26/12/2024

Đấu thầu thuốc: Muốn rẻ có rẻ, muốn đắt có đắt

Đầu thầu tập trung đem lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đi đấu thầu. DN tự giảm giá bán, chủ động được sản xuất, cung ứng thuốc.Tuy nhiên, đấu thầu trong lĩnh vực y tế thời gian qua ra sao?

 

Đấu thầu thuốc: Muốn rẻ có rẻ, muốn đắt có đắt

 

 

Đầu thầu tập trung đem lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đi đấu thầu. DN tự giảm giá bán, chủ động được sản xuất, cung ứng thuốc.Tuy nhiên, đấu thầu trong lĩnh vực y tế thời gian qua ra sao?

 

 

 

 

Đấu thầu thuốc: Muốn rẻ có rẻ, muốn đắt có đắt
Người dân mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

 

Uỷ viên Bộ Chính trị, 
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng vừa có chỉ đạo chậm nhất trong tháng 4-2016 phải trả lại quyền tự chủ cho các bệnh viện khi đấu thầu thuốc và thiết bị y tế.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ về đấu thầu trong lĩnh vực y tế thời gian qua cho thấy vấn đề đấu thầu thuốc và thiết bị y tế khá phức tạp. Đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, muốn giá nào cũng có.

Theo giám đốc một công ty dược, nếu làm đúng, đấu thầu thuốc tập trung sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên.

Tuy nhiên, dù đấu thầu theo hình thức nào thì quan trọng nhất vẫn là con người nên mới có chuyện “giá thuốc trúng thầu muốn rẻ có rẻ, muốn đắt có đắt”.

Hai năm không mua được trang thiết bị nào

Vị giám đốc này ủng hộ đấu thầu tập trung vì đem lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đi đấu thầu: hồ sơ đấu thầu chỉ gửi một chỗ giúp giảm thời gian, giảm chi phí so với đấu thầu riêng lẻ vì không phải chạy nhiều bệnh viện, nộp nhiều bộ hồ sơ, doanh nghiệp tự giảm giá bán (và người bệnh cũng có lợi) do bán được thuốc số lượng lớn, chủ động được sản xuất và cung ứng thuốc.

“Nói thật lòng, đấu thầu riêng lẻ ở bệnh viện chúng tôi thấy thoải mái hơn, có lợi về mặt kinh doanh hơn. Tuy nhiên, dù đấu thầu kiểu nào mà người thực hiện không có tâm thì cũng sẽ xảy ra hai chuyện: một là thuốc trúng thầu kém chất lượng, hai là giá cả có vấn đề” – giám đốc này nói.

Vị giám đốc này cũng xác nhận giá thuốc ở bệnh viện tư rẻ hơn bệnh viện công là đúng vì bệnh viện tư thường dựa trên giá thuốc trúng thầu của bệnh viện công để tự đi thương lượng giá trực tiếp với các công ty dược và họ cũng không đòi hỏi chung chi phần trăm nên có thể giá mua được còn thấp hơn giá trúng thầu.

Về phía công ty dược, trừ khi sản xuất không đủ cung ứng theo kết quả trúng thầu, cũng sẵn sàng giảm giá thêm cho bệnh viện tư vì công ty dược nào cũng muốn bán được hàng nhiều nhất.

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, cho rằng đấu thầu tập trung hay đấu thầu riêng lẻ tại các bệnh viện đều có cái hay, cái dở.

Đấu thầu tập trung có cái lợi là mua được một lượng hàng lớn với giá ưu đãi hơn, chế độ hậu mãi cũng tốt hơn nhưng với điều kiện phải có lực mới làm được.

Hơn hai năm nay, Bệnh viện Hùng Vương chờ trang thiết bị nhưng đến nay vẫn chưa mua được trang thiết bị nào.

Bệnh viện hiện thiếu rất nhiều trang thiết bị, trong đó máy siêu âm đang thiếu trầm trọng, nên hiện mỗi ngày một máy siêu âm phải siêu âm cho cả trăm người bệnh.

Máy xuống cấp, bác sĩ làm việc trong tâm trạng lo sợ, máy siêu âm mờ, nếu đọc không ra, bệnh nhân quay lại kiện bác sĩ.

