25/12/2024

Nếu rớt đại học em phải làm gì?

Trong số gần 3.000 học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 sáng 5-3 tại Gia Lai (do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Gia Lai, Tỉnh đoàn Gia Lai phối hợp tổ chức), có rất nhiều bạn thể hiện sự băn khoăn chung “phải làm gì nếu không vào được ĐH?”.

 CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN TUYỂN SINH – HƯỚNG NGHIỆP 2016:

Nếu rớt đại học em phải làm gì?

 

 

 Trong số gần 3.000 học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 sáng 5-3 tại Gia Lai (do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Gia Lai, Tỉnh đoàn Gia Lai phối hợp tổ chức), có rất nhiều bạn thể hiện sự băn khoăn chung “phải làm gì nếu không vào được ĐH?”.

 

 

 

 

 

Nếu rớt đại học em phải làm gì?
“Thầy cô ơi em muốn hỏi?” – học sinh đặt câu hỏi trực tiếp trong phần tư vấn chung tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp ở Gia Lai sáng 5-3 – Ảnh: Trần Huỳnh

 

 

Trong phần tư vấn chung, mảnh giấy nhỏ của một học sinh Trường THPT Phan Bội Châu gửi đến ban tư vấn: “Thầy cô ơi, nếu rớt ĐH thì em phải làm gì?”. Ngay sau khi người dẫn chương trình đọc câu hỏi này, một tràng vỗ tay dài của hàng ngàn học sinh ngồi bên dưới vang lên…

Nhiều lối dẫn đến 
thành công

TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM – tư vấn: sau khi tốt nghiệp THPT, thậm chí chưa tốt nghiệp, học sinh vẫn có nhiều ngã rẽ, ví dụ như có thể chọn học trung cấp nghề, CĐ nghề…

Đối với học sinh có sức học vừa phải thì ngay từ bây giờ các em có thể cộng điểm trung bình của các năm lớp 10, 11, 12. Hiện nay nhiều trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng học bạ.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, điểm học bạ ba môn liên quan đến tổ hợp môn xét tuyển của ngành đó từ 6,0 trở lên. Các em cộng điểm của mình, nếu thấy đạt từ mức điểm này trở lên thì mạnh dạn quan tâm ngay những trường có xét tuyển dựa vào học bạ. Đương nhiên các em phải tốt nghiệp THPT.

“Như vậy, đối với các em này phải thi ba môn bắt buộc và với một môn còn lại thì nên chọn môn mình học tốt nhất, khả năng đạt điểm cao nhất đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT. Các em cần tìm hiểu kỹ thông tin xét tuyển của các trường xét tuyển bằng học bạ, nên ưu tiên những trường ngay tại địa phương, trong khu vực lân cận. Với mức điểm trung bình, nếu các em chạy đến trường càng ở xa thì sự cạnh tranh càng cao, cơ hội trúng tuyển càng ít” – cô Mai khuyên.

Xuyên suốt chương trình, nhiều học sinh vẫn liên tục đưa ra những thắc mắc về việc phải làm gì khi không đủ sức thi ĐH. ThS Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM – cho rằng vào ĐH là một ước mơ chính đáng. Tuy nhiên thực tế nhiều khi không như mình mong muốn.

“Nếu mục tiêu học để sau này có việc làm thì không nhất thiết phải vào ĐH. Nếu các em chọn học trung cấp nghề, CĐ nghề sẽ đóng học phí thấp hơn và ra trường dễ có việc làm hơn. Các doanh nghiệp đều cần người làm việc tốt, giỏi kỹ năng… Những điều này sinh viên hệ nghề sẽ được nhà trường trang bị đầy đủ” – thầy Lý nói.

Sức học trung bình 
có cơ hội vào ĐH?

Một học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú thắc mắc: “Sức học của em chỉ ở mức trung bình, các thầy cô cho em lời khuyên trong kỳ thi THPT quốc gia em nên thi ở cụm thi nào? Nếu thi cụm địa phương có được xét tuyển ĐH, CĐ?”.

TS Trần Phú Vinh – Trường ĐH Luật TP.HCM – cho biết: nếu thí sinh thi tại cụm thi địa phương chủ trì sẽ không được đăng ký xét tuyển vào trường ĐH xét tuyển thí sinh dự thi tại cụm do các trường ĐH chủ trì.

ThS Đỗ Thanh Duy – trưởng phòng quản lý thi tuyển sinh & công nhận văn bằng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT – giải thích thêm: cụm thi do các trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Trong khi cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì dành cho thí sinh sử dụng kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, thí sinh dự thi cụm thi địa phương vẫn có thể sử dụng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh bằng đề án tuyển sinh riêng, chỉ dựa vào học bạ. Đối với các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo phương thức này, ngưỡng điểm năm 2015 với ĐH tổ hợp ba môn đạt 18 điểm trở lên và đối với CĐ 16,5 điểm trở lên, chưa cộng điểm ưu tiên.

Nhưng dự thảo quy chế năm nay chỉ có ngưỡng đối với bậc ĐH, còn các bậc CĐ chỉ cần tốt nghiệp THPT là thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các trường có đề án tuyển sinh riêng.

Đến với buổi tư vấn, Lê Mai Trung Tín (học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) cho biết sức học của mình chỉ mức trung bình, nhưng rất muốn thi đậu ĐH quân đội hoặc sư phạm. “Nếu em lỡ không đậu ĐH nhưng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, có phải em hết cơ hội vào ĐH?” – Tín thắc mắc.

