26/12/2024

Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá14: Sôi động hiệp thương

Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 diễn ra sáng 17.3 tại Hà Nội, do Đoàn chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN tổ chức đã diễn ra sôi động.

 
Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14: Sôi động hiệp thương
 
 
 
Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 diễn ra sáng 17.3 tại Hà Nội, do Đoàn chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN tổ chức đã diễn ra sôi động.






Các đại biểu nghiên cứu tài liệu - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu – Ảnh: Ngọc Thắng

 


Hội nghị lần này bàn thảo để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị của T.Ư ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14.
Nên vận động các ứng viên khối hành pháp xin rút


Cung cấp thêm thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban TVQH, Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia, cho biết tiếp thu ý kiến của Uỷ ban  T.Ư MTTQ về việc giảm tỷ lệ ứng viên khối hành pháp từ lần hiệp thương thứ nhất trong danh sách lần này khối Chính phủ đã giảm một người, khối Đảng tăng một người.
Về vấn đề kê khai tài sản, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký QH, Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia, cho biết hiện tại chưa có quy định về việc phải thẩm tra kê khai mà người kê khai tự chịu trách nhiệm.

Phát biểu tại hội nghị, GS Phạm Xuân Hằng, Ủy viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN, cho rằng việc có nhiều ứng viên đại biểu QH (ĐBQH) khoá 14 là cán bộ thuộc khối hành pháp (40/197 ứng viên do T.Ư giới thiệu) là không ổn. “Khối hành pháp đây mới là ở T.Ư, còn địa phương có hay không? Có là bao nhiêu? QH là cơ quan lập pháp, vậy đại diện khối hành pháp từ T.Ư xuống cơ sở nhiều như vậy có ảnh hưởng gì đến bản chất của QH là tham gia xây dựng pháp luật của QH?”, GS Hằng đặt câu hỏi.

