Tỉ phú cá chép giòn miền tây
Khi nghề nuôi cá tra không còn nắm giữ vị trí độc tôn vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định thì một số nông dân chọn hướng đi mới nhằm giải quyết khó khăn, đa dạng nguồn thuỷ sản cung ứng cho thị trường.
Tỉ phú cá chép giòn miền tây
Khi nghề nuôi cá tra không còn nắm giữ vị trí độc tôn vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định thì một số nông dân chọn hướng đi mới nhằm giải quyết khó khăn, đa dạng nguồn thuỷ sản cung ứng cho thị trường.
Tiên phong trong mô hình nuôi cá chép giòn đặc sản phục vụ thực khách tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn đã giúp ông Lê Văn Dũng ngụ ấp Phú Thạnh A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thu về cho mình khoảng 3 tỉ đồng mỗi năm.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thuỷ sản, ông Dũng luôn năng động, chịu khó trong việc tìm tòi, phát hiện và nuôi thử nghiệm các loại cá mới như cá chép giòn, cá chấm giòn, cá nheo, cá lăng nha, cá điêu hồng, cá chiên..
Ông Dũng cho biết khi phong trào nuôi cá tra phát triển gần đến đỉnh điểm, dự báo được tình hình sẽ gặp khó khăn vì cung vượt cầu nên ông chủ động tìm đối tượng nuôi mới là cá điêu hồng. Lúc này, giống cá điêu hồng được nhập từ Đài Loan, sau 4 – 5 tháng nuôi là cho thu hoạch. Cá thương phẩm lúc mới xuất hiện trên thị trường, được các nhà hàng, quán ăn đặc sản ở TP.HCM ưa chuộng nên giá khá cao. Sau đó, ông Dũng tiếp tục thả nuôi nhiều loại đối tượng thuỷ sản khác nhau như cá bống tượng, cá lăng nha, thác lác cườm, trạch lấu…
“Thị trường trong nước rất tiềm năng và đặc biệt cần phải nắm bắt được thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng nên việc thay đổi các loại cá đặc sản đã giúp chú nhanh chóng thành công”, ông Dũng chia sẻ.
Năm 2012 trong một lần tình cờ đi học hỏi kinh nghiệm và tìm nguồn cá mới tại tỉnh Hải Dương, ông Dũng đã tìm đến cá chép giòn. Đây là một loại cá theo ông đánh giá sẽ rất tiềm năng tại miền Nam vì thời tiết thuận lợi, giá lại cao nên ông đã thả nuôi thử nghiệm 5.000 con giống.
Cá chép giòn có thời gian sinh trưởng khoảng 8 tháng. Giai đoạn 5 tháng đầu, cá được cho ăn bằng các loại thức ăn công nghiệp. Sau 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con sẽ bắt đầu cho ăn đậu tằm đến khi thu hoạch. Đậu tằm là loại giàu chất đạm, giàu tinh bột và ít chất béo nên sẽ giúp thịt cá dai và có độ giòn, ăn rất ngon.
Ông Dũng cho biết thêm: “Cá chép giòn có nhiều ưu điểm như dễ nuôi, so với các loại cá khác ít dịch bệnh hơn và đặc biệt sức tăng trưởng nhanh, hiệu quả tốt, giá thành cao nên thu lợi nhuận khá”.
Theo thống kê bình quân mỗi tháng gia đình ông Dũng xuất bán ra thị trường trên 5 tấn cá chép giòn nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Hiện tại ông đang sở hữu 15 bè cá. Mỗi năm có thể xuất hơn 60 tấn cá chép giòn cho các thị trường như TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai….
Ông Lâm Hoàng Anh, thương lái tại Cần Thơ cho biết: “Hiện tại công ty thu mua cá chép giòn sau đó về nhập cho các nhà hàng ở Cần Thơ. Cá chép giòn hiện đang được du khách tại các nhà hàng ưu chuộng vì chất lượng cá sạch, thịt thơm ngon giá từ 400 – 500 ngàn đồng/kg sau khi chế biến thành món ăn”.
So với cá tra, điêu hồng, cá rô phi thương phẩm thì nuôi cá chép giòn phục vụ thị trường nội địa ở nhà hàng, khách sạn lớn thì hiệu quả rất cao. Trong khi cá tra hiện có giá bán từ 27 – 30 ngàn đồng/kg, cá điêu hồng từ 32 – 35 ngàn đồng/kg… thì cá chép giòn được thương lái xuống tận vùng nuôi thu mua với giá từ 180 – 200 ngàn đồng/kg, cao gấp nhiều lần.
Ông Dũng cho biết sau khi trừ các khoản chi phí về giống, thức ăn, khâu chăm sóc và một số chi phí khác thì mỗi ký cá có thể thu lợi nhuận từ 50 – 60 ngàn đồng. Mỗi năm ông có thể thu lợi nhuận từ 2,5 – 3 tỉ đồng từ nguồn thu cá chép giòn.
Thời gian tới ông Dũng cho biết sẽ tiếp tục nhân nuôi cá chép giòn giống với hơn 100 cặp con giống giá từ 3 – 5 triệu đồng/con (kích cỡ từ 6 – 10 kg/con) để tiếp tục mở rộng mô hình, chuyển giao kỹ thuật để nông dân có thể làm giàu, phát triển kinh tế.