26/12/2024

Chọn ngành nào ra trường mau có việc?

Trong ngày 6-3, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại ba địa phương: Kiên Giang, Bình Định, Hải Phòng với sự tham gia của hàng chục ngàn học sinh THPT.

 CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN TUYỂN SINH – 
HƯỚNG NGHIỆP 2016

Chọn ngành nào ra trường mau có việc?

 

 

 

Trong ngày 6-3, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại ba địa phương: Kiên Giang, Bình Định, Hải Phòng với sự tham gia của hàng chục ngàn học sinh THPT.

 

 

 

 

 

 

Chọn ngành nào ra trường mau có việc?
Học sinh Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) trao đổi với nhau trước khi đặt câu hỏi cho ban tư vấn nhóm ngành tại buổi tư vấn sáng 6-3 – Ảnh: Như Hùng
“Nếu nghĩ rằng trúng tuyển vào trường tốt hứa hẹn sau này sẽ có việc làm tốt là hoàn toàn sai. Việc làm tốt chỉ dành cho những người nỗ lực trong học tập sau THPT. Sự nỗ lực này không chỉ học tập, mà còn là rèn luyện kỹ năng. Đồng thời phải quan tâm đến thông tin thị trường tuyển dụng. Có như vậy cơ hội nghề nghiệp, việc làm mới cao được
TS Lê Thị Thanh Mai (trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM)

Tại Kiên Giang, sáng 6-3, khoảng sân lớn trong khuôn viên Trường ĐH Kiên Giang chật kín chỗ bởi hơn 4.000 học sinh khối lớp 12 của các trường THPT trong tỉnh.

Liệu cơm gắp mắm

Em Nguyễn Minh Khang – học sinh Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP Rạch Giá – hỏi: “Ở trường em được thầy cô hướng dẫn một đằng, về nhà cha mẹ hướng dẫn một nẻo, bạn bè thì rủ nhau chọn ngành này, trong khi tới các trung tâm tư vấn thì được tư vấn theo hướng khác. Em nên nghe theo ai?”.

Băn khoăn rất riêng nhưng lại phổ biến này được TS Trần Đình Lý – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – giải đáp: “Có ba cụm từ mà các em cần xác định rõ ràng là: nghề, ngành và trường. Các em phải tự trả lời ba câu hỏi: Khả năng của mình phù hợp với nghề nghiệp nào? Để làm được nghề đó phải học ngành nào? Muốn học ngành đó thì phải chọn trường nào, bậc nào?”.

Theo TS Trần Đình Lý, có rất nhiều trường hợp các em chọn sai ngành, sai trường để rồi sau đó phải bắt đầu lại, vừa mất thời gian của bản thân vừa tốn tiền của cha mẹ và gây lãng phí cho xã hội. “Nếu không có sự lựa chọn phù hợp, hoặc là các em phải bỏ ngành bỏ nghề, hoặc ngành nghề sẽ bỏ các em” – TS Trần Đình Lý nói.

Cụ thể hơn, PGS.TS Đỗ Văn Xê – phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ – mách nước: “Năm nay thi tốt nghiệp rồi mới xét tuyển ĐH. Em nào đã xác định được sở thích, khả năng của mình thì… đừng nghe lời ai hết! Nếu cứ lo lắng thi trường nào, học ngành nào có khi lại rớt tốt nghiệp là coi như tiêu tan. Cứ phải tốt nghiệp trước đã. Còn chuyện chọn ngành nào, trường nào thì phải liệu cơm gắp mắm”.

Nhiều em đề nghị các chuyên gia tư vấn nên chọn ngành nào, nghề nào để khi ra trường dễ tìm việc làm. “Em tìm hiểu thấy hiện nay ngành địa chất dầu khí nhiều người bị mất việc. Nếu em học ngành này, liệu sau bốn năm có dễ tìm được việc làm hay không?”, một học sinh đặt câu hỏi.

