01/11/2024

Tư vấn tuyển sinh: nhiều kỳ vọng từ giáo viên, học sinh

Trong hai ngày cuối tuần này, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra đồng loạt ở 5 địa phương: Đồng Tháp, Gia Lai, Kiên Giang, Bình Định, Hải Phòng.

 

Tư vấn tuyển sinh: nhiều kỳ vọng từ giáo viên, học sinh

 

 

Trong hai ngày cuối tuần này, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra đồng loạt ở 5 địa phương: Đồng Tháp, Gia Lai, Kiên Giang, Bình Định, Hải Phòng.

 

 

 

 

Tư vấn tuyển sinh: nhiều kỳ vọng từ giáo viên, học sinh
Các bạn trẻ tập dượt lần cuối các tiết mục văn nghệ, chuẩn bị cho chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp vào sáng 5-3 tại Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai – Ảnh: B.D.

 

 

Ngày 5-3, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp diễn ra tại Trường ĐH Đồng Tháp.

Đồng Tháp: học sinh mong gặp trực tiếp 
ban tư vấn

Cô Võ Thị Tuyết Nhung, hiệu trưởng Trường THPT thành phố Cao Lãnh, cho biết các em học sinh rất mong muốn được gặp trực tiếp các thầy cô trong ban tư vấn từ các trường ĐH nổi tiếng, để có được câu trả lời trực tiếp và cụ thể nhất.

Cô Nhung chia sẻ thêm: “Tất cả học sinh lớp 12 của trường đều đã đăng ký tham dự chương trình tư vấn. Nhiều năm qua báo Tuổi Trẻ tổ chức tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Đồng Tháp, tạo được dấu ấn riêng, nên học sinh rất háo hức tham dự chương trình”.

Cô Nhung cũng “đặt hàng” thêm: “Học sinh rất cần những thông tin về học phí của các trường, đó cũng là một yếu tố quan trọng để các em quyết định lựa chọn hướng nghiệp ra sao”.

PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, chia sẻ: “Chương trình đã giúp rất nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên có nhiều thông tin bổ ích ở mức độ vừa toàn cảnh, vừa cụ thể, vừa chuyên sâu. Các em học sinh trở nên tự tin hơn, giải tỏa được nhiều lo lắng để sáng suốt chọn ngành, chọn trường phù hợp với mình”.

Cũng theo ông Đệ, những ngày qua khi thông tin chương trình sẽ được tổ chức tại Trường ĐH Đồng Tháp thì số điện thoại đường dây nóng tư vấn tuyển sinh, hộp thư điện tử và kể cả Facebook của trường nhận được rất nhiều câu hỏi về chương trình. Điều này cho thấy chương trình có sức thu hút rất lớn.

Còn ông Trần Thanh Liêm, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, kỳ vọng: “Để đạt hiệu quả hơn trong công tác hướng nghiệp, tôi đề xuất báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm các buổi tư vấn, tập trung vào đối tượng học sinh lớp 10, 11 để các em có thời gian dài cho việc định hướng lối vào đời của mình”.

Tư vấn tuyển sinh: nhiều kỳ vọng từ giáo viên, học sinh
Mọi công tác chuẩn bị cho chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Trường ĐH Đồng Tháp đã hoàn tất – Ảnh: Ngọc Tài

Kiên Giang: “Chương trình rất có ý nghĩa 
nhân văn”

Ông Trần Quang Bảo – phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang – khẳng định điều này trước ngày diễn ra chương trình tư vấn ở Kiên Giang vào ngày 6-3.

Ông Bảo cho biết thêm từ khi nhận được công văn của báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang đã nhanh chóng làm công văn gửi đến các trường THPT trong tỉnh về việc mời gọi học sinh, giáo viên đến tham dự chương trình.

“Qua bốn lần báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại tỉnh Kiên Giang, tôi nhận định rằng đây là chương trình uy tín, được tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo sát sao, luôn mang đến cho học sinh nhiều thông tin bổ ích. Tôi tin tưởng năm nay chương trình cũng sẽ được thực hiện tốt và thành công như các năm trước đây” – ông Bảo nói.

Trong khi đó, PGS.TS Thái Thành Lượm – hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang – cho biết chương trình tư vấn tại Kiên Giang sẽ diễn ra vào ngày 6-3, là cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh và học sinh trong tỉnh, tạo điều kiện để học sinh nắm bắt những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia và cách thức xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay; đồng thời chương trình cũng định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em.

Việc phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2016 cho học sinh trong tỉnh Kiên Giang chính là cơ hội tốt để nhà trường quảng bá hình ảnh, thông tin đến phụ huynh cùng các em học sinh.

Cũng theo PGS.TS Thái Thành Lượm, Trường ĐH Kiên Giang còn phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình Kiên Giang phát sóng trực tiếp chương trình từ 8-9g sáng 6-3, nhằm giúp phụ huynh cùng các em học sinh không có cơ hội đến tham dự trực tiếp chương trình vẫn có thể nắm bắt thông tin.

“Hiện nay công tác chuẩn bị cũng như việc tổ chức đưa đón các em về tham dự chương trình tư vấn đã được trường cơ bản hoàn tất, sẵn sàng chào đón các em” – PGS.TS Thái Thành Lượm nói.

