01/11/2024

Có lợi khi xét tuyển theo nhóm trường

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh), nếu các trường liên kết theo nhóm để tuyển sinh, cả trường và thí sinh sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn do khống chế được thí sinh ảo.

 

Có lợi khi xét tuyển theo nhóm trường

 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh), nếu các trường liên kết theo nhóm để tuyển sinh, cả trường và thí sinh sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn do khống chế được thí sinh ảo.





Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Ông Bùi Văn Ga cho biết: Năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến đưa thêm quy định liên quan tới quyền được liên kết theo nhóm để tuyển sinh của các trường.
Theo đó, nếu các trường ĐH, CĐ, các trường thành viên của ĐH quốc gia, ĐH vùng tổ chức xét tuyển theo nhóm trường thì mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của quy chế mà Bộ GD-ĐT ban hành.
Có thể đăng ký hơn 2 – 3 trường
So với tuyển sinh độc lập, thí sinh (TS) sẽ có lợi ích gì khi tuyển sinh theo nhóm, thưa ông?
Đối với TS, nếu các em đăng ký xét tuyển vào một nhóm thì có thể sử dụng tất cả nguyện vọng để đăng ký xét tuyển vào các ngành khác nhau (đồng thời là các trường khác nhau) trong nhóm trường đó, chứ không nhất thiết tối đa 2 hay 3 trường. Ví dụ đợt 1, theo quy chế, TS sẽ có tối đa 4 nguyện vọng, nếu xét tuyển theo nhóm thì tuỳ theo quy định của từng nhóm mà TS có thể đăng ký tối đa 4 trường khác nhau trong nhóm đó.
Nhưng dự thảo quy chế sửa đổi quy định TS chỉ được đăng ký tối đa 2 trường (với đợt 1) hoặc 3 trường (với đợt 2). Như vậy nếu tuyển sinh theo nhóm trường thì không phải làm theo quy chế?
Quy chế quy định đối với trường độc lập. Còn với nhóm trường thì sẽ có hướng dẫn chi tiết, sau khi ban hành thông tư, trong đó quy định rõ việc đăng ký xét tuyển theo các nhóm trường thì sẽ phải thế nào.
Khi các trường lập nhóm, nhóm trường sẽ có đề án tuyển sinh, trong đó sẽ quy định đăng ký nguyện vọng khi tham gia xét tuyển ở nhóm trường thì sẽ phải như thế nào. Vì thế, họ có thể đưa ra quy định phù hợp, miễn sao mỗi TS không vượt quá tối đa 4 nguyện vọng (đợt 1) mà quy chế sẽ quy định. Còn nếu TS đăng ký xét tuyển ở những trường ngoài nhóm thì vẫn chỉ được tối đa 2 trường thôi. Khi đã đăng ký tối đa 4 nguyện vọng trong một nhóm nào đó rồi thì TS không đăng ký được ngoài nữa. Tuy nhiên, việc đăng ký tối đa 2 hay 4 trường sẽ do từng nhóm trường cụ thể quy định. Hiện các trường định lập nhóm đang thiết kế đề án, bao giờ có đề án thì họ sẽ công khai để xã hội có ý kiến.
Trường sẽ loại được thí sinh ảo
Vậy còn lợi ích đối với các trường tuyển sinh theo nhóm?
Cái lợi có thể thấy là khử được ảo, bởi TS đã đăng ký vào nhóm thì hoàn toàn trong nhóm đó. Các trường sẽ có cơ sở dữ liệu chung của nhóm, đồng thời các nhóm sẽ đưa ra quy định về thứ tự xét nguyện vọng. Khi xét, các trường sẽ xét theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên, TS đã trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ bị loại không được xét ở nguyện vọng tiếp theo, vì vậy các trường hoàn toàn loại được ảo.
Nếu không tham gia nhóm, một trường sẽ khó mà biết được TS trúng tuyển có học trường mình hay không, đó là ảo. Vì thế Bộ cũng muốn các trường phối hợp với nhau thành lập các nhóm tuyển sinh, đặc biệt là những trường có tính cạnh tranh cao – nơi tất cả TS đều muốn vào học. Rất có thể một TS trúng tuyển trường này đồng thời lại trúng cả trường khác, như vậy các em sẽ chiếm mất chỗ của những TS khác mà đáng lẽ ra được trúng tuyển ngay trong đợt vừa xét. Việc ảo này vừa bất lợi cho các trường, vừa bất lợi cho TS. Do đó, việc thành lập nhóm các trường sẽ thuận lợi cho TS và các trường. Năm nay, Bộ rất mong có một số nhóm hoạt động thành công, để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cho các nhóm khác ở những năm tiếp theo.
Liệu đây có phải là cách thức tuyển sinh trong tương lai mà Bộ GD-ĐT hướng tới?
Tuyển sinh theo nhóm là một xu hướng không có gì mới, nhiều nước đã làm, Pháp là một ví dụ được nhiều học giả đưa ra khi góp ý cải cách tuyển sinh. Việc từng trường đứng ra tự tổ chức kỳ thi khi tuyển sinh là việc làm bất khả thi. Chẳng hạn, giờ đây hơn 200 trường ĐH của chúng ta, trường nào cũng tổ chức thi thì TS rất vất vả. Vì vậy Bộ GD-ĐT mới phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để các trường căn cứ vào đó xét tuyển. Có thể từng trường xét tuyển độc lập cũng được, nhưng nó ảo, khó cho các trường. Vì vậy, các trường liên kết với nhau thành nhóm để xét tuyển là điều nên làm. Sau này, nếu các nhóm đó muốn tự tổ chức thi (để các trường thành viên lấy kết quả đó xét tuyển) cũng sẽ thuận lợi. Bộ GD-ĐT khuyến khích xu hướng này.
Nếu vẫn thi THPT quốc gia thì không có ý nghĩa
Theo PGS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu một nhóm trường cùng tổ chức thi và cùng sử dụng kết quả thi để xét tuyển thì đương nhiên sẽ có nhiều cái hay, nó sẽ giảm chi phí cho việc thiết kế đề thi, công nghệ tổ chức thi, coi thi, cơ sở dữ liệu… Tuy nhiên, việc này chỉ có ý nghĩa khi “trường lớn” tổ chức được kỳ thi với những cách thức mới và thuận tiện, còn nếu vẫn thi chung như kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay thì không có mấy ý nghĩa.
Xét tuyển theo nhóm chỉ có ý nghĩa khi các nhóm đó tự tổ chức được một phương thức tuyển sinh mới, tiên tiến, đảm bảo độ tin cậy cho xã hội và phù hợp với xu thế kiểm tra đánh giá hiện đại, theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những vấn đề phát sinh là nếu có nhiều nhóm như vậy, mỗi nhóm thi một kiểu, phương thức rất khác nhau thì cũng tác động không tốt tới người học. Tốt nhất là trong cả nước hình thành nên một vài trung tâm hoặc tổ chức khảo thí độc lập, tiến hành đánh giá năng lực cho toàn bộ TS, rồi các trường có nhu cầu thì sử dụng. Điều đó tạo thành một cuộc chơi chung, đồng bộ.

Quý Hiên 
(thực hiện)