27/12/2024

Không lo doanh nghiệp nhỏ, chỉ lo thiếu liên kết

“Dệt may VN có nhiều lợi thế để tiếp cận các thị trường lớn so với Trung Quốc, có khả năng qua mặt Bangladesh với điều kiện các quy chuẩn xuất xứ phải đảm bảo để hàng VN được hưởng các ưu đãi thuế vào thị trường Mỹ”.

 

Không lo doanh nghiệp nhỏ, chỉ lo thiếu liên kết

“Dệt may VN có nhiều lợi thế để tiếp cận các thị trường lớn so với Trung Quốc, có khả năng qua mặt Bangladesh với điều kiện các quy chuẩn xuất xứ phải đảm bảo để hàng VN được hưởng các ưu đãi thuế vào thị trường Mỹ”.




Dệt may đang có cơ hội để gia tăng kim ngạch - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Dệt may đang có cơ hội để gia tăng kim ngạch – Ảnh: Diệp Đức Minh


Đó là nhận định trong báo cáo của ông Erwin Schweisshelm, Giám đốc thường trú Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) ở VN tại Hội thảo quốc tế “Công nghiệp dệt may Việt Nam và bước ngoặt hội nhập lớn” được tổ chức tại TP.HCM hôm qua 18.3.
Một nghiên cứu về ngành dệt may và da giày VN trong bối cảnh hội nhập TPP của FES cho thấy, nếu không tồn tại nguyên tắc xuất xứ 3 công đoạn, thị phần may mặc VN sẽ tăng từ 4% lên 11% vào năm 2024, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Nghiên cứu này cũng đề cập đến việc các nhà đầu tư đang xem VN như lựa chọn thay thế khi giá nhân công Trung Quốc tăng và các vụ tai nạn thảm khốc trong ngành diễn ra tại Bangladesh trong thời gian qua. Báo cáo nhấn mạnh: “Các hiệp định thương mại tự do mới ký kết lại càng củng cố xu hướng chuyển dịch nói trên”.
Trống mảng dệt nhuộm
Như vậy, thách thức của ngành dệt may trong thời gian tới vẫn xoay quanh trục “nguyên tắc xuất xứ” trong TPP.
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas), Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) tỏ ra khá tự tin với những diễn biến của ngành dệt may.
Theo ông Trường, xét trong tổng thể các ngành xuất khẩu của VN, xét tỷ trọng giữa nhập khẩu và xuất đi thì dệt may vẫn là ngành công nghiệp đang có năng lực cạnh tranh, tạo thặng dư kim ngạch rất tốt. Minh chứng, trong hơn 27 tỉ USD thu được từ xuất khẩu dệt may năm 2015, nhập khẩu nguyên phụ liệu hết 14 tỉ USD, chi trả tiền lương, chi phí lao động hết 6 tỉ USD. Như vậy, hơn 7 tỉ USD còn lại nguồn thu từ nguyên liệu trong nước. “Chính vì vậy mà dệt may được Chính phủ đánh giá là ngành cốt lõi trong gia nhập sâu rộng. Nhưng hiện nguyên liệu là thử thách lớn của doanh nghiệp (DN) dệt may VN”, ông Trường nhận định và tính toán: nếu để đầu tư tạo công ăn việc làm cho một công nhân may, chỉ cần mất 3.000 USD.
Nhưng nếu đầu tư một vị trí công nhân sợi phải mất từ 100.000 – 200.000 USD. Có nghĩa là phải đầu tư 20 triệu USD mới tạo được việc làm cho 100 công nhân trong ngành dệt nhuộm. “Con số đó đối với DN vừa và nhỏ của VN là hết sức căng thẳng. Hiện VN đang nhập 7 – 8 tỉ mét vải hằng năm để sản xuất xuất khẩu. Nếu đầu tư nguyên khu vực dệt nhuộm này, chúng ta cần 15 tỉ USD. Như vậy, con số này là thách thức quá lớn cho tình hình kinh tế trong nước”, ông Trường nhận định.
Tuy nhiên, dệt may VN đang phụ thuộc đến 54% nguyên phụ liệu nhập từ hai quốc gia không thuộc nhóm TPP là Hàn Quốc và Trung Quốc nên xu hướng dịch chuyển đầu tư đón cơ hội từ TPP là tất yếu.
