24/12/2024

Brazil: đối đầu chính trị và tư pháp

Ở Brazil, cựu tổng thống Lula là một huyền thoại, là một chính trị gia đứng về phía dân nghèo. Thế nhưng tượng đài đó đang có dấu hiệu lung lay.

 

Brazil: đối đầu chính trị và tư pháp

 

 

Ở Brazil, cựu tổng thống Lula là một huyền thoại, là một chính trị gia đứng về phía dân nghèo. Thế nhưng tượng đài đó đang có dấu hiệu lung lay.

 

 

 

 

Brazil: đối đầu chính trị và tư pháp
Người ủng hộ ông Lula đối đầu cảnh sát trước nhà ông khi hay tin ông bị bắt – Ảnh: Reuters

“Này các ông, nếu tôi khai ra, nền cộng hoà này sẽ sụp đổ

Alberto Youssef, người bị bắt trong vụ bê bối Petrobras, tiết lộ với các luật sư của mình hồi tháng 3-2014

 

 

 

Ngay sau khi thông tin cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, thường được gọi thân mật là Lula, bị cảnh sát dẫn đi lúc sáng sớm 4-3, những cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra, dù ở quy mô nhỏ nhưng nhuốm màu bạo lực. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để ngăn chặn những người ủng hộ ông.

Có dấu hiệu chính trị hóa?

Sau cuộc thẩm vấn kéo dài ba giờ ở một căn phòng trong sân bay Congonhas, ông Lula được trả tự do.

Trở về trong vòng tay người ủng hộ ở trung tâm thành phố Sao Paulo, vị cựu tổng thống xuất thân là công nhân luyện thép đã tuyên bố mạnh mẽ: “Sáng nay tôi thấy mình như một tù nhân chính trị. Tôi không có gì phải sợ”. Và thực tế là những người ủng hộ ông đánh giá vụ câu lưu để thẩm vấn như “một cuộc đảo chính”.

Ông cho rằng mình vô tội và đang bị giới truyền thông cấu kết với phe đối lập tìm cách hạ bệ uy tín của ông, trước khả năng ông trở lại tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới.

Ông nhắc lại thành tích của mình trước các thành viên Đảng Công nhân cầm quyền: “Dưới thời lãnh đạo của tôi, người da đen cũng như giới trẻ ngoại ô bắt đầu được tôn trọng hơn. Mức lương tối thiểu đã tăng lên. Điều đó khiến giới thượng lưu khó chịu. Dưới thời tôi, các chủ ngân hàng kiếm được tiền nhưng người lao động cũng kiếm được nhiều hơn”.

Quả thật dưới thời ông Lula làm tổng thống trong hai nhiệm kỳ (2003-2010), kinh tế của Brazil đã khởi sắc. Ông được xem như một người bảo vệ những người thấp cổ bé họng. Nhưng trong thời kỳ đó cũng đã có những dấu hiệu của tham nhũng, hối lộ mà nay bên tư pháp đang quyết tâm 
làm rõ cho bằng được.

Trong vụ “cất lưới” lúc 6g sáng 4-3, cảnh sát không chỉ dẫn giải ông Lula đi thẩm vấn mà còn lục tung nhà ông ở Sao Bernardo do Campom, khu ngoại ô Sao Paulo; khám xét nhà con trai ông là Fabio Luis Lula da Silva, thường gọi là Lulinha, ở Moema, một trong những khu nhà giàu của Brazil; khám xét trụ sở Viện Lula và các văn phòng của hai công ty xây dựng công ích Odebrecht và OAS.

Đây là hai doanh nghiệp dính líu vào vụ bê bối liên quan Tập đoàn Dầu khí nhà nước Petrobras.

Brazil: đối đầu chính trị và tư pháp
Cựu Tổng thống Lula khóc khi nói chuyện với người ủng hộ ở Sao Paulo tối 4-3 – Ảnh: Reuters

Những dấu hiệu dẫn tới ông Lula

Người phụ trách điều tra vụ bê bối lớn nhất của Brazil này là một thẩm phán tỉnh lẻ tên Sergio Moro. Ông nhanh chóng thực thi chiến dịch chống tham nhũng có tên gọi Lava Jato (Tẩy rửa cấp tốc) nhằm làm rõ những câu kết chính trị và giới làm ăn thụt két công quỹ.