Theo TS Bùi Hoài Thắng – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đúng là mức độ đào thải lao động của ngành dầu khí khá lớn. “Tuy nhiên các em đừng quá lo. Tốt nghiệp ngành địa chất dầu khí ra không phải chỉ biết đào dầu lên bán, mà có thể làm rất tốt các công việc liên quan tới địa chất, xử lý nền móng trong xây dựng!” – ông Thắng trấn an.

Điều khá bất ngờ ở buổi tư vấn tại Kiên Giang là rất nhiều em, cả học sinh nữ, cho biết muốn thi vào các trường công an, quân đội! “Răng em không tốt lắm, nhưng đã trám răng rồi, có thể thi vào các trường công an, quân đội không? Các trường quân đội có tổ chức thi riêng hay không?”, một em hỏi.

Đại tá – TS Nguyễn Chiến Hạm, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Trần Đại Nghĩa, trả lời ngay: “Em hoàn toàn có thể đăng ký vào các trường công an, quân đội. Các trường vẫn xét tuyển chung trên kết quả tốt nghiệp THPT, chưa có phương án tuyển riêng. Tuy nhiên các trường công an, quân đội phải sơ tuyển thông qua các cơ quan quân sự địa phương về tư tưởng chính trị, sức khoẻ và học lực. Ngoài đăng ký sơ tuyển, các em phải đăng ký thi THPT với tổ hợp các môn theo quy định. Mỗi em chỉ được đăng ký vào một trường quân đội khi đăng ký sơ tuyển”.

Em Võ Thị Bích Tuyền, học sinh Trường THPT Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận), hỏi: “Ví dụ em sơ tuyển đã đậu nhưng không đủ điểm xét tuyển vào trường công an thì có thể lấy điểm đó xin xét tuyển vào trường quân đội không?”.

Theo đại tá Nguyễn Chiến Hạm, các trường công an và quân đội có những yêu cầu khác nhau, ngay cả yêu cầu giữa các trường quân đội cũng khác nhau, nên kết quả sơ tuyển không chia sẻ với nhau được. Tuy nhiên, các em có thể đăng ký sơ tuyển vào cả ngành công an và quân đội, sau đó đăng ký xét tuyển vào một trường công an và một trường quân đội, đủ điểm vào trường nào sẽ học trường đó.

Lo tốt nghiệp ĐH vẫn thất nghiệp

Tại Bình Định, trong phần tư vấn chung, một học sinh đã thẳng thắn đặt câu hỏi cho ban tư vấn: “Em đọc báo thấy tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nhiều quá. Vậy em nên đi học hay đi làm nghề luôn cho rồi?”. Câu hỏi này nhận được sự hưởng ứng của hàng ngàn học sinh ngồi nghe tư vấn, với tràng vỗ tay kéo dài giòn vang…

Trao đổi với học sinh về vấn đề thời sự này, TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM – khẳng định: điều này cho thấy thất nghiệp không chiếm tỉ lệ số đông trong những người học nghề hoặc học các trình độ sau THPT. Vấn đề thất nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của từng người và theo sự phát triển, phân bố cơ cấu kinh tế – xã hội. VN vừa gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, ký kết TPP nên sẽ có sự dịch chuyển lao động từ các nước đến VN cũng như từ VN ra nước ngoài, sự cạnh tranh nguồn lao động vì thế rất lớn. 

Điều đó đặt ra một bài toán không chỉ cho người học mà chính các trường ĐH, CĐ, TCCN phải đào tạo cho sinh viên những năng lực đặc biệt, đủ sức cạnh tranh trong thị trường hội nhập hiện nay. Còn việc học nghề hay học CĐ, ĐH phụ thuộc vào nguyện vọng của các em, hoàn cảnh gia đình, năng lực học tập. 

“Muốn vào ĐH, các em phải đạt điểm tối thiểu ba môn tổ hợp xét tuyển từ 15 điểm trở lên. Nếu thấy mình không đủ sức đạt được mức điểm này thì nên tìm một ngã rẽ khác để học CĐ, CĐ nghề, trung cấp… Còn với các bạn đã trúng tuyển ĐH cũng không nên ngủ quên trong chiến thắng” – TS Mai nhấn mạnh.

