01/11/2024

Hàng triệu nông dân xoay xở chống hạn mặn khốc liệt

Chưa bao giờ hàng triệu nông dân của nhiều vùng đồng bằng sông Cửu Long đối diện với hạn mặn như năm nay.

 

Hàng triệu nông dân xoay xở chống hạn mặn khốc liệt

 

 

Chưa bao giờ hàng triệu nông dân của nhiều vùng đồng bằng sông Cửu Long đối diện với hạn mặn như năm nay.

 

 

 

 

 

 

Hàng triệu nông dân xoay xở chống hạn mặn khốc liệt
Một số nông dân ở Bạc Liêu đã chuyển sang trồng giống lúa chịu mặn – Ảnh: C.Quốc

Chưa bao giờ hàng triệu nông dân của nhiều vùng đồng bằng sông Cửu Long đối diện với hạn mặn như năm nay. Cuộc chiến chống mặn đang diễn ra ở nhiều nơi nhưng chỉ là những đối phó có tính chất nhất thời.

Bản đồ nước mặn năm nay ghi nhận tại Vĩnh Long nước mặn xâm nhập các vườn bưởi da xanh, sầu riêng, xoài. Còn tại Hậu Giang, nước mặn xâm nhập các vườn cây ăn quả, độ mặn có nơi ở mức trên 3‰, cây trái đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt…

Quyết liệt ngăn mặn

Khi nước mặn lấp ló ở đầu các kênh nội đồng, người dân xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) đã tổ chức đắp những con đập nhỏ ngăn nước mặn.

Nhiều người dân cho biết hiện các trà lúa đang vào giai đoạn chín, nước mặn không còn ảnh hưởng trực tiếp đến cây lúa như ở giai đoạn lúa non hay trổ đòng, nhưng vẫn phải quyết liệt ngăn mặn để bảo vệ đồng ruộng chuyên canh cây lúa trong lâu dài. Đây là cách làm thường thấy ở nhiều vùng của đồng bằng sông Cửu Long khi bị nước mặn “viếng thăm”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho hay người dân trong tỉnh đều nhận rõ những hậu quả của biến đổi khí hậu trên thực tế đồng ruộng của mình.

Ông Đồng nhấn mạnh một trong những cách làm đơn giản, hiệu quả mà gia đình nông dân nào cũng làm là lấy nội đồng (kênh mương, hệ thống thủy lợi…) để trữ nước ngọt tối đa. Tỉnh Hậu Giang xem đây là cách làm chính, hạn chế được tình trạng khát nước ngọt trong các đợt mặn cao điểm.

Có thể nói nông dân ở Hậu Giang chống chọi với tình trạng thừa nước mặn, thiếu nước ngọt theo cách riêng của mình. Họ phổ biến cho nhau kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước, nông dân bơm nước vừa đủ, đảm bảo cây lúa sinh sống bình thường qua bốn giai đoạn thay vì bơm và giữ nước liên tục như trước kia.

Gia đình ông Trần Văn Huynh (ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang) lại có cách làm riêng. Gia đình ông chỉ làm hai vụ lúa trong năm, thời gian khoảng tháng 5 – tháng 6, ông lấy 50 công đất trồng lúa của mình để nuôi cá.

“1ha (10 công) nuôi cá vào những tháng này kiếm được 4-5 triệu đồng lợi nhuận, khoẻ hơn làm lúa vào những tháng nhiều mưa này. Nói chung là kiếm ăn được, yên tâm hơn” – ông Huynh cho biết. Cách làm này được bà con trong vùng gọi là “hai lúa, một cá”.

Trên thực tế có nhiều mô hình, nhiều cách làm sáng tạo của nông dân đồng bằng sông Cửu Long được sản sinh từ gian khó, để họ có thể tồn tại ở vùng đất này. Như ở Hồng Dân (Bạc Liêu), miền đất được mệnh danh là “đồng chó ngáp”, dưới sông nước phèn trộn nước mặn, còn trên bờ đất đai cằn cỗi nhưng người dân ở đây vẫn tìm ra những kế sinh nhai bằng mô hình con tôm ôm gốc lúa – một vụ lúa, hai vụ tôm.

Có rất nhiều mối lo đè lên cuộc sống của đông đảo nông dân đồng bằng sông Cửu Long nhưng trước mắt chưa thể trông chờ ngay vào sự đầu tư các nguồn lực lớn để bảo vệ sản xuất, bảo vệ ruộng đồng, đời sống.