Đại tá – ThS Trần Xuân Định, phó trưởng phòng đào tạo Học viện Hải quân, cho biết: quân nhân tại ngũ vẫn được quyền đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH vào các trường trong và ngoài quân đội. Nếu quân nhân có nguyện vọng ôn thi phải làm các thủ tục theo quy định (đăng ký với thủ trưởng đơn vị cấp trung đoàn trở lên). Sau khi được cho phép, quân nhân có quyền đề đạt với đơn vị tạo điều kiện sắp xếp công tác hợp lý để ôn thi.

“Nếu thi đậu trường quân sự sẽ được đi học ngay, còn nếu đậu trường dân sự sẽ được bảo lưu kết quả. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được đi học tiếp. Ngoài ra, quân nhân sau khi xuất ngũ còn được hưởng nhiều chính sách ưu tiên khi đăng ký xét tuyển” – ông Định nhấn mạnh.

Nếu rớt đại học em phải làm gì?
TS Trần Thế Hoàng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – tư vấn cho thí sinh Gia Lai – Ảnh: Trần Huỳnh

“Việc học là việc suốt đời. Không phải ai cũng vào được ĐH, khi đó chúng ta có những ngã rẽ ở những bậc học thấp hơn, có thể chúng ta bắt đầu từ xuất phát điểm khiêm tốn. Tuy nhiên, không phải ai học ĐH cũng thành công, ai học trung cấp là thấp kém hơn. Vì vậy các em cần biết kiên trì, đi đường vòng vẫn có thể đến đích và thành công

TS Trần Thế Hoàng 
(phó hiệu trưởng 
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Chọn ngành trước, 
chọn trường sau

Giải thích về vấn đề chọn ngành, chọn trường, TS Trần Thế Hoàng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho rằng chọn ngành trước, chọn trường sau là một trong những nguyên tắc trong tư vấn hướng nghiệp.

Trước hết phải chọn ngành đúng theo sở thích, mong ước và năng lực bản thân. Có những ngành chúng ta thích ở trường nào đó, nhưng điểm quá cao thì không thể vào được. Vì vậy trong tình huống này, các em phải biết chấp nhận chọn ngành học đó ở một trường khác có điểm chuẩn thấp hơn…

Tại các khu vực tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành, tất cả chuyên gia đều khuyên các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ trong việc chọn ngành. Vì môi trường học ĐH hoàn toàn khác bậc THPT. Bậc ĐH định hướng cho sinh viên đến một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai. Do đó, nếu vì lý do nào đó buộc phải học ngành mình không yêu thích thì kết quả học sẽ không tốt hoặc chán nản và bỏ học.

Chờ đến cuối buổi tư vấn, Trương Triều Uyên (học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương) cho biết: “Em rất yêu thích ngành quan hệ quốc tế, nhưng ba mẹ lại cho rằng học các ngành khoa học xã hội sau này rất khó xin việc nên định hướng em xét tuyển ngành sư phạm hoặc kinh tế. Mong thầy cô tư vấn để em thuyết phục ba mẹ…”.

Tư vấn cho học sinh này, TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), giải thích: quan hệ quốc tế là một trong những ngành “nóng” của trường, điểm chuẩn rất cao. Ít nhất thí sinh phải đạt 23 điểm trở lên mới có cơ hội trúng tuyển. Học ngành này không lo vấn đề việc làm. Ngành học này đào tạo người làm công tác đối ngoại.

Bất kỳ lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nào cũng cần người chuyên nghiệp trong lĩnh vực đối ngoại. Sinh viên ngành quan hệ quốc tế có lợi thế rất lớn vì được trang bị kiến thức về kinh tế quốc tế, luật quốc tế, tiếng Anh chuyên ngành.

Chuẩn đầu ra của ngành này yêu cầu tối thiểu IELTS 6.0. Sinh viên ra trường đủ khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc hoặc săn học bổng học tiếp ở các nước Anh, Mỹ…

“Sinh viên ngành quan hệ quốc tế chậm nhất sau ba tháng ra trường là có việc làm. Rất nhiều sinh viên ngành này chọn công việc PR, truyền thông. Nếu em là người có tố chất linh hoạt, có khả năng nắm bắt, xử lý vấn đề tốt, nhạy bén thì phù hợp với ngành này” – thầy Hạ chia sẻ. 


Sáng nay 6-3: tư vấn tuyển sinh tại 3 địa phương

Sáng chủ nhật 6-3, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 đồng thời diễn ra tại ba địa phương: Bình Định, Kiên Giang và Hải Phòng.

Trong đó chương trình tại Bình Định do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Bình Định và Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp tổ chức ở Trường THPT Quốc học Quy Nhơn (9 Trần Phú, TP Quy Nhơn).

Chương trình tại Kiên Giang do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Kiên Giang và Trường ĐH Kiên Giang tổ chức ở Trường ĐH Kiên Giang (320A quốc lộ 61, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành). Chương trình tại Kiên Giang sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài phát thanh – truyền hình Kiên Giang.

Còn chương trình tại Hải Phòng do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hải Phòng, Thành đoàn Hải Phòng và Trường ĐH Hàng hải Việt Nam tổ chức ở Trường ĐH Hàng hải Việt Nam (484 Lạch Tray, Q.Ngô Quyền).

Tham gia các chương trình tư vấn có nhiều chuyên gia tư vấn đến từ Bộ GD-ĐT, các trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM, Hà Nội và đại diện các trường ĐH, CĐ địa phương.

Ngoài ra, tại các chương trình này còn có đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD-ĐT tham gia ban tư vấn cung cấp những thông tin mới nhất về quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016.

Nếu rớt đại học em phải làm gì?
TRẦN HUỲNH