Về việc này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trấn an học sinh: “Vừa qua có thông tin khoảng 200.000 cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, nhưng các em đừng quá hoang mang. Chỉ những trường đào tạo kém và những ngành đào tạo cung quá cầu mới sợ thất nghiệp. Các em nên theo dõi trên báo để biết ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng cao”.

Lý giải con số thất nghiệp trên, thầy Dũng cho rằng thứ nhất là nhóm sư phạm. Hiện nay, hầu như tỉnh nào có ĐH là đào tạo sư phạm, vì các trường tỉnh phần lớn được nâng cấp từ CĐ sư phạm. Vì vậy, rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp và chiếm phần lớn trong số 20% thất nghiệp mà báo nêu.

Thứ hai là nhóm kinh tế. Do việc mở các ngành kinh tế, xét về kinh tế giáo dục là rất hiệu quả. Các lớp kinh tế đông sinh viên, chỉ cần máy chiếu, phòng học, micro, máy tính là đủ. Vì vậy, đa số trường tư, trường khối kinh tế đua nhau tăng chỉ tiêu, dẫn tới tình trạng cung quá cầu.

Thứ ba là số sinh viên tốt nghiệp từ các trường kém chất lượng.

GS.TS Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung, cũng khẳng định: “Nếu các em có ý thức học đàng hoàng, tay nghề vững chắc, giỏi kỹ năng… thì chắc chắn không sợ thất nghiệp”.

Chọn ngành nào ra trường mau có việc?
Một nữ sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại Hải Phòng – Ảnh: Nguyễn Khánh

Sợ mất cơ hội việc làm ngay trên sân nhà!

Trong gần ba tiếng diễn ra chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Hải Phòng, sự quan tâm của cả học sinh lẫn phụ huynh tập trung ở các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế của các trường ĐH lớn. Không ít học sinh tỏ ra rất lo lắng vì ngành “nóng” quá, nhiều người xét tuyển, cơ hội đậu giảm sút, cơ hội việc làm sau này cũng ít đi do đầu ra quá đông!

Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi các thầy cô trong khu tư vấn chuyên ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng đều cho rằng: trong bối cảnh hiện nay, nếu theo đuổi các ngành khối kinh tế nhưng chỉ học làng nhàng thì sẽ khó xin việc, càng khó thành công.

TS Phạm Xuân Dương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải VN, giải thích: “Hiện nay ngay các trường ĐH lớn của VN, trong đó có ĐH Hàng hải VN, đều đã tuyển sinh đối tượng người nước ngoài. Bên cạnh đó nhiều công ty, doanh nghiệp VN cũng mở rộng cửa tuyển những người trẻ có năng lực, có kỹ năng tốt ở các nước khác muốn sang VN làm việc.

Vì thế nếu các thí sinh chỉ chạy theo ngành thời thượng mà không có năng lực, không tích lũy kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, thì các em sẽ có nguy cơ mất cơ hội việc làm ngay trên sân nhà. Điều này là rất thật!”.

Nhiều thầy cô khuyên học sinh có năng lực nên xây dựng kế hoạch học hai ngành, tiết kiệm thời gian. Khi có hai bằng ĐH, cơ hội việc làm cũng sẽ tăng gấp đôi.

Y, dược cũng là khối ngành được nhiều thí sinh quan tâm, đặc biệt là ngành bác sĩ đa khoa. Một nữ sinh trường THPT Trần Phú nêu câu hỏi: “Em được giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn sinh, liệu có được xét tuyển thẳng vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược Hải Phòng?”.

Ông Nguyễn Hải Ninh, đại diện nhà trường, cho biết: “Ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược Hải Phòng chỉ xét tuyển thẳng thí sinh được giải nhất học sinh giỏi quốc gia”. Ông Ninh nói thêm ngành bác sĩ đa khoa ở trường y, dược nào cũng là ngành lấy điểm cao nhất. Nên việc dành chỉ tiêu tuyển thẳng cũng sẽ phải cân nhắc.