Nơi muốn tập trung, 
nơi không

Một bác sĩ nguyên giám đốc một bệnh viện tư nhân lớn tại TP.HCM cho biết đấu thầu tập trung giải quyết được vấn đề tiêu cực tại các bệnh viện, nhưng cũng có cái dở là Trung tâm mua sắm hàng hoá và tài sản công không nắm thực tế được, đấu thầu xong “bắt ép” các bệnh viện chấp nhận.

Theo bác sĩ này, nên tổ chức đấu thầu tại bệnh viện như trước đây vì khi tổ chức đấu thầu, bệnh viện sẽ biết mặt bệnh gì nhiều và cần thuốc gì. Sau khi các bệnh viện đấu thầu vẫn phải báo cáo lên Sở Y tế.

Từ trước đến nay, các bệnh viện không được quyền tự đấu thầu thuốc, tất cả đều phải áp thầu từ các bệnh viện công với sự đồng ý của Sở Y tế.

Bác sĩ giám đốc này cho rằng nếu bệnh viện tư được tự đấu thầu sẽ thuận lợi trong khám chữa bệnh cho người bệnh, có điều kiện chọn nhiều loại thuốc tốt.

Trong khi đó, ông Cù Tiến Dũng, giám đốc Bệnh viện H.Củ Chi, cho biết bệnh viện này không đủ lực để tổ chức tự đấu thầu, hiện nay cả bệnh viện mới có 14 bác sĩ.

Ông cho rằng nếu mỗi bệnh viện tự tổ chức đấu thầu giá sẽ khác nhau, dẫn đến khó khăn trong thanh toán với bảo hiểm. Ông Dũng nói chỉ muốn được đấu thầu tập trung nhưng với tốc độ nhanh hơn.

Mới đây, Sở Y tế đã có cuộc họp với các bệnh viện để xin ý kiến các bệnh viện về việc nên đấu thầu tập trung hay riêng. Bệnh viện Hùng Vương đã xin tự tổ chức đấu thầu các trang thiết bị, vật tư tiêu hao, còn thuốc vẫn tham gia đấu thầu tập trung tại sở.

Trong khi đó, giám đốc Bệnh viện Q.Bình Thạnh Phạm Bảo Lâm cho rằng cách làm hay nhất là nên đấu thầu tập trung toàn quốc những thuốc phổ biến, số lượng lớn như dự kiến của Bộ Y tế. Sau đó các bệnh viện sẽ chủ động mua sắm thuốc, hoá chất, trang thiết bị… từ kết quả đấu thầu tập trung toàn quốc.

Đấu thầu thuốc: Muốn rẻ có rẻ, muốn đắt có đắt
Đồ hoạ: Vĩ Cường

Cơ quan bảo hiểm: 
nên tập trung

Trong khi đó, một lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội TP.HCM nói Luật đấu thầu quy định các loại hàng hoá sử dụng từ nguồn ngân sách, từ bảo hiểm y tế (BHYT) phải thông qua đấu thầu.

Sau hai năm đấu thầu thuốc tập trung cũng đem lại kết quả khả quan, được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN công nhận là giá thuốc sau khi đấu thầu tập trung tốt hơn (giá thuốc phù hợp với chất lượng) so với khi đấu thầu riêng lẻ.

Tuy nhiên, “một số cơ sở y tế tư nhân than phiền với chúng tôi là không mua được thuốc với giá thầu của Sở Y tế vì nhiều công ty dược nói chỉ có trách nhiệm cung ứng thuốc cho Sở Y tế với giá đó chứ không cung ứng cho bệnh viện tư với giá trúng thầu. Nhiều bệnh viện tư còn đề nghị chúng tôi yêu cầu các công ty dược cung ứng thuốc cho họ với giá thầu của Sở Y tế” – lãnh đạo này nói.

Quan điểm của Bảo hiểm xã hội TP.HCM là nên đấu thầu thuốc tập trung vì đấu thầu riêng lẻ sẽ dẫn đến chuyện mỗi bệnh viện một giá thuốc và không thể thống nhất giá thuốc trên cùng một địa bàn.

