26/12/2024

Lương 1,5 triệu/tháng, tuyển thanh niên làm dân phòng nổi không?

Lý giải câu chuyện “Chốt bảo vệ dân phố… im ắng” và người dân “Gặp chuyện, còn ngại gọi dân phòng” (Tuổi Trẻ ngày 14 và 15-3), những “người trong cuộc” đã nêu còn nhiều trở ngại trong hoạt động của lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố.

 

Lương 1,5 triệu/tháng, tuyển thanh niên làm dân phòng nổi không?

 

Lý giải câu chuyện “Chốt bảo vệ dân phố… im ắng” và người dân “Gặp chuyện, còn ngại gọi dân phòng” (Tuổi Trẻ ngày 14 và 15-3), những “người trong cuộc” đã nêu còn nhiều trở ngại trong hoạt động của lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố.

 

 

 

Lương 1,5 triệu/tháng, tuyển thanh niên làm dân phòng nổi không?
Bảo vệ dân phố kiểm tra an ninh tại một khu dân cư trong Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Hoài Linh

 

 

 

Ông Trần Ngọc Sang (60 tuổi, bảo vệ dân phố, chốt khu phố 4, P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Lương thấp, thanh niên không ai làm

Tôi làm bảo vệ dân phố gần 20 năm nay. Chốt dân phòng này có bốn anh em thay nhau trực và đi kiểm tra, bảo vệ an ninh khu phố, chợ, bên ngoài trường học. Đêm cứ 1-2g và 3-4g sáng lại đi kiểm tra.

Ban ngày, anh em phải tuần tra trong chợ (chốt dân phòng này gần chợ) chống trộm, cướp cho người đi chợ. Nhiều người dựng xe lơ đễnh, kẻ xấu lấy xe phóng đi. Bọn tôi bắt được nhiều vụ giao cho công an rồi.

Buổi tối, có người nhậu say xỉn bỏ xe đó, nhiều người đi làm về cũng để xe ở dưới rồi lên nhà (chung cư), mệt quá ngủ quên luôn. Tối đi tuần tra anh em thấy là dắt về bãi xe của phường, mai họ đến lấy lại xe.

Khoảng 15 năm trước, khu vực Thanh Đa này trộm cướp, bia ôm, mại dâm… ghê lắm, giờ có công an, bảo vệ dân phố, tệ nạn đỡ được 90% rồi. Bọn tôi thường phải đối mặt với tội phạm, xì ke, đua xe…

Có lần 10g đêm, đường vắng, tôi trên đường đi trực về nhà thì có hai thanh niên rượt theo xe tôi, kè sát và chỉ tay vô mặt tôi đe doạ. Tôi có roi điện và đã làm mấy chục năm nên không sợ gì, cứ tăng tốc rượt theo họ, thế là họ bỏ chạy.

Công việc cực, nguy hiểm nhưng lương rất thấp: 1,5 triệu đồng/tháng. Tôi vừa là tổ trưởng dân phố, mỗi tháng thêm 250.000 đồng và 100.000 đồng tiền trách nhiệm, tất cả được 1.850.000 đồng. Con tôi hằng tháng cho tôi thêm tiền mới sống được. Tôi không phải nuôi ai, chứ thanh niên nuôi vợ con đâu ai dám làm.

Ông Đặng Văn Thủy (trưởng ban bảo vệ dân phố P.25, Q.Bình Thạnh):

Thiếu công cụ hỗ trợ hoạt động

Đa số người làm trong lực lượng bảo vệ dân phố P.25 là đảng viên, đoàn viên hay cựu chiến binh tình nguyện tham gia, với mong muốn được góp sức vào các công tác phong trào, giữ gìn an ninh trật tự cho phố phường. Với mức phụ cấp không đáng kể (1,5 triệu đồng/tháng) như hiện nay thì tuyển người rất khó.

Tôi mong muốn ở những tổ dân phố có điều kiện thì hỗ trợ thêm cho lực lượng bảo vệ dân phố tại tổ của mình, có thể mỗi người được thêm 100.000 đồng/tháng để bồi dưỡng thêm cho anh em khi thức đêm.

Tôi cũng đề xuất trang bị cho lực lượng bảo vệ dân phố máy bộ đàm, để giúp các tổ bảo vệ dân phố, công an, UBND phường liên lạc với nhau được thông suốt.

Hoặc cấp cho các chốt trực một máy điện thoại bàn để tiện trong việc trao đổi công việc, nhận thông tin báo từ người dân… Hiện nay, mỗi tháng tôi tốn 300.000 – 400.000 tiền điện thoại liên lạc với sáu tổ bảo vệ dân phố ở các khu phố.

Ngoài ra do tình hình an ninh trật tự hiện nay khá phức tạp, nhiều đối tượng khá manh động, để hỗ trợ cho bảo vệ dân phố trong công tác tuần tra giữ gìn an ninh trật tự… thì cần được cấp các công cụ hỗ trợ như roi điện… Hiện nay lực lượng này chỉ có gậy cao su, gậy tầm vông, nhiều lúc không thể khống chế khi đối tượng quá manh động có hung khí.

Bà Trịnh Thị Thuỷ (chủ tịch UBND P.5, Q.Phú Nhuận):

Có biên chế, vẫn không tuyển đủ người

Do biên chế của lực lượng Công an P.5 không thể tăng, UBND P.5 đã tuyển 17 người làm bảo vệ dân phố để hỗ trợ cho lực lượng công an trong công tác tuần tra kiểm soát, đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Nhờ có thêm lực lượng bảo vệ dân phố nên tình hình phạm pháp ở P.5 được hạn chế, an ninh đảm bảo hơn.

Hiện nay P.5 được biên chế số lượng bảo vệ dân phố tới 21 người, tuy nhiên phường chỉ mới tuyển được 17 người. Việc tuyển người gặp khó khăn là do mức hỗ trợ cho lực lượng này còn khá thấp (1,5 triệu đồng/người/tháng).

Phường chỉ tuyển được các chú, bác đã lớn tuổi, còn thanh niên chỉ làm vài tháng đã xin nghỉ vì lương không đảm bảo cho cuộc sống. Hiện lực lượng bảo vệ dân phố của phường có nhiều chú trên 60 tuổi, nhưng phải đi tuần tra cả ngày và đêm nên đôi khi sức khoẻ không tốt để đảm bảo công việc.

Do lực lượng bảo vệ dân phố phải đi tuần tra cả ban đêm và ban ngày, vì vậy cũng có khi chốt không có người trực. Hiện nay điều kiện cơ sở vật chất tại các chốt trực chưa được trang bị nhiều, chật chội, nóng bức hay nhiều chốt không có nhà vệ sinh…, do đó buộc các bảo vệ dân phố ngồi đó cả ngày thì cũng không thể.

Lương 1,5 triệu/tháng, tuyển thanh niên làm dân phòng nổi không?
Khảo sát 100 người

Sẽ quan tâm công tác quản lý, huấn luyện

Trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong thực tế nhiều năm qua, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố đã có những đóng góp rất tích cực trong công tác phòng chống tội phạm.

Theo ông Phong, lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố đã khẳng định, thể hiện vai trò của mình. Về việc tổ chức quản lý, huấn luyện lực lượng này sao cho có hiệu quả hơn, Công an TP rất quan tâm động viên sự tình nguyện của nhân dân tham gia.

Điều này thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP nói riêng và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân cả nước nói chung.

Công an TP cũng chú ý đến công tác huấn luyện, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng lực lượng này một cách có hiệu quả hơn trong hoạt động thực tế ở địa phương.

S.BÌNH

ĐỨC THANH – MINH PHƯỢNG