Theo GS Hằng, qua theo dõi nghị trường thì thấy rõ việc các ĐBQH là người của các bộ, ngành ít phát biểu, thậm chí các chủ nhiệm uỷ ban ít phát biểu. “Đã thấy đại biểu nào khối hành pháp đứng lên chất vấn Chính phủ đâu? Địa phương cũng thế, lãnh đạo quận huyện sở ngành đâu dám chất vấn lãnh đạo UBND”, GS Hằng nhấn mạnh. Ông nói thêm: “Nên vận động khối hành pháp xin rút bớt để tập trung vào chuyên môn. Còn các đồng chí ngồi đấy nhưng đâu dám chất vấn, phê phán phản biện thì nên để các đại biểu khác”.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Uỷ viên Đoàn chủ tịch UB T.Ư MTTQ VN, cho rằng danh sách ứng viên vẫn nặng về cơ cấu trong khi chất lượng có vấn đề phải xem xét. “Riêng cơ quan T.Ư trong danh sách hầu hết Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia, nếu tính cả nước cả trăm uỷ viên T.Ư tham gia, một tỷ lệ tôi thấy khác thường”, ông Lê Mã Lương nói.
Ủy viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN Đỗ Duy Thường bày tỏ không đồng tình khi hồ sơ của 197 ứng viên đến tay đoàn chủ tịch trước phiên họp chỉ “5, 10 phút không ai xem hết được”. Ông Thường cũng bày tỏ không đồng tình về việc tỷ lệ các ứng viên khối hành pháp trong danh sách lần này hầu như không có gì thay đổi sau Hội nghị Hiệp thương lần 1, dù đã có nhiều kiến nghị đề nghị giảm tỷ lệ ứng viên khối hành pháp.
Hiệp thương hay thông qua ?
Ông Lù Văn Que, Uỷ viên Đoàn chủ tịch UB T.Ư MTTQ VN, bày tỏ không đồng tình về việc tiêu chuẩn phân bổ ĐBQH khối cơ quan T.Ư là 198 người thì danh sách đưa ra thậm chí còn thiếu 1 người. “Đúng ra phải có nhiều hơn để lựa chọn ra 198 người mới đúng. Đây là một hạn chế, hiệp thương thực ra chỉ thông qua danh sách thôi chứ không có người ngoài nữa để lựa chọn”, ông Que nói.
Cũng theo ông Que, danh sách đưa ra tại hội nghị mới kê khai quá trình công tác, chức vụ chứ chưa phản ánh được chất lượng người đại biểu được giới thiệu. “Ít nhất phải cho đoàn chủ tịch biết ưu điểm ông này, quá trình làm việc thế này, có thiếu sót gì không thì người ta mới biết. Cơ quan giới thiệu phải có nhận xét, đánh giá thế nào đó. Dân tin tưởng đoàn chủ tịch mặt trận thay mặt dân giới thiệu để sau này dân lựa chọn bầu nhưng ngay đoàn chủ tịch cũng ú ớ thế này thì biết thế nào? Tôi chưa yên tâm việc này”, ông Que phát biểu.
Theo GS Phạm Xuân Hằng, không có cơ sở nào để đánh giá độ tin cậy về việc kê khai tài sản trong hồ sơ của các ứng viên. “Có ai giám sát ai xác nhận đâu mà biết”, ông Hằng nói. “Các đồng chí có nhiều tài sản thì càng mừng thôi. Gia đình yên ổn an cư rồi thì sẽ lo cho dân. Ở chỗ này các nước tiến bộ họ quan tâm vấn đề này lắm nhưng chúng ta lại nhẹ”, ông nói. Thiếu tướng Lê Mã Lương thì bày tỏ: “Chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cá nhân tiêu biểu có tư duy độc lập có ý chí, khát vọng, họ có thể có cống hiến lớn cho QH”.
Làm rõ thông tin “phản động hậu thuẫn”
Tướng Lê Mã Lương bày tỏ không đồng tình trước việc vừa qua có ý kiến cho rằng các ứng viên tự ứng cử có thể “có thế lực phản động đứng sau thậm chí là bơm tiền”. “Tôi cho rằng không nên nói như thế. Nếu như chỉ ra được thì chỉ ra rõ chứ không được nói chung chung như vậy là phương hại đến việc ứng cử của đại biểu”, tướng Lương nói.
Trước đó một số cơ quan báo chí dẫn thông tin từ tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia tại buổi làm việc của Đoàn giám sát công tác bầu cử do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với TP.Hà Nội ngày 15.3 cho biết trong số 47 người tự ứng cử ĐBQH tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài…
Đồng tình với ý kiến này, Ủy viên Đoàn chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Túc cho biết ông đã “sửng sốt” khi báo chí nêu thông tin trên. “Mình đang vận động nhân dân tự ứng cử lại đưa tin có tổ chức phản động bảo kê. Việc này cũng làm người ứng cử thấy bị xúc phạm, nhất là các nhân sĩ trí thức rất bất bình”, ông Nguyễn Túc nói.
95 Uỷ viên T.Ư ứng cử vào QH khoá 14
Có 95/180 Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành T.Ư Đảng, trong đó có 19 Uỷ viên Bộ Chính trị sẽ ứng cử vào QH khoá 14. Đây là thông tin được Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại hội nghị. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ ban TVQH ngày 23.2.2016 đã có văn bản phúc đáp các kiến nghị của Đoàn chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQVN. Theo đó, Uỷ ban TVQH đã tiếp thu một số nội dung như trong số lượng dân tộc các dân tộc thiểu số dự kiến được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa 14 có 2 dân tộc mới là Brâu và Chứt, đều là những dân tộc mà một số khoá QH gần đây không có đại biểu. Uỷ ban TVQH đã phân bổ khoảng 35 đại biểu là người ngoài Đảng ở địa phương. Đây là con số tối thiểu dự kiến, ngoài ra sẽ có những người ngoài Đảng tự ứng cử, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ sung ở các hội nghị hiệp thương tiếp theo.
Tại hội nghị, bà Bùi Thị Thanh, Phó chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN, trình bày báo cáo tình hình giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá 14 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư. Theo đó, tổng số đại biểu của khối cơ quan T.Ư được phân bổ ứng cử ĐBQH khoá 14 là 198 đại biểu, các cơ quan giới thiệu là 197 đại biểu. Danh sách cụ thể 197 ứng viên cũng đã được công bố, cho thấy tất cả các vị uỷ viên Bộ Chính trị đang công tác tại T.Ư đều sẽ tham gia ứng cử. Các cơ quan Đảng được phân bổ 11 đại biểu, giới thiệu 12 người, tăng 1 người. Khối cơ quan Chủ tịch nước và tư pháp giới thiệu 5 người ứng cử, trong đó có Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (được T.Ư giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch nước); bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng, ông Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao, ông Lê Minh Trí, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư…