Bình Định: chương trình đúng thời điểm 
và hợp lý

Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định Huỳnh Thị Anh Thảo luôn bận rộn suốt gần một tháng qua, để cùng chung sức với báo Tuổi Trẻ chuẩn bị chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp sắp tới, diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 6-3. “Đã hơn mười năm đồng hành với Tuổi Trẻ làm chương trình, Tỉnh đoàn Bình Định đánh giá rất cao hoạt động này của Tuổi Trẻ.

Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp sẽ giúp học sinh có đầy đủ thông tin về các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học hàng đầu phía Nam. Không chỉ bản thân học sinh mà các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm nội dung này. Phương thức tư vấn theo nhóm ngành đã phát huy mặt tích cực là dành thời gian thật nhiều cho học sinh nêu câu hỏi. Công tác chuẩn bị đã hoàn tất và rất sẵn sàng”- chị Anh Thảo nói.

Thầy giáo Trần Xuân Bình, hiệu trưởng Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, nhận xét: chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp rất bổ ích cho thầy và trò, nhất là các em học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn vào đời.

“Báo Tuổi Trẻ đã có nhiều kinh nghiệm làm chương trình này. Địa điểm Trường Quốc học Quy Nhơn cũng là nơi đã nhiều lần báo Tuổi Trẻ chọn tổ chức chương trình. Chúng tôi đã góp hết sức mình để chương trình thành công tốt đẹp, đáp ứng được nhu cầu thông tin về kỳ thi, cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển và phương thức xét tuyển sắp tới của học sinh Bình Định” – thầy Bình nói.

Cô giáo Huỳnh Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Vân Canh (Bình Định), cho biết ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo rất yên tâm về đội ngũ ban tư vấn.

“Tôi đánh giá rất cao đội ngũ tư vấn của báo Tuổi Trẻ, bởi bên cạnh các trường đại học công lập ở TP.HCM còn có các trường đại học gần với khu vực như Đại học Quy Nhơn, Đại học Khánh Hoà, Đại học Quang Trung…

Tôi nghĩ những trường này sẽ là một lựa chọn tốt cho học sinh nông thôn, học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn tại các huyện miền núi Bình Định và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên. Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Vân Canh rất háo hức chờ đến ngày tư vấn. Chúng tôi cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ phương tiện giúp học sinh vùng xa có mặt tham gia chương trình” – cô Huỳnh Thị Thu Cúc chia sẻ.

Thầy Đào Đức Tuấn, phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, khẳng định chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ diễn ra vào thời điểm rất hợp lý và rất cần thiết.

“Hằng năm, vào dịp này, học sinh Bình Định có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp, thoải mái hỏi han trực tiếp các thầy cô giáo ở các trường đại học lớn của cả nước. Điều này sẽ giúp học sinh Bình Định an tâm trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia và có đầy đủ thông tin để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sắp tới” – thầy Tuấn phấn khởi nói.

Gia Lai: “Mở rộng chương trình về các huyện vùng xa!”

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Hoàng Phong, bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, về chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp diễn ra ở Gia Lai vào ngày 5-3.

Theo ông Phong, chương trình cần mở rộng không chỉ trong phạm vi TP Pleiku, các huyện lân cận thành phố mà phải đi về các huyện vùng xa như Krông Pa, Ayun Pa, thị xã An Khê.

Thời gian tư vấn cũng cần được tăng thời lượng, để có thể giải tỏa hết những băn khoăn của các em học sinh. Ở các địa phương nói trên, phần lớn học sinh có đời sống khó khăn, điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế, đặc biệt là học sinh đồng bào các dân tộc như Ja Rai, Ba Na còn khá mơ hồ các thông tin về thi cử…

Còn theo ông Lê Duy Định, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, chương trình nên tổ chức tư vấn sớm hơn để sở có thể chủ động trong việc bố trí thời gian, địa điểm và lịch học cho học sinh, bảo đảm cho các em vừa có thể đi nghe tư vấn, vừa không ảnh hưởng đến lịch học ở trường.

Ông Định cũng nói thêm: “Các thầy cô cần có những giải đáp chính xác, rõ ràng và tư vấn cho các em về tương lai nghề nghiệp, những dự báo mang tính khoa học, thực tiễn về tương lai của đất nước, ngành nào sẽ chuộng, ngành nào khó xin việc…

Các thầy cô cũng cần có số liệu phân tích cụ thể, tư vấn sâu sát hơn ở từng địa phương, để học sinh từng nơi biết mình phải làm gì để có thể thành công ở mảnh đất của mình; cụ thể là chọn một trường phù hợp, học xong có thể có việc làm ở 
trong vùng…”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Gia Lai), lại có một góp ý nhỏ cho chương trình: “Do thời lượng chương trình chỉ trong một buổi mà thắc mắc của học sinh thì rất lớn, nhiều em học sinh dân tộc hoặc các em nhút nhát có băn khoăn lớn nhưng không dám hỏi.

Để tận dụng tối đa chương trình, tạo điều kiện cho học sinh được hỏi hết, chúng ta nên gửi thông báo trước về cho các trường để các em chuẩn bị sẵn câu hỏi, khi dự tư vấn chỉ cần gửi cho ban tổ chức để được giải đáp”.

NHÓM PV GIÁO DỤC