Công tố viên Carlos Fernando dos Santos Lima, người phụ trách hồ sơ vụ việc, khẳng định với báo giới ông đang nắm trong tay nhiều chỉ dấu “đáng kể” cho phép nghi ngờ ông Lula cùng người thân có liên quan trong vụ bê bối Petrobras.

Chẳng hạn có đến 60% nguồn tài chính góp cho Viện Lula có nguồn gốc từ năm doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Brazil đang có dính líu trong vụ Petrobras. Rồi cũng năm doanh nghiệp này đã tài trợ đến 57% nguồn tài chính tổ chức các hội nghị, hội thảo của ông Lula.

Tổng số tiền mờ ám lên đến 30,7 triệu reais (tương đương 8,2 triệu USD). Do áp lực của bên tư pháp, bí mật về các tài khoản ngân hàng của ông Lula đã bị dỡ bỏ. Bên công tố cho rằng ông Lula là một trong “những người thụ hưởng chính” của vụ tham 
nhũng Petrobras.

Kể từ khi vụ bê bối Petrobras vỡ lở ra công chúng hồi tháng 3-2014, vòng vây điều tra của chiến dịch Lava Jato siết chặt nhanh chóng quanh ông Lula. Những rò rỉ thông tin điều tra, có dấu hiệu cố tình, cho báo chí càng gây áp lực cho tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff và Đảng Công 
nhân cầm quyền.

Qua báo chí, người dân được biết ông Lula cùng vợ suýt mua căn biệt thự ba tầng ở Guaruja, khu bãi tắm nổi tiếng của dân Sao Paulo. Phần sửa sang chỗ này do các công ty xây dựng công ích lo liệu. Sau khi thông tin bị rò rỉ, vợ chồng ông Lula phải từ bỏ ý định hưởng già bên bờ biển.

Sau vụ ông Lula bị thẩm vấn, Tổng thống Dilma Rousseff đã phải lên tiếng trách cứ bên tư pháp, cho rằng việc đó “vô ích”. Bên Đảng Công nhân cánh tả cũng đang tung ra chiến dịch phản đòn trên mạng xã hội với việc kêu gọi người dân ủng hộ ông Lula và sẽ tổ chức biểu tình vào các ngày 8, 18 và 31-3.

Đất nước Brazil đang gặp khó khăn kinh tế những năm vừa qua, nên việc tiền nhà nước chui vào túi cá nhân rất dễ gây phản ứng. Ngay cả nữ Tổng thống Rousseff dù đang ở nhiệm kỳ thứ hai, nhưng cũng không ít lần bị phe đối lập tấn công đòi phế truất vì vai trò của bà trong vụ Petrobras.

Vì lẽ đó, ông Stéphane Monclaire, giáo sư khoa chính trị ĐH Sorbonne (Pháp), nhận định thông thường công tố viên rất cân nhắc câu chữ khi trả lời báo chí liên quan đến một vụ lớn như vụ Petrobras. Một khi công tố viên đã dùng đến cụm từ “nắm trong tay những chỉ dấu đáng kể” thì có nghĩa “vị thế ông Lula rất, rất mong manh”.

Tổng thống Rousseff cũng mệt mỏi

Vụ bê bối tài chính – chính trị Petrobras được cho là liên quan đến các công ty xây dựng công ích bắt tay với giới chính trị gia để được trúng thầu các công trình lớn. Các công trình này sẽ được đội giá xây dựng và tiền lại quả sẽ được chuyển cho những người đã giúp đỡ.

Đến nay ít nhất tám công ty đang bị điều tra trong vụ này, trong đó có cả những công ty đa quốc gia được cho là trúng thầu không qua đấu thầu ở các nước Mỹ Latin và châu Phi nhờ tiếng nói của ông Lula.

Nhiều tổng giám đốc và quản lý cấp cao của các công ty này đã xộ khám trong quá trình điều tra của bên tư pháp Brazil.

Tổng thống Dilma Rousseff đương nhiệm cũng đang mệt mỏi với vụ việc này, bởi bà từng là bộ trưởng năng lượng – cơ quan chủ quản Tập đoàn Dầu khí Petrobras – và sau đó là chánh văn phòng cho ông Lula vào thời điểm xảy ra vụ việc. Với nhiều người, bà Rousseff “không thể không biết gì”!

N.QUÂN