa chất salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang. Do đó nguyên liệu salbutamol, thuốc chứa salbutamol không nằm trong danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, chất này bị sử dụng trái phép trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại VN. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật dược sửa đổi. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán… |