Chọn ngành học để phát triển địa phương
Phần lớn những thắc mắc của học sinh TP.Phan Thiết (Bình Thuận) trong buổi Tư vấn mùa thi sáng hôm qua (13.3) tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề là thế mạnh của địa phương với mong muốn sau này học xong phục vụ quê nhà.
Chọn ngành học để phát triển địa phương
Phần lớn những thắc mắc của học sinh TP.Phan Thiết (Bình Thuận) trong buổi Tư vấn mùa thi sáng hôm qua (13.3) tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề là thế mạnh của địa phương với mong muốn sau này học xong phục vụ quê nhà.
|
Nhiều HS quan tâm thắc mắc về những ngành nghề mang tính đặc thù của Bình Thuận. Nguyễn Thu Hương, HS Trường THPT Phan Bội Châu, trăn trở: “Nhà em trồng rất nhiều thanh long, nhưng hiện nay có một loại bệnh là đốm nâu trên trái thanh long không thể chữa được. Xin thầy cô cho biết em phải học ngành gì để ra trường có thể nghiên cứu, chữa các loại bệnh trên cây thanh long, giúp gia đình và bà con quê em phát triển kinh tế?”.
Vũ Thị Thùy Chi, HS Trường THPT Phan Chu Trinh, đặt câu hỏi: “Ngành kinh doanh quốc tế và kinh tế đối ngoại có khác nhau không? Cơ hội việc làm 2 ngành này ra sao?”. Tiến sĩ Trần Thanh Long, đại diện Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, phân tích: “Hiện nay có nhiều trường ĐH đào tạo những ngành này như Kinh tế TP.HCM, Kinh tế – Luật, Ngân hàng, Tài chính – Marketing, Hoa Sen… Với ngành kinh tế đối ngoại, chương trình đào tạo về hệ thống, nguyên lý vận hành kinh tế thế giới, kinh tế quốc tế, chính sách, tổ chức hoạt động các ngành kinh tế quốc gia, thiên về phân tích tư vấn. Các em có thể làm tại Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Công thương, các trung tâm xúc tiến hoặc trở thành chuyên gia tư vấn của doanh nghiệp, đơn vị phân tích chiến lược kinh doanh. Về ngành kinh doanh quốc tế, các em được cung cấp kiến thức về kinh doanh trong môi trường quốc tế, làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài”.
Ôn tập cân đối các môn
Nhiều HS lo lắng khi thời gian từ nay đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chỉ còn hơn 3 tháng, không biết ôn thi thế nào cho hiệu quả. Trả lời những băn khoăn này, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ: “Trước hết, các em cần hệ thống lại toàn bộ kiến thức cơ bản để có cái nhìn tổng quát mình cần học những phần nào. Sau đó mới đi vào chi tiết của từng phần, triển khai thành các bài tập. Nên tham khảo cấu trúc đề thi các môn năm trước, đồng thời bám sát định hướng chi tiết của thầy cô đang trực tiếp giảng dạy các em để ôn tập theo hướng đó”. Thạc sĩ Vũ lưu ý thêm, HS cần cân đối thời gian cho từng môn thi, không dồn thời gian và công sức cho riêng môn nào. Lý do vì chỉ cần một môn bị điểm liệt (1 điểm) là thí sinh không thể tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc không thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.
|
Mỹ Quyên