26/12/2024

HS phạm Luật Giao thông: Cần tăng cường giáo dục

Đã có thêm nhiều ý kiến bàn luận xung quanh mức chế tài học sinh vi phạm Luật giao thông do Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ban hành (Tuổi Trẻ ngày 9 và 10-3).

 HỌC SINH VI PHẠM LUẬT GIAO THÔNG:

HS phạm Luật Giao thông: Cần tăng cường giáo dục

 

 

Đã có thêm nhiều ý kiến bàn luận xung quanh mức chế tài học sinh vi phạm Luật giao thông do Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ban hành (Tuổi Trẻ ngày 9 và 10-3). 

 

 

 

 

 

HS phạm Luật Giao thông: Cần tăng cường giáo dục
Công an Q.9, TP.HCM tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho học sinh Trường THCS Hoa Lư – Ảnh: Nghĩa Hưng

​Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến theo hướng cần có thêm những tác động tuyên truyền, giáo dục để học sinh hiểu và chấp hành luật.

Tác động nhiều hơn đến phụ huynh

Với góc nhìn của một phụ huynh, một người thầy, đồng thời là một trợ lý thanh niên (bí thư Đoàn trường), tôi rất tán thành kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành về tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 – 2020 và tôi nghĩ nên áp dụng rộng rãi cho các tỉnh thành khác.

Trên thực tế, hình ảnh học sinh vi phạm Luật giao thông rất phổ biến và phổ biến nhất là học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy.

Ở góc độ người thầy và một trợ lý thanh niên, tôi thấy nhà trường và tổ chức Đoàn thường nhắc nhở học sinh thực hiện đúng Luật giao thông, phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe máy, bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu có học sinh vi phạm, nhà trường sẽ nhắc nhở, phê bình và giáo dục để học sinh nhận thức, khắc phục.

Thế nhưng nhiều học sinh vẫn vi phạm. Ở góc độ gia đình, tôi nhận thấy các vi phạm này đa số bắt nguồn từ gia đình. Ý thức làm gương của cha mẹ rất quan trọng. Nhiều phụ huynh đưa đón con, bản thân họ cũng không đội mũ bảo hiểm thì nói gì đến chuyện đội mũ cho con.

Tôi cho rằng mức chế tài trả về gia đình, buộc thôi học có thời hạn với học sinh vi phạm Luật giao thông chắc chắn sẽ là sự cảnh tỉnh đến cha mẹ để quan tâm chấn chỉnh hành vi vi phạm của bản thân và con mình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cần tác động nhiều hơn đến phụ huynh để tăng cường ý thức hiểu và chấp hành luật của họ thì mới căn cơ.

Tuyên truyền tốt sẽ hạn chế vi phạm

Tôi cho rằng ba mức chế tài vi phạm Luật giao thông do Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành là hợp lý và cần thiết trong bối cảnh chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp “mềm” mà chưa mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp chế tài cần phải tăng cường giáo dục cho các em hiểu luật và có ý thức chấp hành luật.

Ở TP.HCM và Đà Nẵng, tôi thấy trong tiết chào cờ vào thứ hai hằng tuần thường có cảnh sát giao thông đến trường học nói chuyện, phổ biến những nội dung liên quan đến an toàn giao thông. Các sĩ quan công an không đọc theo bộ luật một cách khô khan, mà chọn lọc giới thiệu một số hành vi chưa đúng luật khi tham gia giao thông ở lứa tuổi học sinh, minh hoạ bằng hình ảnh trực quan, sinh động.

Gây ấn tượng mạnh nhất với các em là cảnh chụp những vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ sự bất cẩn của học sinh khi ra đường, bên cạnh đó là các tình huống dễ xảy ra nguy hiểm cho chính các em nếu không tuân thủ luật.

Mỗi tiết học này không quá 30 phút nhưng “mưa dầm thấm lâu”, việc duy trì đã mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh và phụ huynh.

Bên cạnh đó, các trường học cũng nên tận dụng mạng xã hội để góp phần tuyên truyền luật, như mở Facebook “An toàn giao thông” cho thầy cô và học sinh cùng tham gia.

Trên đó, không nêu đích danh cũng như đưa hình ảnh những em vi phạm Luật giao thông, chỉ cần nêu các thói quen vi phạm luật thường gặp, kêu gọi bình luận góp ý nhẹ nhàng để giúp những trường hợp phạm luật sửa chữa. Như vậy, nhà trường vừa kiểm soát được ý kiến của các em, lại vừa tranh thủ giáo dục học trò về văn hóa giao thông.

* PGS.TS Trịnh Hoà Bình (giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội – Viện Xã hội học):

Tăng giáo dục để thay đổi

Có thể những vấn đề về an toàn giao thông, về trật tự xã hội ở Hà Nội đã quá bức xúc, quá đặc thù, nên trong khuôn khổ hợp tác giữa ngành giao thông và ngành giáo dục – đào tạo đã đi đến những giải pháp cứng rắn, quyết liệt. Những cái được ở đây là cho thấy ý chí của giới chức có trách nhiệm, bao gồm quản lý nhà nước về an toàn giao thông và lãnh đạo ngành giáo dục địa phương.

Tiếp nữa, người ta đã tìm ra mối liên hệ giữa ý thức chấp hành giao thông như một thứ văn hóa giao thông với ý thức giữ gìn kỷ cương kỷ luật, bảo đảm cho được bộ máy vận hành trong khuôn khổ cùng tiến đến một đô thị văn minh. Tức là đặt vấn đề con người ra một cách rất quyết liệt thông qua học sinh đến với các bậc cha mẹ. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng tính khả thi của những quy định này sẽ yếu. Trước hết, quy định này chỉ là những hình phạt có tính chất chuyên ngành trong nhà trường dành cho một phần việc liên quan đến cộng đồng xã hội nhiều hơn là liên quan đến chuyên môn thuần túy.

Bên cạnh đó, hành vi vi phạm nhiều lần cũng phản ánh đạo đức, nhưng khi gắn với hình thức phạt cao như vậy, hơn nữa là rất khó kiểm chứng cụ thể là vi phạm lần thứ bao nhiêu, thì trong quá trình vận hành sẽ khó thực hiện. Mặt khác, có thể ngay trong cấp thừa hành người ta cũng không giải quyết rốt ráo hình thức kỷ luật. 

Việc vi phạm Luật giao thông ở học sinh, theo tôi, liên quan đến truyền thông để thay đổi hành vi cho bền vững, nên thực hiện theo chuyên đề, phong trào và chỉ nhắc nhở, uốn nắn trước phạm vi toàn trường.

Nếu áp dụng những hình phạt như ghi vào học bạ, buộc thôi học thì các em sẽ bị tì vết, tổn thương không đáng có bởi những vi phạm có thể do vô thức chứ không hoàn toàn là vi phạm mang tính chất phá bỏ trật tự xã hội.

XUÂN LONG ghi

THÁI HOÀNG – HỮU CHƠN