12/01/2025

Có loại tiếng Anh khác trên mạng

Những người trẻ nói tiếng Anh trên thế giới đang sử dụng một biến thể tiếng Anh mới trên các diễn đàn và mạng xã hội với những nguyên tắc chính tả và ngữ pháp do chính họ thiết lập.

 

Có loại tiếng Anh khác trên mạng

Những người trẻ nói tiếng Anh trên thế giới đang sử dụng một biến thể tiếng Anh mới trên các diễn đàn và mạng xã hội với những nguyên tắc chính tả và ngữ pháp do chính họ thiết lập.
 

 

 

Các nguyên tắc ngữ pháp và chính tả truyền thống của tiếng Anh rõ ràng đã không còn được người trẻ thuộc thế hệ millennial (những người sinh từ năm 1980-1998, tức là trong khoảng 19-37 tuổi) tuân thủ khi viết trên mạng.

Có loại tiếng Anh khác trên mạng - Ảnh 1.

Trên thế giới mạng, ngôn ngữ , trong đó có tiếng Anh – đang dần được biến táu – Ảnh minh hoạ: Reuters

Phá vỡ mọi giới hạn ngữ pháp

Tiến sĩ Lauren Fonteyn, giảng viên môn ngôn ngữ tiếng Anh tại Đại học Manchester, chia sẻ quan điểm với trang Mashable, cho rằng “có một cái gì đó thú vị” đang diễn ra trong cách viết của những người trẻ hôm nay, nó vượt xa nhiều so với cách chúng ta vẫn dùng kiểu viết tắt hay tốc ký.

Theo bà Lauren Fonteyn, những người thuộc thế hệ millennial đang “phá vỡ những giới hạn” của tiếng Anh viết để “có thể biểu đạt theo cách họ muốn giống như ngôn ngữ nói”, chuyển tải vào chữ viết cả những biểu đạt của ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu và âm lượng. Thậm chí ở một cấp độ “siêu bất cần”, nhiều người thậm chí còn vứt bỏ bất cứ yếu tố ngữ pháp nào mà họ cho là không cần thiết trong văn bản, giống như việc bỏ luôn dấu biểu thị giản lược trong các trường hợp như “dont”, “cant”, “im”.

Trong một thế giới mà hầu như mọi trao đổi của chúng ta hiện nay đều diễn ra trên mạng, có thể hiểu người trẻ đang muốn kéo gần hơn, nếu không muốn nói là đồng nhất, giữa ngôn ngữ viết với những biểu đạt ngoài lời của ngôn ngữ nói trong biến thể mới của chữ viết. Biến thể này cũng ghi nhận sự phá vỡ nguyên tắc viết hoa truyền thống trong ngữ pháp. Theo đó, họ không còn tuân thủ quy định viết hoa “dành cho danh từ riêng, danh từ chỉ người, tên các nước, các nhãn hàng, ký tự bắt đầu câu…”, nhưng cũng không phải họ viết hoa một cách “vô tội vạ”.

Tiến sĩ Ruth Page, giảng viên cao cấp môn ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Birmingham, nhận xét có một hiện tượng bà thường thấy là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “I” đôi khi được họ sử dụng ở dạng viết thường là “i” nhằm khiêm tốn giảm bớt “cái tôi” trong khi diễn đạt. Trong ngữ pháp tiếng Anh chính thống, đại từ này luôn được viết hoa, bất kể vị trí nào.

Mặc dù sẵn sàng bỏ qua việc viết hoa ở những chỗ lẽ ra phải viết, họ lại chủ động dùng cách viết này khi muốn thêm ý nhấn mạnh hay tạo cảm giác hài hước trong bối cảnh khác. Bà Fonteyn nhận xét: “Các ký tự viết hoa ĐƯỢC sử dụng để làm nổi bật các từ ngữ. Bằng cách viết hoa một chữ nào đó vốn thường không viết hoa, người ta có thể tăng thêm sắc thái nhấn mạnh cho nó, hoặc theo ý châm biếm, hoặc theo hướng giễu nhại”.

Cũng theo chuyên gia ngôn ngữ này, rất nhiều khi người ta còn dùng hoàn toàn chữ viết hoa để biểu đạt thông điệp muốn nhấn mạnh ở cấp độ cao hơn, giống như tiếng cười trong chữ “lol” sẽ không “to” bằng trong chữ “LOL”. “Lol” là viết tắt của cụm từ “laughing out loud”, có nghĩa “cười phá lên”.

Nguyên tắc của… vô nguyên tắc

Việc dùng (hoặc không dùng) dấu câu của người trẻ cũng cho thấy họ có nguyên tắc với những sự “vô nguyên tắc” này. Bà Page cho biết nghiên cứu đã chỉ ra “việc sử dụng dấu câu không theo chuẩn có thể phản ánh ngữ điệu giọng nói”, hay là một ý nghĩa cận ngôn ngữ như các nhà chuyên môn thường gọi. Còn theo bà Fonteyn, việc không dùng dấu chấm (.) ở cuối câu là “trung tính”, nhưng nếu ai đó thêm dấu này vào thì có thể hiểu họ “đang có cảm giác bực mình”, giống như là “đã nói xong rồi”.

Một dấu chấm (.) thì là vậy, nhưng hai dấu chấm (..) lại có nghĩa là “tiếp tục”, hay “xin nói rõ hơn” và ba dấu chấm (…) lại mang ý biểu đạt “sự im lặng do lúng túng hay bực bội”, hoặc có ý hỏi người đối thoại là “bạn có đang nghiêm túc không?”.

Bà Fonteyn cho biết khi ai đó dùng các dấu phẩy (,) thay cho dấu chấm (.) ở phần bỏ lửng, kiểu như “ok,”, hay “bạn chắc không,,”, họ có ý muốn chuyển tải tâm trạng “bất an hoặc không yên tâm”. Mặc dù dấu 3 chấm lửng (…) cũng có thể được dùng để biểu đạt thái độ rất bực bội, nhưng các chuyên gia cho biết cách dùng 3 dấu phẩy lửng (,,,) lại là “một kiểu mức độ khác” của tâm trạng bực bội hay không chắc chắn.

Việc vứt bỏ hoàn toàn mọi dấu câu cũng là cách nhiều người thường làm khi muốn biểu đạt cảm giác vô cùng phấn khích của họ. Bà Fonteyn phân tích: “Việc thiếu vắng hoàn toàn dấu câu mô phỏng cách ai đó nói trong lúc họ đang trong tâm trạng sung sướng phát điên về điều gì đó. Trong trường hợp này, người ta thể hiện tâm trạng phấn khích bằng cách loại bỏ tất cả những dấu phẩy, dấu chấm, các ký hiệu có thể gây tâm lý ngưng lại trong câu”.

Mang tính cộng đồng

Cố gắng phá bỏ mọi khuôn thức của ngôn ngữ viết để có thể biểu đạt suy nghĩ và cảm xúc bản thân tốt nhất là mục tiêu chính mà những người trẻ hướng tới khi sử dụng biến thể ngôn ngữ viết. Tuy nhiên theo tiến sĩ Peredur Webb-Davies – giảng viên cao cấp môn tiếng Welsh tại Đại học Bangor (Xứ Wales, Vương quốc Anh), người trẻ còn dùng cách viết này vì họ muốn có một cảm giác là một phần của cộng đồng nào đó. Họ định vị bản thân trong cộng đồng riêng bằng một cách viết mà hầu như chỉ những người giống họ mới hiểu được.

D.KIM THOA