Học sinh cần rèn khả năng tự học
Xung quanh vấn đề ôn tập cho học sinh, Tuổi Trẻ trao đổi với TS Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT.
Học sinh cần rèn khả năng tự học
Xung quanh vấn đề ôn tập cho học sinh, Tuổi Trẻ trao đổi với TS Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT.
Học sinh lớp 12A10 Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong tiết học sử – Ảnh: N.Hùng |
* Theo ông, khi nào thì các nhà trường được phép tăng tiết ôn tập với 8 môn thi? Việc học hết chương trình lớp 12 như quy định rồi mới ôn tập có quá trễ không?
– Theo định hướng đề thi THPT quốc gia, ngoài các kiến thức căn bản, nền tảng sẽ có một tỉ lệ nhất định các câu hỏi yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng kiến thức ở những mức độ khác nhau.
Những câu hỏi này mang tính phân hoá nhằm mục đích sàng lọc, phục vụ cho công tác xét tuyển ĐH-CĐ dựa vào kết quả thi THPT của thí sinh. Vì vậy, để học sinh có thể đạt được kết quả để công nhận tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào ĐH-CĐ, các nhà trường phải cho học sinh tự ôn tập theo hướng này.
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, các nhà trường, thầy cô giáo phải chú trọng việc rèn cho học sinh năng lực tự học, tự ôn tập trong cả quá trình học, sau mỗi chương của môn học, ôn tập giữa kỳ, cuối kỳ chứ không dồn vào cuối năm học, trước kỳ thi.
Cũng nằm trong định hướng đổi mới giáo dục, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo trong nhiệm vụ năm học, yêu cầu các nhà trường tăng cường những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thiết kế chương trình học theo hướng giúp học sinh làm quen với các kỹ năng phân tích, hệ thống hoá kiến thức, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề đặt ra, liên hệ với thực tế cuộc sống…
Hiện nay, các nhà trường đều nắm được chỉ đạo này. Nếu thực hiện đúng thì ngay trong quá trình dạy học, học sinh đã được rèn luyện, ôn tập rồi.
Còn việc tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 12, các trường THPT cần xây dựng kế hoạch phù hợp nhưng phải tuân thủ quy định, đảm bảo hoàn thành chương trình lớp 12; kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy định hiện hành.
Bộ GD-ĐT không cho phép các nhà trường cắt xén chương trình, học dồn các môn học, để dành thời gian cho học sinh ôn tập sớm hơn, không đảm bảo chất lượng.
Trong giai đoạn ôn tập cuối cùng, các nhà trường cần tổ chức phân loại trình độ học sinh để có giải pháp phụ đạo đối với học sinh yếu kém, học sinh hổng kiến thức một số môn học.
Các trường có thể tổ chức cho học sinh ôn thi theo môn mà các em lựa chọn, học sinh có nhu cầu ôn tập, phụ đạo không bắt buộc ngoài giờ học chính khoá với 8 môn thi.
TS Vũ Đình Chuẩn – Ảnh: N.Khánh |
* Nhiều trường THPT cho rằng với một kỳ thi có nhiều thay đổi, Bộ GD-ĐT cần công bố cấu trúc đề thi hoặc định hướng cụ thể hơn về nội dung đề thi, phạm vi kiến thức có thể ra đề thi. Ông có thể chia sẻ về việc này?
– Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi, không giới hạn kiến thức trong chương trình. Đề thi THPT quốc gia năm 2016 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi tiếp tục sử dụng các câu hỏi với bốn mức yêu cầu là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đặc biệt sẽ tăng tỉ lệ các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để trả lời, chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Điều này cũng đúng với định hướng bộ đã yêu cầu các trường phổ thông thực hiện về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá những năm qua.
Vì vậy, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, ôn tập thêm theo các chuyên đề, theo hướng dẫn của giáo viên nhằm hệ thống kiến thức, biết cách vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề đặt ra.
* Đề thi các năm gần đây đều có câu hỏi mở để thí sinh có thêm điểm, cạnh tranh vào các trường ĐH-CĐ. Nhưng giáo viên vẫn lúng túng với việc “mở” thế nào, “mở” đến đâu để ôn tập cho học sinh. Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể gì cho loại câu hỏi này?
– Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn giáo viên phổ thông qua các đợt tập huấn về việc biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với bốn mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như yêu cầu của đề thi trong những năm qua, đặc biệt là năm 2015.
Đồng thời, bộ cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Câu hỏi mở thường đưa vào đề thi các môn khoa học xã hội, khuyến khích thí sinh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, tình cảm về những vấn đề thời sự của quê hương, đất nước, các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Việc này cũng phù hợp với định hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Qua thực tế dạy học, kiểm tra, đánh giá, qua các hội thi mà nhiều trường phổ thông đã làm trong thời gian qua, tôi cho rằng nói giáo viên lúng túng, xa lạ với đề thi có câu hỏi mở là chưa chính xác.
Dĩ nhiên, không phải tất cả học sinh đều có thể đáp ứng yêu cầu của câu hỏi mở. Đề thi THPT quốc gia sẽ có những phần câu hỏi cơ bản để học sinh đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT.
Các câu hỏi có tính phân hóa cao, câu hỏi mở dành cho học sinh ghi điểm để xét tuyển ĐH-CĐ. Số học sinh đạt điểm tối đa cho các câu hỏi này sẽ không nhiều.
* Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào đầu tháng 7. Ông có hướng dẫn gì đối với các nhà trường trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh? Và lời khuyên gì đối với các thí sinh ở thời điểm nước rút này?
– Theo quy định, năm học sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Học sinh lớp 12 khi đó không bắt buộc phải đến trường, phải đi học. Tuy nhiên, nếu bỏ hẳn một tháng, các thí sinh sẽ khó bắt nhịp được vào kỳ thi, kiến thức có thể mai một.
Vì thế, các bậc phụ huynh phải hỗ trợ con em mình trong việc xây dựng kế hoạch tự học trong thời gian này. Các nhà trường cũng có thể tổ chức ôn tập cho học sinh nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo chất lượng.
Một tháng trước khi thi, các thí sinh không nên chạy đua vào nhiều lò luyện, lớp ôn thi mà cần dành thời gian hệ thống lại kiến thức, kiểm tra xem mình còn yếu, thiếu phần nào thì bổ sung phần đó.
Các em cần giữ gìn sức khoẻ, rèn luyện để có tâm lý vững vàng bước vào kỳ thi, thay cho việc lao vào ôn tập căng thẳng và thiếu khoa học.