Thực tế cho thấy một số nông dân tỉnh Hậu Giang mong muốn được hỗ trợ những chiếc máy đo độ mặn, đơn giản vậy thôi nhưng giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phải xin lỗi vì chưa thể đáp ứng được do ngân sách còn eo hẹp.

Đi tìm giống lúa 
chịu mặn

Người dân vùng phèn, mặn quanh năm của Bạc Liêu đã trồng được giống lúa chịu mặn. Đây là một giải pháp được coi là “có triển vọng” trước tình trạng đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.

Giống lúa này được nông dân gọi là lúa sỏi phá quang kỳ, do PGS.TS Võ Công Thành (khoa nông nghiệp Đại học Cần Thơ) nghiên cứu và hợp tác với UBND huyện Hồng Dân triển khai cho dân trồng từ năm 2012.

Theo tìm hiểu, lúa sỏi phá quang kỳ được nông dân xã Vĩnh Lộc và Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) trồng – nơi vốn “nổi tiếng” là vùng đất khắc nghiệt với mặn, phèn quanh năm. Thấy khách “tham quan” ruộng lúa vừa gặt xong, ông Nguyễn Hoàng Dương (ấp Nhị Cầm, xã Vĩnh Lộc) nói: “Vùng này đất rất xấu. Nhưng tui trồng được thì ai cũng trồng được”.

Ông Dương dám nói như vậy cũng có nguyên do. Ông không có “nghề” trồng lúa, ông vốn là một thợ hồ, sạ lúa xong rồi ông bỏ ruộng cho tới lúc thu hoạch chứ không chăm sóc gì nhiều nhưng lúa vẫn sống và cho hạt.

Ở đây 13 năm, mấy năm đầu sạ giống lúa địa phương, khi lên được vài tấc là chết, ông Dương không trồng nữa. Năm ngoái, được UBND xã giới thiệu giống mới, ông mang về sạ thử, không ngờ có lúc ruộng lúa mặn tới 6‰ mà cây lúa vẫn sống được và cho hạt rất tốt. “Chỉ có hai công (2.000m2) mà tui thu được hơn 10 bao. Chà gạo, nấu cơm ăn rất ngon. Năm tới chắc chắn tui trồng nữa” – ông Dương quả quyết.

Ông Nguyễn Trung Hiếu – phó trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hồng Dân – cho biết từ lâu địa phương chỉ có giống một bụi đỏ vốn chịu mặn giỏi, do muốn đa dạng cơ cấu giống nên mới triển khai thêm giống lúa sỏi phá quang kỳ với diện tích mùa vụ năm 2015 khoảng 15,9ha, chủ yếu ở xã Vĩnh Lộc.

Ông Hiếu nhận định đây là một trong những giống có tiềm năng phát triển ở vùng mặn, địa phương sẽ vận động người dân tiếp tục nhân giống này trong những mùa vụ tới.

Ông Võ Đăng Ký – giám đốc Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân – khẳng định giống này có thể chịu mặn tương đương, thậm chí hơn giống một bụi đỏ truyền thống của địa phương.

Ông Ký nói ngâm giống ở độ mặn 8-9‰ vẫn lên mọng, giai đoạn trổ bông vẫn có thể chịu mặn ở mức 5‰. Tuy nhiên, để được phổ biến rộng rãi cho dân ở những vùng mặn hoặc vùng bị xâm nhập mặn thì còn một khoảng cách dài bởi quá trình triển khai giống rất phức tạp.

Hàng triệu nông dân xoay xở chống hạn mặn khốc liệt
Diện tích có nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn nặng tại tám tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – Nguồn: Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Đồ hoạ: VĨ CƯỜNG

Ông Võ Đăng Ký cho biết khi kết nghĩa với Đại học Cần Thơ, huyện và trường có ký kết về việc hỗ trợ huyện giải quyết khó khăn trong vấn đề nông nghiệp, cụ thể là sẽ chuyển giao cho huyện giống lúa chịu mặn trong xu thế mỗi năm độ mặn ngày càng cao.

Từ năm 2010, giống lúa sỏi được trồng thử nghiệm 3ha ở xã Vĩnh Lộc A – vốn là một vùng có độ mặn cao trên 10‰, kết quả thu được đạt năng suất 4 tấn/ha.

Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của giống quá dài (trên 140 ngày), không phù hợp cơ cấu mùa vụ của vùng nên một năm sau đó huyện đề nghị PGS.TS Võ Công Thành nghiên cứu cho giống ngắn ngày hơn, chịu mặn cao hơn.

Năm 2013, ông Thành cho ra đời giống lúa sỏi phá quang kỳ từ giống lúa sỏi trước đây và được trồng thử nghiệm 20ha.

Năm 2014 kết thúc giai đoạn ký kết thử nghiệm, huyện đứng ra ký hợp đồng với Đại học Cần Thơ, chuyển giao giống lúa này theo hướng huyện tự lo trước, sau đó đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Đáng tiếc là mọi chuyện không được êm xuôi. Cơ quan cấp tỉnh buộc việc chuyển giao này phải làm theo quy trình khoa học công nghệ.

Cụ thể, đối với giống lúa mới, muốn chuyển giao về địa phương thì đầu tiên phải làm ở phòng thí nghiệm, đưa ra nhà lưới, sau đó đưa ra đồng ruộng nơi địa phương cần chuyển giao để thử nghiệm ở quy mô nhỏ (dưới 5ha). Ngoài ra, giống này phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận hợp quy về giống cây trồng.

Doanh nghiệp mua máy xử lý… nước máy

Ở Bến Tre, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 75km, sớm hơn các năm trước gần hai tháng nên phần lớn dân ở tỉnh này buộc phải xài nước máy mặn chát.

Mùa khô dự báo sẽ kéo dài tới tháng 6-2016, nguy cơ nước máy mặn như nước biển là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Không chỉ cuộc sống của người dân bị đảo lộn mà các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cần nước ngọt cũng có thể phải ngừng hoạt động.

Do nước máy quá mặn nên Công ty Thế Giới Việt chế biến các sản phẩm từ dừa tại Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành (Bến Tre) phải mua nước ngọt của các doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai để duy trì sản xuất với giá 270.000 đồng/m3 và phải trả thêm tiền thuê xe chở nước 58.000 đồng/m3, tổng cộng 328.000 đồng/m3 nước.

Nhiều doanh nghiệp cho biết phải tự cứu mình bằng cách mua máy xử lý nước nhiễm mặn thành nước ngọt. Công ty Thế Giới Việt đang nhập tiếp hai máy xử lý nước mặn với giá 50.000 USD từ Thái Lan.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hường, phó tổng giám đốc công ty, nói: “Phải đầu tư máy xử lý nước mặn làm chi phí sản xuất tăng gấp ba lần nhưng cũng phải chịu còn hơn là ngừng sản xuất”.

VÂN TRƯỜNG

Cần vài tỉ USD để chống xâm nhập mặn

Trong nhiều năm gần đây, có vô số cuộc họp, hội thảo, hội nghị để bàn thảo, tìm kiếm các giải pháp giúp nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, mực nước dâng. Rất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài được đề xuất, trong đó có giải pháp công trình – xây dựng nhiều đê bao, cống ngăn mặn, hệ thống thuỷ lợi…

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính đầu tư cho các giải pháp này có thể nói là vô cùng ít ỏi so với nhu cầu. Tỉnh Vĩnh Long cho biết các công trình ngăn mặn, trữ và tiếp nước ngọt cho vùng nam Mang Thít theo quy hoạch thủy lợi chưa đầu tư kịp nên khả năng ngăn triều, ngăn mặn, dẫn ngọt rất hạn chế. Hiện tỉnh này ngăn triều, mặn ở vùng Vũng Liêm, Trà Ôn chỉ nhờ vào hệ thống đê bao ven các kênh cấp I, cấp II và các cống nhỏ trên đê bao.

Nói về giải pháp cho đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết đã thu xếp được nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới 210 triệu USD, sắp tới có khả năng thu xếp thêm khoảng 300 triệu USD nữa nhưng không thấm tháp vào đâu.

Riêng cống Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) tốn 3.800 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD; còn 29 cống của vùng An Biên – An Minh (Kiên Giang) gần 1.000 tỉ đồng, tương đương 50 triệu USD; vùng bắc Bến Tre cần 200 triệu USD… “Ở đồng bằng sông Cửu Long cần vài tỉ USD là ít” – ông Phát nói.

Q.THANH – C.QUỐC


CHÍ QUỐC – QUỐC THANH