02/11/2024

Tiếp dân qua Facebook: Cần thực lòng chứ đừng “làm chơi ăn thật”

Bên cạnh mô hình tiếp dân trực tiếp, qua trang web, điện thoại…, thời gian qua rất nhiều lãnh đạo và cơ quan nhà nước lập tài khoản trên mạng xã hội Facebook để xử lý các thông tin phản ảnh của người dân.

 

Tiếp dân qua Facebook: Cần thực lòng chứ đừng “làm chơi ăn thật”

 

 

Bên cạnh mô hình tiếp dân trực tiếp, qua trang web, điện thoại…, thời gian qua rất nhiều lãnh đạo và cơ quan nhà nước lập tài khoản trên mạng xã hội Facebook để xử lý các thông tin phản ảnh của người dân. 

 

 

 

 

Tiếp dân qua Facebook: Cần thực lòng chứ đừng "làm chơi ăn thật"
Ông Nguyễn Văn Duy – phó phòng quản lý đô thị Văn phòng UBND TP Đà Nẵng; bà Đoàn Thị Kim Thanh – phó chánh thanh tra Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cùng một chuyên viên theo dõi trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng” để nắm bắt kịp thời những phản ảnh của người dân – Ảnh: Trường Trung

Đây là một kênh giao tiếp mới của cơ quan công quyền và người dân, đang được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, làm gì để kênh tiếp nhận thông tin này hoạt động hiệu quả cho cả hai phía?

Tuổi Trẻ ghi nhận các gợi ý sau và mong bạn đọc cùng tham gia ý kiến với diễn đàn này.

Tiếp dân qua Facebook: Cần thực lòng chứ đừng "làm chơi ăn thật"
Ảnh: Việt Dũng

* Ông Nguyễn Sỹ Cương (ủy viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội):

Vấn đề là hiệu quả thế nào

Điều tôi muốn nói ở đây là trong thế giới phẳng, mạng xã hội là một kênh rất quan trọng cần được khai thác, nhưng vấn đề cuối cùng là hiệu quả mà nó mang lại.

Chúng ta từng chứng kiến những kênh thông tin khác như đường dây nóng (điện thoại), email (thư điện tử) từng được không ít cơ quan nhà nước, không ít lãnh đạo công bố nhưng hiệu quả đến đâu cũng thật khó nói.

Tôi cho rằng bên cạnh một số đường dây nóng hoạt động hiệu quả, là kênh thông tin hữu ích để người lãnh đạo, cơ quan nhà nước tiếp nhận phản ảnh, ý kiến của người dân nhằm thúc đẩy hoàn thiện chính sách, giải quyết công việc thì có những đường dây nóng đã nguội lạnh vì người dân không thiết tha gọi đến đó nữa.

Lý do có thể là ý kiến của họ không được phản hồi, kiến nghị của họ không được giải quyết nên họ cũng không thiết tha gì với kênh liên lạc đó nữa.

Theo tôi, để kênh giao tiếp qua mạng xã hội được hiệu quả thì phải có thiện chí từ hai bên. Cơ quan nhà nước hoặc lãnh đạo muốn dùng kênh đó giao tiếp với dân thì trước hết phải chân thành, cầu thị. Những ý kiến của người dân gửi đến có thể bao gồm ý kiến khen, ý kiến đóng góp, phản ảnh, nhưng cũng có ý kiến chê, bày tỏ thái độ, thậm chí bức xúc, giận dữ.

Hơn nữa, khi người dân bày tỏ một điều gì đó thì người ta luôn chờ đợi sự phản hồi từ phía cơ quan nhà nước hoặc từ phía người lãnh đạo, nếu người ta cứ nêu ý kiến mà không nhận được phản hồi thì khác nào súng bắn lên trời, người ta sẽ nhanh chán.

Về phía người đóng góp ý kiến thì sự giao tiếp tuy là trên mạng xã hội có tính chất “ảo”, người tham gia có thể giấu mặt nhưng rất cần có văn hoá, tôn trọng lẫn nhau.

Nếu mình giao tiếp với cơ quan nhà nước, giao tiếp với lãnh đạo bằng sự thiếu tôn trọng, thậm chí xúc phạm, chửi bới… thì thông điệp truyền đi sẽ không có hiệu quả, không mang lại tác dụng gì ngoài sự bực tức cho đôi bên.