Việc đấu thầu riêng lẻ trước đây có bất cập là cùng một mặt hàng thuốc, cùng hàm lượng, quy cách do một công ty sản xuất nhưng trúng thầu 3-4 giá khác nhau, thậm chí 7-8 giá khác nhau nên rất khó cho BHYT thanh toán và người bệnh không chấp nhận, thắc mắc thuốc bệnh viện này rẻ, bệnh viện kia đắt.

Chưa kể đấu thầu riêng lẻ mỗi bệnh viện là một hội đồng đấu thầu, Bảo hiểm xã hội TP.HCM không có người để tham gia hàng trăm hội đồng đấu thầu thuốc.

Giao quyền tự chủ cho bệnh viện

Tại hội nghị phối hợp công tác giữa Bộ Y tế và TP.HCM ngày 6-3, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đề nghị các bệnh viện cho ý kiến về việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị tập trung ở Sở Y tế hay ở các bệnh viện thì người bệnh được lợi.

Ông Đinh La Thăng cho rằng phải giao quyền tự chủ cho các bệnh viện, các bệnh viện phải là nơi chịu trách nhiệm, nếu đấu thầu sai bệnh nhân kêu ca gì thì giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm. Bệnh viện nào tự chủ nên cho toàn quyền đấu thầu cả thuốc lẫn trang thiết bị.

Đã đấu thầu thuốc hơn 7.700 tỉ đồng

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, năm 2015 sở đã tổ chức đấu thầu và công bố kết quả thầu với gói biệt dược 504 mặt hàng trị giá hơn 3.722 tỉ đồng, gói thuốc generic 1.959 mặt hàng với giá trị hơn 4.019 tỉ đồng. Ngoài ra, sở còn đang tổ chức đấu thầu chín gói vật tư với 4.195 mặt hàng, giá trị hơn 2.813 tỉ đồng.

Bộ Y tế tổ chức cả đấu thầu thuốc quốc gia và đàm phán giá thuốc?

Đây là trả lời của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ngày 10-3. Theo đó, dự kiến năm 2016 sẽ tiến hành đấu thầu tập trung (đấu thầu quốc gia) đối với các thuốc thuộc 5 nhóm hoạt chất điều trị ung thư, có nhiều mặt hàng và đảm bảo cạnh tranh, gồm Docetaxel 80mg, Oxaliplatin 100mg, Paclitaxel 100mg, Capecitabin 100mg và Anastrozol 1mg. Bên cạnh đó là một số thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường và những năm tiếp theo có thể mở rộng với các loại thuốc cùng tiêu chí.

Cục Quản lý dược cho biết còn có danh mục đấu thầu tập trung tại địa phương với 106 loại thuốc. Các thuốc đang còn thời gian bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ, độc quyền chỉ có 1 hoặc tối đa là 2 thuốc trên thị trường, giá cao sẽ đưa vào nhóm đàm phán giá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về đấu thầu thuốc ở Hà Nội cho biết Hà Nội cũng đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung từ năm 2015.

Mặc dù có ưu điểm là mua được thuốc giá thống nhất giữa các bệnh viện trên địa bàn, nhưng cái khó đối với đấu thầu tập trung là số lượng quá lớn cho từng nhà cung cấp riêng lẻ, khiến có trường hợp trúng thầu nhưng không đủ thuốc cho điều trị.

“Các bệnh viện đều dùng loại thuốc ấy mà một công ty sản xuất thì không thể xuể được. Phương thức đấu thầu tập trung này có ưu điểm nhưng cũng không ít nhược điểm” – chuyên gia này nói.

“Việc mua sắm tập trung ở cấp quốc gia đã được nhiều nước áp dụng. Tại VN cũng đã có 53/63 tỉnh thành áp dụng, thực hiện điều 49 trong Luật đấu thầu.

Tuy nhiên đây là phương thức mới, có tầm ảnh hưởng tới hệ thống khám chữa bệnh toàn quốc nên Bộ Y tế xác định là phải tiến hành thận trọng, chắc chắn, mục tiêu đảm bảo đủ thuốc cho điều trị và giai đoạn đầu chỉ chọn một số mặt hàng để triển khai và rút kinh nghiệm” – Cục Quản lý dược cho biết.

LAN ANH

LÊ THANH HÀ – THUỲ DƯƠNG ([email protected])