Về phía cơ quan QH (ĐBQH chuyên trách ở T.Ư) được phân bổ 114 đại biểu, giới thiệu 113 người, trong số người ứng cử có Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân (được T.Ư giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch QH), các Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu được giới thiệu tái cử.
Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ được phân bổ 18 đại biểu nhưng chỉ giới thiệu 17 người, trong số đó có nhiều gương mặt mới được giới thiệu ứng cử hiện đang là thứ trưởng như ông Trần Tuấn Anh (Bộ Công thương), ông Nguyễn Trí Dũng (Bộ KH-ĐT), ông Trần Hồng Hà (Bộ TN-MT), ông Lê Thành Long (Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Ngọc Thiện (Bộ VH-TT-DL), ông Lê Vĩnh Tân (Bộ Nội vụ)… Ông Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng uỷ khối cơ quan T.Ư ở khối này.
Khối Công an giới thiệu 3 người gồm ông Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lê Quý Vương, thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an và ông Bùi Mậu Quân, thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Kiểm toán Nhà nước được phân bổ 1 đại biểu và giới thiệu 1 người là ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An. Hai uỷ viên Bộ Chính trị là ông Trương Hoà Bình, Chánh án TAND tối cao và Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ cũng được giới thiệu ứng cử ở khối Chính phủ. Khối Quân đội giới thiệu 15 người, trong đó có ông Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN.
Uỷ ban T.Ư MTTQ VN và các tổ chức thành viên được giới thiệu đủ 31 người trong số lượng được phân bổ. Báo cáo cho biết qua tổng hợp biên bản hội nghị cử tri nơi công tác của 197 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khoá 14, có 192 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 100%, 5 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm từ 97,6 – 99,3%.
Trưa cùng ngày, Hội nghị Hiệp thương lần 2 đã biểu quyết thống nhất thông qua danh sách 197 người được khối cơ quan, đơn vị T.Ư giới thiệu ứng cử ĐBQH khoá14. Sau hội nghị này, Uỷ ban T.Ư MTTQ VN sẽ biểu quyết, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa 14 để gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, bắt đầu tiến hành từ 20.3 – 2.4.2016, diễn ra trong vòng 21 ngày.
Hà Nội thông qua danh sách 87 ứng viên ĐBQH
Sáng qua 17.3, Uỷ ban MTTQ VN TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2, thông qua danh sách sơ bộ 87 ứng viên bầu vào QH khoá 14, trong đó có 48 người tự ứng cử.
Trong 39 ứng viên được các cơ quan, đơn vị giới thiệu có Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Công an TP Đào Thanh Hải… Danh sách 48 người tự ứng cử có nhiều gương mặt nhận được nhiều sự chú ý của dư luận thời gian qua như ông Nguyễn Quang A, chuyên gia độc lập về tin học, kinh tế, tài chính, nhà báo tự do; ông Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất chương trình An Viên – Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ xã hội từ thiện “Trò nghèo vùng cao”. Ngoài ra, ông Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Thường Tín, người từng công khai nhiều thông tin gian lận trong thi cử cũng có trong danh sách kể trên. Trong danh sách, trẻ nhất là anh Nguyễn Doãn Trung (23 tuổi), phóng viên Báo Đời sống và Pháp luật. Danh sách ghi nhận tới 7 ứng viên lao động tự do, 4 cán bộ hưu trí…
Mai Hà
Nhiều doanh nhân nổi tiếng tự ứng cử ĐBQH ở TP.HCM
Chiều 17.3, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa 14 do Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức, 65/65 (tỷ lệ 100%) đại biểu có mặt biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 90 người ứng cử ĐBQH khoá 14 ở TP.HCM. Ông Trần Tấn Ngời,  Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM, cho hay tổng cộng có 90 người ứng cử ĐBQH. Trong đó đại biểu được cơ quan, đơn vị giới thiệu ứng cử là 42 người (3 người ngoài Đảng, 8 người tái cử, doanh nghiệp nhà nước 2 người, doanh nghiệp tư nhân 4 người). Có 48 người tự ứng cử (ngoài Đảng 41 người, doanh nghiệp tư nhân có 21 người, dưới 40 tuổi có 16 người).
Trong 42 ứng viên được các cơ quan, đơn vị giới thiệu, đáng chú ý có Bí thư Thành uỷ TP Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, luật sư Trương Trọng Nghĩa… với tỷ lệ tín nhiệm 100%.
Ở danh sách tự ứng cử có những doanh nhân nổi tiếng như ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI). Ngoài công việc kinh doanh, ông Tâm còn là ĐBQH khóa 13 nhiệm kỳ 2011 – 2016; ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel; ông Lê Đình Hùng, doanh nhân và diễn viên tự do (thường gọi là Hùng Cửu Long); ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong; ông Hoàng Hữu Phước, hiện là ĐBQH khóa 13. Đây là lần thứ 2 ông Phước tự ứng cử ĐBQH.
Danh sách tự ứng cử còn có nhiều người trẻ như Võ Hoàng Duy (32 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH AMCC; Nguyễn Trường Sa (33 tuổi), tiến sĩ giáo dục và là giảng viên ĐH Công nghiệp TP.HCM; Nguyễn Văn Hùng (31 tuổi), Tổng giám đốc Công ty đầu tư xây dựng Đất Xanh…
Trong chiều 17.3, các đại biểu cũng biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 203 người ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong đó có 28 người tự ứng cử.
Trung Hiếu


Trường Sơn