26/12/2024

Giải mã mức tăng quốc phòng của Trung Quốc

Trên thực tế, việc Trung Quốc chi tiêu cụ thể số tiền ngân sách như thế nào là rất khó xác định, do chúng không được công khai.

 

Giải mã mức tăng quốc phòng của Trung Quốc

 

 

Trên thực tế, việc Trung Quốc chi tiêu cụ thể số tiền ngân sách như thế nào là rất khó xác định, do chúng không được công khai.

 

 

 

 

 

 

Giải mã mức tăng quốc phòng của Trung Quốc
Hoạt động quân sự trên tàu USS John Stennis của Mỹ trong hành trình tuần tra định kỳ ở Biển Đông (ảnh công bố ngày 6-3 của hải quân Mỹ). Hoạt động của tàu Mỹ được xác định nhằm ngăn cản hoạt động quân sự hoá các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông – Ảnh: US Navy

Chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố ngân sách quốc phòng năm 2016 của nước này sẽ tăng 7,6%. Theo đó, ngân sách của quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đạt 146 tỉ USD trong năm 2016.

Đây là con số gia tăng thấp nhất (ít nhất) trong vòng năm năm vừa qua. Năm 2015, con số gia tăng tương ứng là 10,2%, năm 2013 là 10,7% và năm 2014 khoảng 12,2%. Tất cả những con số này được thông báo chính thức từ Chính phủ Trung Quốc.

Thói quen và xu thế của những năm trước khiến cho con số 7,6% gây bất ngờ với nhiều nhà quan sát.

Trước đó, một số tướng lĩnh về hưu được dẫn lời trên tờ South China Morning Post thậm chí còn cho rằng ngân sách quốc phòng trong năm 2016 phải tăng 20% mới đủ phục vụ cho quá trình hiện đại hóa cũng như đối phó với các thách thức hàng hải mà nước này đang đối mặt.

Phần trăm tăng chi phí cho quốc phòng giảm sút hơn so với những năm trước bắt nguồn từ những yếu tố nào?

Các con số thống kê có thể tiếp cận và tuyên bố từ nguồn chính thức chưa đầy đủ để hình thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Những lát cắt qua các khía cạnh khác nhau – tuy vậy – có thể gợi ý cho chúng ta nhiều cách tiếp cận.

Ngay trong thời điểm đầu và giữa năm 2015, khi những dấu hiệu giảm tốc và trục trặc của kinh tế Trung Quốc bắt đầu rõ ràng, những tác động chiến lược của các dấu hiệu như thế đã bắt đầu được bàn luận rộng rãi.

Thời điểm đó, chúng tôi đã đưa ra khái niệm “một Trung Quốc điều chỉnh” như một hình dung về các chuyển động đối nội đang diễn ra ở nước láng giềng.

Thứ nhất, trong giai đoạn năm 2011 trở đi, Trung Quốc làm quen dần với tốc độ tăng trưởng một con số và nhanh chóng giảm từ mức tăng trưởng 9%/năm xuống còn 7%/năm.

Trong trung hạn, dự báo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng được các tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm dần phản ánh mức độ khó khăn trong cải cách kinh tế mà lãnh đạo Trung Quốc phải đối diện.

Trạng thái “thông thường mới” về kinh tế mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu đòi hỏi thích ứng tương tự ở các lĩnh vực khác phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Trong đó phân bổ ngân sách giữa các lực lượng an ninh, công an và quân đội được lãnh đạo Bắc Kinh đặt lên bàn cân tính toán để đảm bảo tính hợp lý về nhiệm vụ lẫn tâm lý trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc.

Lập luận kinh tế này thuyết phục được nhiều người, vì nó gắn kết được mối tương tác giữa kinh tế và sự điều chỉnh chi tiêu.

Tuy vậy, lập luận này có thể bỏ qua những phát triển “nội sinh” trong chuyển đổi cấu trúc của PLA, đặc biệt là cải cách trong năm vừa qua, yếu tố có thể cũng đóng một vai trò then chốt.

Ngay trong lễ mừng chiến thắng phát xít hồi tháng 9-2015, ông Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm 300.000 quân nhân. Sự thay đổi này đánh dấu sự khởi đầu của đợt cải cách quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc kể từ giữa những năm 1980.

Tiếp đó là sự sắp xếp lại quân khu và cơ cấu tổ chức quân đội. Trọng tâm cải cách lần này của PLA nhằm vào ba điểm: tái cấu trúc quân đội theo hướng giảm số lượng tăng chất lượng; thay đổi tổ chức vận hành bộ máy và cách mạng công nghệ thông tin quân sự.

Khó có thể nói con số tăng 7,6% sẽ là ít hay nhiều, hay nó có thể đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu mà PLA hướng đến hay không.

Trung Quốc hiện tại vẫn là cường quốc quân sự có chi tiêu quốc phòng đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Quá trình gia tăng chi tiêu quốc phòng Trung Quốc cũng lớn hơn gấp nhiều lần so với những nước láng giềng.

Trên thực tế, việc Trung Quốc chi tiêu cụ thể số tiền ngân sách như thế nào là rất khó xác định, do chúng không được công khai.

Việc tiên đoán có thể đọc từ sách trắng, các chuyển động của PLA những năm gần đây và các tranh luận từ các học giả quân sự nước này.

Theo đó, các quân chủng sẽ được đầu tư lớn vẫn sẽ là không quân, hải quân, tên lửa, tác chiến mạng và không gian. Mục tiêu là trong ngắn hạn xây dựng được từ hai đến ba nhóm tác chiến tàu sân bay với khả năng đủ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Một nhóm tác chiến mạnh bao gồm nhiều yếu tố như tàu chiến, máy bay, tàu ngầm, các hệ thống điện tử tiên tiến hay kết nối định vị vệ tinh.

Tham vọng kiểm soát các vùng biển được định nghĩa là “lợi ích cốt lõi” đòi hỏi quá trình tái cấu trúc hệ thống chỉ huy kiểm soát/hành chính diễn ra một cách suôn sẻ.

Một câu hỏi nữa sẽ trở thành vấn đề trong giai đoạn hiện nay khi PLA đang trong giai đoạn “tái cấu trúc”. Muốn quá trình diễn ra hiệu quả, chi phí chuyển đổi là không tránh được.

Trước mắt có thể hình dung kinh phí để tiến hành tách hợp các đơn vị, chi phí huấn luyện, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cùng những khoản phụ cấp cho các binh sĩ hay sĩ quan bị loại biên chế theo sau những đợt cắt giảm sắp tới.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