Chậm hoàn thuế, Nhà nước phải trả lãi doanh nghiệp sòng phẳng
Nhiều doanh nghiệp (DN) đang đứng ngồi không yên vì chờ đợi nhiều tháng mà tiền hoàn thuế cứ bặt vô âm tín, phải vay vốn ngân hàng để hoạt động khiến cho chi phí tăng, sức cạnh tranh bị giảm sút.
Chậm hoàn thuế, Nhà nước phải trả lãi doanh nghiệp sòng phẳng
Nhiều doanh nghiệp (DN) đang đứng ngồi không yên vì chờ đợi nhiều tháng mà tiền hoàn thuế cứ bặt vô âm tín, phải vay vốn ngân hàng để hoạt động khiến cho chi phí tăng, sức cạnh tranh bị giảm sút.
Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại một chi cục thuế ở TP.HCM – Ảnh: Tự Trung |
“Nếu chậm hoàn thuế, Nhà nước phải trả lãi cho doanh nghiệp một cách sòng phẳng bởi Nhà nước không có lý do gì để giữ tiền của doanh nghiệp cả |
Ông Nguyễn Văn Hải (cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh) |
Cơ quan thuế các địa phương cũng cho biết “rất mệt mỏi” trước phản ứng của DN nhưng chẳng biết “ăn nói” thế nào do quỹ hoàn thuế địa phương không được phân bổ kịp thời.
Mòn mỏi chờ tiền hoàn thuế
Sau khi kêu lên lãnh đạo Bộ Tài chính và được giải quyết hoàn hơn 7 tỉ đồng cuối năm 2015, bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc Công ty Tân Nhất Hương, cho biết giáp Tết Nguyên đán vừa qua công ty bà nhận được quyết định hoàn thuế với số tiền hơn 20 tỉ đồng nữa, nhưng đến nay hơn một tháng công ty vẫn chưa nhận được tiền.
“Tôi liên tục thúc nhân viên liên hệ với cơ quan thuế nhưng lần nào cũng nhận được trả lời là chưa có quỹ hoàn. Số tiền thuế chưa được hoàn đến thời điểm này ước tính đã lên đến 30 tỉ đồng, trong đó có những khoản từ tháng 7-2015” – bà Sơn nói.
Cũng theo bà Sơn, với số lượng lớn tiền hoàn thuế bị “ngâm” như vậy, DN phải đi vay ngân hàng để xoay vòng vốn. “Chúng tôi là DN sản xuất, cung ứng hàng ngàn mặt hàng tạp phẩm cho thị trường xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho lượng lớn lao động, việc chậm được nhận tiền hoàn thuế khiến DN gặp nhiều khó khăn” – bà Sơn kiến nghị.
Ông N.T., tổng giám đốc một DN sản xuất tôn thép có quy mô lớn, cho biết ban giám đốc công ty cũng đứng ngồi không yên vì số tiền hoàn thuế gần 80 tỉ đồng.
“Trước đây chỉ đợi từ 10-15 ngày là được hoàn thuế, nhưng bây giờ thời gian kéo dài gấp 3-4 lần, thậm chí có hồ sơ kéo tới ba tháng mà vẫn chưa thấy tăm hơi gì, trong khi chúng tôi rất cần tiền” – vị giám đốc này than. Do vốn bị “nghẽn” nên DN phải đi vay ngân hàng, lại bị phát sinh chi phí. “Như vậy, DN sao cạnh tranh cho nổi với người ta?” – ông N.T. bức xúc.
Cùng cảnh ngộ, ông H.S.H., phó tổng giám đốc Công ty xuất khẩu giày T, cũng cho hay chưa bao giờ thấy việc hoàn thuế lại trễ nải như vậy.
Ba tháng nay, DN phải “chạy tới chạy lui” để hỏi về tiến độ hoàn thuế. “Hàng hóa xuất khẩu đi ngày càng khó, đối tác trả giá từng đồng, DN phải tiết kiệm chi phí đầu vào hết mức có thể nhằm có giá tốt nhất nhưng hoàn thuế lại chậm khiến DN gặp quá nhiều khó khăn” – ông H.S.H. than.
Cơ quan thuế cũng khổ?
Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn Nguyễn Thái Sơn cho biết ông đang giải quyết hồ sơ hoàn thuế 10 tỉ đồng cho một công ty nhựa. “Hồ sơ đã nộp lên cơ quan thuế một năm nay nhưng chưa được giải quyết vì DN có một số hàng xuất khẩu qua biên giới đất liền.
Theo quy định với trường hợp này, cơ quan thuế phải xác minh, DN phải báo cáo chi tiết chuyến hàng: từ tên tài xế, số xe, ngày giờ… để cơ quan thuế xác minh, nếu đúng mới giải quyết hoàn thuế. Tuy nhiên, đến nay việc xác minh vẫn chưa xong nên cơ quan thuế chưa giải quyết” – ông Sơn nói.
Đó không phải là cá biệt do gần đây việc hoàn thuế ngày càng được siết chặt hơn. Lúc trước, DN có số thuế VAT âm ba tháng liên tục sẽ được hoàn thuế, nay cơ quan thuế yêu cầu DN phải có số thuế VAT âm 12 tháng trở lên, trừ DN xuất khẩu và DN mới thành lập đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động.
Ngoài ra, cơ quan thuế còn siết bằng nhiều cách như chuyển hàng loạt DN từ hoàn trước kiểm tra sau sang kiểm trước hoàn sau, rồi các quy định về phân loại rủi ro, kiểm tra nhiều tầng nấc nhằm kéo dài thời gian hoàn thuế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một chi cục thuế tại TP.HCM cho biết việc thẩm định hồ sơ hoàn thuế hiện rất khó khăn. Trước đây, những hồ sơ mà chi cục đã thẩm định thì chỉ cần Cục Thuế phê duyệt là được hoàn, nhưng nay phải qua vòng xét duyệt xem có thuộc diện ưu tiên của Tổng cục Thuế hay không, rồi phải chờ… quỹ hoàn thuế.
Nếu quỹ hoàn thuế được rót DN mới có tiền, nếu chưa thì tiếp tục chờ. “Nhiều DN chờ lâu mà không được hoàn thuế đã lên cơ quan thuế làm dữ, chúng tôi cũng đau đầu lắm nhưng chỉ dám nhỏ nhẹ giải thích, động viên DN… tiếp tục chờ vì chưa có quỹ.
DN bức xúc là đúng vì chậm được hoàn thuế ngày nào, DN phải đi vay trả lãi ngày đó. Trong khi đó nếu DN chậm nộp tiền thuế thì vẫn phải đóng phạt” – ông này nói.
Chi cục trưởng một chi cục thuế khác tại TP.HCM cũng cho biết thêm rằng sau khi liên tục điện thoại giục hoàn thuế và đã được giải thích nhưng nhiều DN không tin nên đã lên gặp lãnh đạo Cục Thuế để hỏi. Cũng theo vị này, trước đây DN được cấn trừ tiền hoàn thuế còn nợ sang số thuế phải nộp, nhưng hiện nay DN phải nộp đủ tiền thuế mới được hoàn.
“Nhiều DN đã nộp đủ thuế nhưng tiền hoàn chờ mãi chưa thấy, họ càng phản ứng dữ nhưng chúng tôi cũng chỉ biết… chịu đựng” – vị này nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM từ chối tiết lộ số hồ sơ hoàn thuế của DN còn tồn và số tiền thuế chưa hoàn nhưng thừa nhận đang gặp sức ép từ chuyện chậm hoàn thuế, đồng thời cho biết đã làm văn bản kiến nghị Tổng cục Thuế sớm rót tiền để hoàn thuế.
Phải trả lãi cho doanh nghiệp
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội DN cơ khí – điện TP.HCM, cho rằng đã đến lúc cơ quan thuế cần sòng phẳng hơn với các DN. “DN chậm nộp thuế thì bị phạt và phải trả lãi. Nhưng cơ quan thuế nợ tiền DN thì vô tư thoải mái, chẳng ai xử lý và cũng chẳng bị phạt. Như vậy thì quá vô lý và bất công” – ông Tống nhấn mạnh.
Theo ông Tống, đã đến lúc cần có một giải pháp giải quyết vấn đề này, chẳng hạn cần có quy định trong vòng bao nhiêu ngày thì cơ quan thuế phải giải quyết hoàn thuế cho DN.
