27/12/2024

3 lời khuyên lựa chọn nghề nghiệp

Hướng nghiệp là vấn đề lớn và cần phải đi trước một bước.

 

3 lời khuyên lựa chọn nghề nghiệp

 

Hướng nghiệp là vấn đề lớn và cần phải đi trước một bước.




Học sinh luôn băn khoăn khi quyết định ngành nghề và trường học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Học sinh luôn băn khoăn khi quyết định ngành nghề và trường học – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Nếu việc chọn lựa xuất phát từ năng lực, sở trường của bản thân thì thường sẽ bền vững hơn. Việc chọn nghề, chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn (theo hướng tiêu cực) đối với việc học hành và công việc của các thí sinh sau này.
Xung quanh vấn đề này, tôi có 3 lời khuyên nhỏ với hy vọng có tác động lớn đối với các thí sinh:
Ưu tiên trong hướng nghiệp: chọn nghề – ngành – trường
Khi chọn lầm nghề, nếu bạn không bỏ nghề, không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ bạn bất kỳ lúc nào! Ba vấn đề: nghề – ngành – trường biểu trưng cho 3 vòng tròn hướng nghiệp, theo thứ tự trước sau. Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này và các yếu tố tác động khác. Nếu xác định được điều này sẽ có ý nghĩa hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi “chọn trường nào, ngành nào để dễ đậu?”. Vì nếu đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, ngồi đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó thì sẽ tạo ra sự lãng phí cho bản thân, gia đình và cao hơn là xã hội.
Tránh ngộ nhận và biết lượng sức mình
Thí sinh không nên chọn những nghề thật… cao siêu mà năng lực của mình khó với tới. Sau khi chọn nghề phù hợp, thí sinh nên lượng sức để chọn vào ngành của trường nào hoặc thậm chí bậc nào phù hợp. Các tiêu chí để tham khảo: điểm chuẩn vài năm gần nhất, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý… Nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, trong khi giới trẻ thì lại có quá nhiều ước mơ. Sự lựa chọn nghề nghiệp đương nhiên là chuyện tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp học sinh… bị lệ thuộc vào quyết định của người khác. Cần nhớ rằng lời khuyên luôn bổ ích, quan trọng, nhưng bạn phải là người quyết định về tương lai của mình.
Hãy dành 30 phút để trắc nghiệm năng lực bản thân
Hơn bao giờ hết, cần phải ưu tiên cho sở thích, sở trường của mình. Cần thấy sự khác biệt giữa thích và phù hợp. Có nhiều thí sinh tưởng rằng mình phù hợp với nghề đó, ngành đó nhưng thực ra các em bị ngộ nhận, chưa đủ thông tin để biết mình là ai. Cần nhớ chọn trường theo sở trường và khám phá năng lực của chính bản thân mới là bền vững.
Ngoài ra, thí sinh cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề “kỹ thuật”. Theo đó, phải tìm hiểu kỹ càng về những vấn đề liên quan đến kỳ tuyển sinh năm nay. Có những điểm mới so với trước đây, “tra tìm” điểm chuẩn 3 năm gần kề để lượng sức ngành nghề đó ở trường nào thì phù hợp. Đây tuy là vấn đề kỹ thuật “ngắn hạn” nhưng nếu không lưu ý, không làm đúng ngay từ đầu thì có khi lại bị chệch hướng, gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội.
Các dạng sai lầm khi chọn nghề
Chọn nghề sai lầm. Cứ tưởng mình phù hợp. Thích chưa hẳn đã hợp. Một người có năng khiếu về nghệ thuật lại chọn ngành kế toán. Vật vã nhìn các con số nhảy múa trong khi lẽ ra trở thành một kế toán trưởng giỏi. Cũng như vậy, người muốn làm diễn viên nhưng lại hay mắc cỡ, muốn làm MC nhưng lại nói ngọng, cà lăm, người thiên hướng nghệ thuật lại học ngành y… Cần xem lại cái gốc: Mình là ai? Mình phù hợp nghề gì chứ không phải thích nghề gì?
Chọn đúng nghề, đúng ngành nhưng sai bậc/trình độ. Có nghề đòi hỏi trình độ ở bậc ĐH, sau ĐH nhưng có nghề chỉ cần ở trình độ TC. Đôi khi học TC lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp ĐH.
Cố tình chọn sai nghề vì những lý do kinh tế, đặt nặng vấn đề kinh tế, chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp để lựa chọn theo hướng có thu nhập cao hơn. Sau cùng, có người lấy tiền đóng học phí đi học lại ngành phù hợp.
Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu nước đến chân mới nhảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này. Nhiều học sinh ngay đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi.


 

Tiến sĩ Trần Đình Lý 
Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM