26/12/2024

HS sống ngoài Luật giao thông: đình chỉ học dễ có chuyện?

“Không nên thấy trẻ con bị phạt là cho rằng thiếu tính nhân văn” là một ý kiến về việc đình chỉ HS vi phạm Luật giao thông. Ngay lập tức là một ý kiến khác: HS nông nổi lắm, đuổi học dễ sinh chuyện.

 

HS sống ngoài Luật giao thông: đình chỉ học dễ có chuyện?

 

 

“Không nên thấy trẻ con bị phạt là cho rằng thiếu tính nhân văn” là một ý kiến về việc đình chỉ HS vi phạm Luật giao thông. Ngay lập tức là một ý kiến khác: HS nông nổi lắm, đuổi học dễ sinh chuyện.

 

 

 

 

HS sống ngoài Luật giao thông: đình chỉ học dễ có chuyện?
Học sinh lái xe vi phạm Luật an toàn giao thông khi không đội mũ bảo hiểm, ảnh chụp sáng 9-3 tại Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh

Đã có những ý kiến trái chiều quanh mức chế tài vi phạm giao thông do Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ban hành, trong đó có quy định “Học sinh vi phạm Luật giao thông có thể bị tạm đình chỉ học” (Tuổi Trẻ ngày 9-3). Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến.

“Đọc thông tin về số người chết, bị thương hằng ngày do tai nạn giao thông mà nguyên nhân phổ biến là ý thức kém của người tham gia giao thông, tôi thấy việc ngành giáo dục đưa ra quy định xử phạt với học sinh nghiêm khắc là nên ủng hộ. Trường hợp con tôi vi phạm nhiều lần phải đình chỉ học tập, tôi cũng sẽ chấp nhận vì kỷ luật nghiêm khắc là cách hỗ trợ chúng tôi giáo dục con

Bà Nguyễn Hồng Trâm, phụ huynh Trường phổ thông Academy – Hà Nội

Thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT  Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội):

Tôi ủng hộ

Tôi thấy trong tình trạng hiện nay, nếu chỉ phê bình, nhắc nhở học sinh thì không có nhiều tác dụng. Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục khác, cần phải có chế tài. Văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra ba mức chế tài như thế là đúng.

Người lớn chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, không nên thấy trẻ con bị phạt là phản đối, cho rằng như thế là “thiếu tính nhân văn”, là đẩy trẻ con ra đường.

Suy nghĩ như vậy mới khiến cho nhiều trẻ bây giờ không dám chịu trách nhiệm về hành động của mình hoặc coi thường các quy định, luật pháp.

Một tuần nghỉ học sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của học sinh nếu các em sửa đổi và cố gắng khắc phục. Nhưng một mức phạt như vậy đủ để tạo một “dấu ấn” nào đó khiến các em học sinh phải suy nghĩ, cha mẹ, thầy cô giáo cũng phải suy nghĩ và giúp các em điều chỉnh hành vi.

Ở nước ngoài, không chỉ học sinh mà công chức khi vi phạm Luật giao thông phải đeo băng ngang người ghi dòng chữ “tôi vi phạm luật giao thông” và đứng ở ngã ba, ngã tư tham gia điều khiển phân luồng giao thông, hoặc phải tạm nghỉ việc để tham gia lao động công ích như một hình phạt. Đến lúc chúng ta cũng nên nghĩ việc bị phạt do vi phạm giao thông là bình thường.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT  Phan Huy Chú, Hà Nội):

Trường tôi nghiêm khắc từ lâu rồi…

Trường tôi từ lâu đã thành lập ban an toàn giao thông. Các giáo viên trong ban này ngày nào cũng kiểm tra khu vực trước cổng trường, xung quanh khu vực trường và bằng nhiều kênh khác nhau để phát hiện học sinh vi phạm.

Trong quy định của trường, chúng tôi đặt ra năm mức kỷ luật khác nhau cho các hành vi vi phạm, tùy theo mức độ. Nếu học sinh tái phạm, mức chế tài nặng nhất của trường tôi là đình chỉ học tập tại trường. Giáo viên chủ nhiệm sẽ bị hạ một bậc thi đua nếu lớp có học sinh vi phạm.

Dĩ nhiên bên cạnh đó chúng tôi có rất nhiều hoạt động để giáo dục học sinh một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi áp dụng như thế thường xuyên trong năm học.

Việc Sở GD-ĐT đề ra mức chế tài đối với học sinh vi phạm Luật giao thông là cần thiết. Nhưng căn cứ vào đó, các nhà trường cần xây dựng những quy định, giải pháp cụ thể hơn và áp dụng thường xuyên chứ không nên chỉ làm theo phong trào vào một thời điểm nào đó.