“Nếu quá thời hạn quy định, DN chẳng mong cơ quan thuế bị… phạt, mà chỉ mong được trả lại đúng số tiền phát sinh ngày chậm hoàn thuế, với cách tính lãi bằng đúng với tỉ lệ mà cơ quan thuế đã tính với DN. Có như vậy may ra tình trạng treo tiền của DN mới được giải quyết nhanh hơn” – ông Tống đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hải – cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh – cho rằng DN chậm nộp tiền thuế chỉ một ngày cũng bị tính tiền chậm nộp và bị liệt vào diện “danh sách đen”, trong khi tiền hoàn thuế của DN bị “ngâm” là chưa công bằng với DN.
Theo ông Hải, trong quy trình hoàn thuế, đối với trường hợp hoàn trước kiểm sau, nếu hồ sơ đầy đủ, cơ quan thuế phải giải quyết hoàn thuế cho DN sau 60 ngày nộp hồ sơ. Còn đối với hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau, trong phạm vi 45 ngày cơ quan thuế phải kiểm tra xong và hoàn thuế ngay cho DN.
Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ đều bị chậm so với quy định do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự điều phối của Tổng cục Thuế.
“Chúng tôi chỉ có thể giải thích rằng do khó khăn về tài chính nên tiền hoàn thuế chưa về kịp, chứ không biết nói sao với DN vì hồ sơ hoàn thuế đã đầy đủ, đúng thủ tục rồi” – ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, không ít DN lao đao vì bị chậm tiền hoàn thuế, bởi DN phải vay ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, chưa kể nhiều chi phí khác phát sinh.
“Do đó, tôi cho rằng nếu chậm hoàn thuế, Nhà nước phải trả lãi cho DN một cách sòng phẳng, đúng đạo lý bởi Nhà nước không có lý do gì để giữ tiền của DN cả. Và để thực hiện nghiêm các quy định về hoàn thuế, nhất là việc chậm hoàn thuế sẽ phải trả lãi cho DN, cần phải đưa quy định này vào thông tư chứ không chỉ dừng lại các công văn chỉ đạo như hiện nay” – ông Hải nhấn mạnh.
Giám sát nhưng không chịu trách nhiệm? Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại công văn 13822 ban hành ngày 2-10-2015, Tổng cục Thuế tổ chức giám sát việc thực hiện chi hoàn thuế của cục thuế các tỉnh, thành phố thông qua phương thức điện tử. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành thuế nhiều địa phương, hoạt động giám sát này hầu như không mang lại hiệu quả, trong khi lại đẻ thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho DN và cả cơ quan thuế địa phương. Thực tế, nhiều vụ vi phạm nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế rất tinh vi. Để xác định đúng đối tượng, hành vi gian lận đòi hỏi phải qua theo dõi, điều tra rất lâu chứ không phải dễ dàng phát hiện ra. Việc giám sát thủ tục hoàn thuế quan trọng vẫn phải là phía cục thuế, chi cục thuế – nơi quản lý thuế trực tiếp – vì nơi này mới nắm sát được hoạt động kinh doanh của DN hằng quý, hằng tháng như thế nào. Còn nếu vẫn giữ quy định Tổng cục Thuế giám sát thủ tục hoàn thuế như hiện nay thì phải đưa vào thông tư, đồng thời nêu rõ Tổng cục Thuế phải chịu trách nhiệm về hoàn thuế chậm, hoàn thuế chưa đúng thay vì như hiện nay không chịu trách nhiệm gì. |
Bà Lê Thị Duyên Hải (vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế): Sẽ công khai thông tin hoàn thuế Trong tháng 3-2016, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính xem xét ký ban hành thông tư về quản lý hoạt động hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo đó, tới đây việc hoàn thuế sẽ thực hiện theo quy trình điện tử, với thông tin được công khai cho doanh nghiệp. Việc điều hành quỹ hoàn thuế cũng sẽ linh hoạt hơn. Tổng cục Thuế sẽ phải trao đổi thông tin với Kho bạc Nhà nước để nắm được tình hình sử dụng kinh phí hoàn thuế, tránh tình trạng có địa phương được phân bổ thiếu tiền hoàn thuế, trong khi địa phương khác lại thừa. |