Chuyện bên lề

Chọn ngành nào ra trường mau có việc?
Học sinh xem tư liệu lịch sử trong triển lãm về Hoàng Sa -Trường Sa ở buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Kiên Giang – Ảnh: T.Trình

* Triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử”

Tại Kiên Giang, học sinh đến tham dự buổi tư vấn đã rất thích thú với triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử” ngay trong khuôn viên Trường ĐH Kiên Giang. Triển lãm quy tụ trên 100 tư liệu lịch sử, thể hiện bằng chứng thuyết phục chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Triển lãm này xuất phát từ đề nghị của TS Thái Thành Lượm, hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, phối hợp với Sở TT&TT, Sở VH-TT&DL tỉnh Kiên Giang để cung cấp cho học sinh, sinh viên những tư liệu quý giá về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Ông Nguyễn Quang Khánh, phó giám đốc Bảo tàng Kiên Giang, chính là người thuyết minh tại triển lãm. Ông Khánh cho biết triển lãm ngoài phục vụ cho trên 4.000 học sinh đến tư vấn, còn phục vụ cho sinh viên ĐH Kiên Giang và khách thập phương. 

* Nữ sinh mê vào quân đội

Chọn ngành nào ra trường mau có việc?
Cô nữ sinh duyên dáng thích vào quân đội Thị Cẩm Xuyến – Ảnh: Tiến Trình

Một trong những người nhận được nhiều câu hỏi tư vấn nhất là đại tá Nguyễn Chiến Hạm (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Trần Đại Nghĩa) liên quan đến những quy định tuyển sinh vào lực lượng vũ trang. Điều thú vị là hầu hết học sinh đặt câu hỏi liên quan lĩnh vực này là nữ.

Như bạn Thị Cẩm Xuyến (Trường Dân tộc nội trú Kiên Giang) bày tỏ nguyện vọng thi vào Trường Sĩ quan thông tin. Không chỉ quan tâm đến các thông tin tuyển sinh, Xuyến còn hỏi rất thiết tha: “Không biết năm nay tỉnh Kiên Giang có tuyển nghĩa vụ quân sự là nữ không?”, vì nếu trượt ĐH, bạn quả quyết sẽ xin tình nguyện nhập ngũ.

TIẾN TRÌNH

Con mới học lớp 7 vẫn đi nghe tư vấn

Đó là trường hợp của vợ chồng ông Phan Thành Vũ – bà Trịnh Thúy Hồng.

Từ sáng sớm, ông bà đã vượt quãng đường hơn 60km từ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang để đến với Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, chọn ngồi ở một góc khuất, lắng nghe và ghi chép cẩn thận.

Đến khi được hỏi chuyện thì ông Vũ mới nói thật: con lớn của ông bà đang học ĐH, còn đứa con nhỏ mới học… lớp 7. Thế nhưng ông bà vẫn coi đây là cơ hội tốt để tích luỹ kiến thức tuyển sinh đh cho con. 

Bà Hồng tâm sự ông bà cẩn thận như thế là vì không muốn lặp lại chuyện không hay lắm như với người con lớn (hiện học ĐH Công nghiệp TP.HCM), khi con ghi hồ sơ tuyển sinh ĐH, ông bà đã lúng túng không biết tư vấn cho con thế nào.

“Con tôi rất yêu thích ngành an toàn thông tin mạng Trường ĐH Công nghệ thông tin. Nó nộp hồ sơ hai trường, thi đậu cả hai trường. Nhưng Trường ĐH Công nghệ thông tin gửi giấy báo trúng tuyển chậm một ngày nên con tôi đã nộp hồ sơ học trường khác” – bà Hồng kể.

Bà cho biết nếu có kiến thức, tìm hiểu kỹ lưỡng thì con bà đã được học trường mà con yêu thích nhất. Cho nên, đến đứa con sau, ông bà đã chuẩn bị trước kiến thức tuyển sinh để không bị động khi tư vấn chọn trường, chọn ngành nghề cho con.

Chọn ngành nào ra trường mau có việc?
NHÓM PV GIÁO DỤC