Theo đại diện của Vitas, đây là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là Chính phủ phải quy hoạch và quản lý tốt nhất có thể để tránh chuyển giá, tránh trốn thuế, có những nguyên tắc bảo vệ môi trường cho tốt… chứ không thể đặt vấn đề là nên chấp nhận nhà đầu tư này, không chấp nhận nhà đầu tư kia được. “Không thể nói ngành nào cho người VN làm, ngành kia cho người Hàn Quốc làm hay tỉnh này cho làm, tỉnh kia không… rất khó cho VN khi đã vào sân chơi lớn”.
Chi phí quản trị công quá nhiều
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hoà bình và phát triển VN tại TP.HCM, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại EU nhận xét: Chúng ta đang gồng mình ứng phó với các hiệp định thế hệ mới. Ở góc độ hội nhập quốc tế, vai trò của các hiệp hội là quan trọng. Dẫn chứng cho cảnh báo này, bà Ninh kể câu chuyện một lãnh đạo của một DN thuỷ sản lớn ở VN sang Bỉ dự hội chợ đã từng bị cảnh sát Bỉ dẫn độ chỉ vì từ tố cáo của một hiệp hội DN ở Florida (Mỹ) cho rằng, DN này có gian lận thương mại trong xuất khẩu cá ba sa. “Luật chơi trong hội nhập quốc tế có những quy định giữa các nước trên thế giới mà nếu các hiệp hội không nắm vững, không có thông tin để bảo vệ DN của mình cũng sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường”, bà Ninh cho biết và cho rằng, các hiệp hội không nên lấy cớ DN nhỏ và vừa nhiều quá, khó lớn mạnh nên không cạnh tranh được, chấp nhận thua cuộc… “Không nên chờ lớn mạnh mới cạnh tranh, lúc đó đã quá muộn”, bà Ninh nói.
Là người trong cuộc, ông Trường cho rằng, quy mô DN nhỏ ông không lo, nhưng lo DN VN khó liên kết được với nhau để có một tập thể vững mạnh. Vitas được Chính phủ khen là tổ chức có hoạt động tốt, được chọn tham gia đàm phán trực tiếp TPP. Tuy nhiên, nói thật lòng, trong 700 hội viên của Vitas, chỉ có 200 hội viên đóng lệ phí, 500 còn lại chỉ khi nào cần thông tin thì tìm đến hiệp hội chứ không chịu đóng phí. “Tôi nói thẳng, làm vậy sao hiệp hội có đủ sức mạnh về tài lẫn lực để đứng ra bảo vệ mọi hội viên trên thương trường quốc tế”, ông Trường bức xúc.
Theo quan điểm của ông Trường, trong 6.000 DN dệt may, mỗi năm có vài trăm DN đào thải, rời cuộc chơi là quy luật rất bình thường và đó là chọn lọc tự nhiên. Song điều khiến nhiều DN tham gia hội thảo băn khoăn chính là quản trị chưa theo kịp quốc tế. Nếu phân tích giá thành sản phẩm, kết cấu giá thành của sản phẩm sản xuất trong nước đang trả “vô số chi phí cho quản trị công”. “Chúng tôi cố hết sức thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm tối đa mọi chi phí, gia tăng năng suất, thì giá thành quản trị công trên một đơn vị sản phẩm vẫn không giảm được. Nếu cứ tiếp tục đà tăng chi quản trị công kiểu này, DN rất khó cạnh tranh”, ông Trường nhận xét.
Theo Trung tâm nghiên cứu quốc tế – Đại học KHXH-NV TP.HCM: Một số DN VN đã bắt đầu hình thành hay mở rộng khâu kéo sợi của riêng mình để không bị tụt hậu khi TPP có hiệu lực. Các DN chủ chốt đang đi theo xu hướng này có thể kể đến: Công ty CP sợi Thế Kỷ (CDFC), Công ty CP dệt Thành Công (TCM) và Tập đoàn dệt may VN (Vinatex)

Nguyên Nga