Tiếp dân qua Facebook: Cần thực lòng chứ đừng "làm chơi ăn thật"
Ảnh: NVCC

* Ông Nguyễn Thiện (chuyên gia truyền thông):

Phải bắt đầu từ sự cầu thị, muốn lắng nghe

Để Facebook của cơ quan công quyền thật sự hiệu quả, là địa chỉ đáng tin cậy, theo tôi, cần các yếu tố sau:

– Trước hết, việc lập trang Facebook phải xuất phát từ tấm lòng cầu thị, khao khát lắng nghe những phản ảnh về lĩnh vực công việc của mình, thật sự muốn tận dụng một công cụ hiện đại để không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình, chứ không phải lập Facebook theo yêu cầu của cấp trên hay theo thời thượng. Đây là điều có tính quyết định.

– Điều hành Facebook của cơ quan nhà nước phải trên tinh thần doanh nghiệp đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường: các phản ảnh của người dân và doanh nghiệp phải được phản hồi càng nhanh càng tốt, phải nói rõ thời hạn giải quyết khi vấn đề được nêu là cụ thể, có ảnh, quay phim.

Việc trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng” (hoạt động với mô hình nhóm công khai trên Facebook) xử lý chuyện dây cáp viễn thông bị sà thấp xuống đường, gây nguy hiểm cho người đi đường mà người dân phản ảnh trong vòng chưa đến hai giờ (từ 12g20 ngày 24-2 đến 14g cùng ngày) là điều đáng học tập.

Cần lưu ý nếu người dân phản ảnh mà không có phản hồi (hay chậm phản hồi) thì dân sẽ có tâm lý nguội lạnh, mất lòng tin, không muốn nói nữa.

– Quá trình xử lý cần cập nhật thông tin cho công chúng biết.

Tiếp dân qua Facebook: Cần thực lòng chứ đừng "làm chơi ăn thật"
Ảnh: Tr.Trung

* Ông Trần Chí Cường (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, một trong 11 admin của trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng”):

Nên đầu tư nghiêm túc hơn là “làm chơi ăn thật”

Dù trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng” đã giúp anh em nắm được những tồn tại và phần nào thăm dò được mức độ hài lòng đối với ngành, tuy nhiên phải thừa nhận đây chỉ mới là cách “làm chơi ăn thật” của anh em công chức như chúng tôi.

Bởi hiện nay anh em làm hoàn toàn vì lòng nhiệt thành, tự nguyện chứ chưa có ràng buộc trách nhiệm. Riêng với những đóng góp tích cực thời gian qua, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận lại và xây dựng kênh thông tin này nghiêm túc, chuyên nghiệp để giải quyết những tồn tại trong xã hội, biến nó thành “tai mắt” của chính quyền.

Hiện nay, tôi thấy những trang điện tử của chính quyền dù có giao diện đẹp nhưng hơi cứng nhắc và lại không phải là kênh giao tiếp “cùng hệ” với đa số công dân, nên nhiều khi họ chưa mặn mà trong việc phản ảnh, đóng góp.

Tiếp dân qua Facebook: Cần thực lòng chứ đừng "làm chơi ăn thật"
Ảnh: NVCC

* Ông Calvin Tran (thành viên Việt kiều của trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng”):

Biến thành công cụ gần dân

Ngay khi trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng” ra đời, tôi là một trong những thành viên tham gia đóng góp ý kiến rất sớm. Trong thời đại số, mạng cũng là xã hội. Do vậy chính quyền phải xem đây là công cụ giao tiếp nghiêm túc với người dân, nếu không tận dụng công cụ này thì coi như chính quyền chúng ta thua thiệt, đi sau xã hội.

Chính quyền phải xem mạng xã hội là công cụ, biến nó thành phương tiện để gần dân hơn bởi lâu nay chúng ta quá cứng nhắc, hành chính và ít thông tin đa chiều.

Tuy nhiên, khi một trang mạng xã hội do chính quyền lập ra với số lượng thành viên càng lớn thì càng phải cân nhắc nhiều yếu tố.

nhất, phải xem xét đầu tư nghiêm túc về nhân lực để việc tiếp nhận và phản hồi thông tin nhanh gọn, thông suốt. Khi yêu cầu của người dân càng cao thì việc giải đáp cũng cần đến từ những người có trách nhiệm.

Thứ hai, phải xây dựng một cộng đồng văn hoá trong ứng xử và phản ảnh, đóng góp để loại bỏ tư tưởng “thế giới ảo” bởi làm việc với chính quyền thì không nên như thế. Khi làm được hai điều trên, chúng ta nên xem mỗi ý kiến đóng góp là một tấm lòng với thành phố, chắc chắn nó mang lại nhiều hữu ích trong việc xây dựng thành phố văn minh.

L.KIÊN – TR.TRUNG ghi ([email protected])