Biến công viên thành nhà hàng
Thay vì dành cho du khách và người dân dạo chơi, một phần của công viên Phù Đổng dọc bãi biển Nha Trang (Khánh Hoà) đang được trưng dụng làm nhà hàng, quán bar.
Biến công viên thành nhà hàng
Thay vì dành cho du khách và người dân dạo chơi, một phần của công viên Phù Đổng dọc bãi biển Nha Trang (Khánh Hoà) đang được trưng dụng làm nhà hàng, quán bar.
“Nhiều đoàn kiểm tra không phát hiện sai phạm”
Từ hơn một năm qua, du khách đi dọc đường Trần Phú, Nha Trang nhìn về phía công viên Phù Đổng sẽ thấy một lớp rào chắn bằng tôn khá kỹ. Vào bên trong công viên này là hàng loạt các hạng mục công trình, cái đang dở dang, cái sắp hoàn chỉnh. Cả công viên như một công trường ngổn ngang vôi vữa. Công ty TNHH Invest Park Nha Trang, chủ dự án này chuẩn bị đưa phân khu phía nam vào khai thác. Đây là nhà hàng Nga, chủ yếu phục vụ khách Nga.
Theo UBND tỉnh Khánh Hoà, nhà hàng Nga được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.115 m2, gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi, chiều cao công trình tối đa 7,5 m, mật độ xây dựng khoảng 4,4%, khoảng lùi công trình so với lộ giới đường Trần Phú là 25 m. Tuy nhiên công trình này chỉ cách lề đường Trần Phú chừng 3 m.
Theo chủ đầu tư, sau khi dự án phân khu phía nam của công viên đi vào khai thác, họ sẽ triển khai các dự án phân khu phía bắc. Theo đó, toàn bộ hạng mục cũ của công viên Phù Đổng sẽ được phá bỏ. Một số khu vực phục vụ dưới dạng dịch vụ thức ăn nhanh, quán cà phê sẽ được triển khai xây dựng. Giữa trung tâm dự án sẽ có một công trình “đầu mũi tàu” quy mô, tạo sân chơi cho du khách và phục vụ các chương trình ca nhạc, hội diễn… từ 1 – 2 giờ sáng.
Trả lời câu hỏi vì sao các hạng mục xây dựng trong công viên đã che chắn tầm nhìn ra biển, ông Sergay Makeer, Giám đốc Công ty Invest Park Nha Trang (quốc tịch Nga), giải thích rằng công trình nhà hàng Nga nhiều hạng mục được lắp ghép bằng kính trong suốt, nên có thể “nhìn xuyên thấu” ra bãi biển mà không bị che chắn (!). Chủ dự án cũng cho rằng, mật độ xây dựng toàn dự án là dưới 7% nhưng đó là quy định cho phẩn nổi, không tính phần công trình ngầm. “So với tổng thể mật độ toàn dự án, phân khu nhà hàng Nga vẫn làm đúng quy định cho phép khi không vượt mức tổng thể. Công trình này cũng đã có rất nhiều đoàn đến kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm”, ông Sergay Makeer nói thêm.
“Bít” tầm nhìn ra biển
Tháng 3.2014, UBND tỉnh Khánh Hoà cấp giấy chứng nhận đầu tư (lần 2) cho liên doanh giữa Công ty TNHH MTV du lịch Khánh Hoà và đối tác là Công ty TNHH Invest Park Nha Trang, làm dự án công viên Phù Đổng, trên tổng diện tích 24.000 m2 với số vốn đầu tư 120 tỉ đồng, nhưng đại diện phía Nga chiếm 87,27% cổ phần, Công ty du lịch Khánh Hoà chỉ góp vốn khoảng 9,5 tỉ đồng bằng tài sản cũ hiện có tại công viên.
Khi dự án bắt đầu triển khai, người dân Nha Trang đã bất bình vì không thể biến công viên công cộng để làm nhà hàng, quán bar với các công trình che chắn tầm nhìn ra biển, lại giao cho doanh nghiệp nước ngoài “nắm quyền” khai thác trên đó.
KTS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà, cho biết đặc trưng của vịnh Nha Trang chính là dải cây xanh dọc biển, bãi cát trắng và mặt nước vịnh tạo nên cảnh quan hiếm nơi nào có được.
Thế nhưng, nhiều dự án đã xây bê tông cốt thép, phá huỷ đặc trưng đó. Nhằm khắc phục tình trạng “bít” tầm nhìn ra biển, năm 2011, tỉnh Khánh Hoà đã vận động khu resort Ana Mandara – nằm ven đường Trần Phú, che chắn toàn bộ tầm nhìn ra biển, di dời bằng việc cấp đổi đất cho chủ đầu tư tại Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh nhưng đến nay, khu resort này vẫn án binh bất động. Chính điều đó đã đặt tiền lệ cho hàng loạt các công trình khác cũng “bít” biển mọc lên như nhà hàng E-land Four Season (khu Bốn Mùa cũ) trên đường Trần Phú, nay thì tới lượt công viên Phù Đổng, dù công viên này được “xây bằng kính trong suốt” như chủ dự án đã trần tình.
Hiền Lương