Bà Nguyễn Thị Quyền (một phụ huynh ở P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy):

Thận trọng các biện pháp chế tài

Chúng tôi rất ủng hộ những quy định, cách giáo dục, phổ biến kiến thức ngoài cuộc sống, ngoài xã hội, những việc làm hay, cách ứng xử nhân văn, vì vậy càng không thể áp dụng các hình thức kỷ luật theo kiểu doạ nạt các em như “trả về gia đình”, “ghi học bạ”, “buộc thôi học một tuần”.

Hình thức “cảnh cáo trước toàn trường” cũng phải thận trọng. Suy nghĩ của các em bây giờ rất nông nổi, dễ bị tác động khi bị chế giễu.

Đôi khi từ chuyện mắc lỗi bị kỷ luật “cảnh cáo trước toàn trường”, bị buộc thôi học… chỉ cần bạn bè chế giễu, bàn tán, công kích trên Facebook là có thể dẫn tới những suy nghĩ nông nổi, tiêu cực.

Ông Phan Đăng Long (nguyên phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội):

Tôi tin có nhiều người phản đối

Tôi nghĩ không nên áp dụng các hình thức kỷ luật như kế hoạch nêu ra. Với các em học sinh, quan trọng nhất là dạy dỗ, giáo dục bằng cảm hoá. Tôi tin khi đưa những quy định về kỷ luật này ra lấy ý kiến rộng rãi thì chắc nhiều người cũng không đồng tình đâu.

Ví như với cuốn học bạ, đó là cuốn sổ sẽ theo các em suốt cả cuộc đời. Cuốn sổ đó không phải cái gì cũng ghi vào. Vấn đề đặt ra là những lỗi vi phạm ngoài cuộc sống như vi phạm giao thông có đáng phải ghi vào học bạ không?

Và rồi cả chuyện trả về gia đình, buộc thôi học, rất nhiều vấn đề phát sinh từ những hình thức xử lý kỷ luật kiểu này. Tôi nghĩ các em đến trường là để được thầy cô dạy bảo học làm người, học kiến thức, đó cũng là môi trường bồi dưỡng nhân cách, hướng thiện.

Nếu buộc thôi học một tuần, tôi nghĩ với áp lực học tập như hiện nay các em sẽ khó có thể theo kịp các bạn. Lực học xuống dốc là điều dễ hiểu, thậm chí dẫn tới chán học… khi đó không thể biết được có bao nhiêu hệ lụy.

*Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia):

Vi phạm đến mức buộc thôi học có thời hạn là vô cùng hiếm

Văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội có những điều kiện, quy định liên quan đến kỷ luật học sinh phù hợp với quy định hiện hành, đặc biệt là thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT (ban hành điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học).

Chúng tôi cho rằng học sinh vi phạm đến mức buộc thôi học một thời gian là vô cùng hiếm. Thông thường, khi các em học sinh vi phạm, nhà trường có nhắc nhở, có hình thức kỷ luật liên quan đến hạnh kiểm thì chắc chắn các em sẽ có điều chỉnh.

Khi các phụ huynh đã cam kết mà biết con mình vi phạm, nhà trường có nhắc nhở thì chắc chắn họ sẽ điều chỉnh. Trường hợp buộc thôi học một thời gian chắc chắn rất cá biệt vì lý do nào đó như cha mẹ đi vắng chưa mua được mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho con…

Tôi nghĩ những người ban hành quy định hình thức buộc thôi học trong thông tư 12/2011 của Bộ GD-ĐT chắc chắn cũng không ai mong chờ hành vi này xảy ra.

Ông Nguyễn Hiệp Thống (phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội):

Mong phụ huynh ủng hộ

Mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng thực trạng vi phạm Luật giao thông trong giới học sinh, sinh viên ở Hà Nội chưa được cải thiện. Vì thế, Sở GD-ĐT Hà Nội phải đặt ra mức chế tài nghiêm khắc hơn.

Khi xây dựng văn bản này, chúng tôi cũng dựa vào quy định tại điều lệ trường phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành về xử lý kỷ luật với học sinh. Mức chế tài cao nhất trong văn bản vừa công bố cũng phù hợp với mức chế tài quy định tại điều lệ này với các hành vi tương tự.

Chúng tôi không dùng từ “đuổi học” mà buộc thôi học học sinh có thời hạn từ ba ngày đến một tuần, tùy theo mức độ. Việc đình chỉ học đối với học sinh nhiều lần vi phạm là hình thức kỷ luật cần để các em ý thức việc mình phải chịu trách nhiệm về lỗi mình gây ra. Trong thời gian đình chỉ, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh phải có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh.

Việc giáo dục an toàn giao thông không phải bây giờ các nhà trường ở Hà Nội mới làm. Nhưng bên cạnh các giải pháp mềm, vẫn cần có chế tài nghiêm khắc. Tôi mong truyền thông và các bậc cha mẹ học sinh ủng hộ.

VĨNH HÀ – XUÂN LONG – 
TUẤN PHÙNG ghi