26/12/2024

Nợ nước ngoài đang chiếm 43,1% GDP

Cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP cao hơn Nghị quyết của Quốc hội.

Nợ nước ngoài đang chiếm 43,1% GDP 

Mục tiêu GDP từ năm 2016 - 2020 tăng trung bình 6,5 - 7% - Ảnh: Diệp Đức Minh

Mục tiêu GDP từ năm 2016 – 2020 tăng trung bình 6,5 – 7% – Ảnh: Diệp Đức Minh

Cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP cao hơn Nghị quyết của Quốc hội.

Dư nợ công của Chính phủ đến năm 2015 khoảng 62,2% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài 43,1% GDP.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết tại phiên họp thứ 46 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 13 diễn ra sáng qua (7.3) tại Hà Nội.
Báo cáo về tình hình và kết quả phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015, Bộ trưởng Vinh cho biết các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát; tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% (2011) xuống còn 0,6% (2015)… Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong cơ cấu chi ngân sách nhà nước (NSNN), chi thường xuyên từ 55,2% tăng lên 64 – 65% tổng chi NSNN; trong khi đó chi đầu tư phát triển giảm mạnh từ 30,6% (giai đoạn 2001 – 2005) xuống 28,2% (giai đoạn 2006 – 2010) và còn khoảng 23,6% tổng chi NSNN (giai đoạn 2011 – 2015).
Phát hành 200 nghìn tỉ đồng vốn TPCP
Báo cáo về kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 – 2020, Bộ trưởng Vinh cho biết tổng mức vốn NSNN cho giai đoạn này chỉ đáp ứng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước là khoảng 1,3 triệu tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Vinh, do cân đối NSNN còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư NSNN hạn chế. Trong khi đó, số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn NSNN trong 5 năm tới.
Theo Bộ trưởng Vinh, nếu trong kế hoạch trung dài hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số ứng trước, sẽ không còn nguồn để đối ứng các dự án khác, thậm chí không còn nguồn để khởi công mới. Căn cứ trên tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hiện nay và khả năng cân đối nợ công, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 200 nghìn tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 – 2020 để bổ sung cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội.
Bộ trưởng Vinh cho biết, các nguồn lực đầu tư sẽ được dồn cho nông nghiệp, giao thông: hoàn thành mở rộng và đưa vào khai thác tuyến quốc lộ 1A Hà Nội – Cần Thơ; tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội – Cà Mau; tuyến quốc lộ 14 đoạn qua Tây nguyên, xây dựng 1.300 – 1.800 km đường cao tốc; hệ thống quốc lộ sẽ tiếp tục được đầu tư với tổng chiều dài 3.600 km…
Thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, Uỷ ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số nguyên tắc như tiếp tục thu hẹp các lĩnh vực dự án để đảm bảo tập trung nguồn lực, hạn chế bố trí vốn đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan chưa thật cấp thiết, kiểm soát chặt chẽ vốn vay ODA. “Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, đối ứng ODA, các dự án chuyển tiếp thì kiên quyết không cho khởi công các dự án mới, không có ngoại lệ để xác lập kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS nhấn mạnh.

Đặt mục tiêu GDP bình quân đạt 6,5 – 7%

Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP.

 

Về xã hội, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 – 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%… Về môi trường đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95 – 100% chất thải y tế được xử lý, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Nhiều dấu hiệu khó khăn cần được làm rõ

Thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2015, Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Phùng Quốc Hiển cho biết các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý.

Thị trường bất động sản phục hồi giúp tăng thu ngân sách

Theo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2015 được Bộ Tài chính trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng ngày, tổng số thu ngân sách năm 2015 đạt 996,87 nghìn tỉ đồng, tăng 69,37 nghìn tỉ đồng so với con số đã được Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. Trong đó, thu nội địa đạt 740 nghìn tỉ đồng, tăng tới 101,46 nghìn tỉ đồng (tăng gần 16%) so với dự toán và tăng 53 nghìn tỉ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Giải thích về việc NSNN vượt chỉ tiêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nguyên nhân là do sự phục hồi của thị trường bất động sản, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM đã giúp các địa phương làm tốt hơn công tác đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và đẩy mạnh thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản.

Cũng trong năm 2015, cơ quan thuế đã xử lý 39,1 nghìn tỉ đồng nợ thuế năm 2014 chuyển sang, bằng 102,9% chỉ tiêu thu nợ, tăng 27,1% so với cùng kỳ 2014; thu khoảng 2 nghìn tỉ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và kết luận thanh tra của cơ quan chức năng. Cơ quan thuế cũng đã thu thêm vào NSNN trên 14,3 nghìn tỉ đồng từ cổ tức được chia của các ngân hàng TMCP nhà nước nắm cổ phần chi phối và lợi nhuận còn lại phát sinh của các doanh nghiệp lớn; thu kịp thời một số khoản thu phát sinh như khoản thu chuyển nhượng vốn của Công ty TNHH Metro Cash & Carry 1,9 nghìn tỉ đồng.