25/12/2024

Truyền đạt khô khan làm hại môn sử

Sau bài viết “Mùa thi và nỗi niềm giáo viên dạy sử”, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả về việc dạy và học lịch sử trong nhà trường phổ thông. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến dưới đây.

 

Truyền đạt khô khan làm hại môn sử

 

 

Sau bài viết “Mùa thi và nỗi niềm giáo viên dạy sử”, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả về việc dạy và học lịch sử trong nhà trường phổ thông. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến dưới đây.

 

 

 

 

 

Truyền đạt khô khan làm hại môn sử
Một tiết dạy môn sử ở một trường THPT tại TP.HCM – Ảnh: Như Hùng.

 

 

 

Vất vả với các con số

Dịp hè năm ngoái, tôi về quê chơi, nghe đứa cháu chuẩn bị lên lớp 12 nói rằng: “Cháu thấy ám ảnh nhất là các con số trong môn lịch sử, quá khô khan và dễ nhầm lẫn cậu ạ”.

Hiện nay, việc học sinh chán ngán, không thích, thậm chí xem thường môn lịch sử đã là chuyện quá phổ biến và đang dần trở nên… bình thường trong xã hội. Các em thường học tủ, học cho qua để lấy điểm, học xong thì chữ thầy lại trả cho thầy, đúng theo kiểu “nước đổ đầu vịt”.

Không khó hiểu khi môn lịch sử đang bị ghẻ lạnh, bởi học sinh bị ám ảnh với những con số khô khan, những sự kiện quá sách vở, cứng nhắc…

Một đứa cháu khác của tôi vừa học xong lớp 8 cho biết cứ mỗi khi chuẩn bị thi học kỳ, cô giáo môn sử lại phát cho mỗi em một tập tài liệu nói là đề cương ôn thi dài lê thê, để các em về học thuộc lòng. Mặc dù cháu tôi thuộc bài làu làu, đạt điểm giỏi môn lịch sử đấy nhưng thi xong, hỏi gì cháu cũng đều lắc đầu, tắc tị.

Một đứa cháu bên nội của tôi chuẩn bị vào lớp 11 lại nói rằng: “Ở trên lớp, cháu rất thích nghe cô giáo kể chuyện về các sự kiện lịch sử, nhưng lại rất sợ phải nhớ bao nhiêu máy bay bị rơi, bao nhiêu quân địch bị tiêu diệt…”.

Vấn đề đặt ra là làm sao để học sinh không còn e dè, sợ, thở dài, che miệng ngáp, rồi làm việc riêng trong giờ lịch sử? Nhất là khi lịch sử chưa được “trẻ hóa”, tức là các vấn đề, sự kiện thường chỉ xoay quanh nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa… Với nội dung như vậy thì chưa đủ khơi gợi sự hứng thú cũng như sự ngóng chờ, háo hức của các em trước mỗi bài học thú vị.

Trong khi đó, ngay từ khi bước chân vào lớp 1, thường thì tâm lý thầy cô đã đề cao mấy môn học chính như toán, văn, ngoại ngữ. Kể cả việc xét học lực giỏi, khá, trung bình của học sinh cũng chủ yếu dựa vào kết quả học của các môn ấy. Phụ huynh cũng thường đầu tư cho con đi học thêm mấy môn chính, còn học môn lịch sử để biết cội nguồn, giúp các em yêu Tổ quốc, tự hào về các thế hệ đi trước thì lại không được coi trọng.

Người không biết lịch sử nước nhà giống như “đi cày quên trâu”. Tình trạng học lịch sử hiện nay đúng với bản chất trả bài là chính, đạt điểm thật cao, để rồi cho ra đời những sản phẩm giáo dục bị “lỗi”, biết trách ai?

Sáng tạo 
để truyền 
cảm hứng

Theo tôi, hiện nay vẫn có những học sinh yêu thích môn sử, đam mê và theo đuổi ngành nghề liên quan đến môn lịch sử.

Còn việc học sinh không thích học môn sử có rất nhiều lý do (chương trình nặng, kiến thức nhiều, phải học thuộc nhiều, cách dạy của thầy cô khô khan…). Song, có lẽ lý do lớn nhất khiến các em không thích môn sử chính là từ người dạy.

Có em học sinh từng chia sẻ trên Tuổi Trẻ rằng: “Thầy cô dạy lịch sử đã quá bám sát những con chữ khô khan trong sách giáo khoa, lại truyền đạt lạnh lùng thì làm sao có thể truyền tải được sự đam mê môn học cho học sinh?”.

Ý kiến này cần ghi nhận, phải chăng do thầy cô ngại sáng tạo vì sợ không bám sát chương trình? 
Môn sử không đáng ghét. Chỉ vì cách học vẹt, cách truyền đạt khô khan, thêm vào đó là vị trí xã hội của môn sử đang bị xem nhẹ nên dẫn đến đa số học sinh chán học sử.

Lịch sử của dân tộc luôn luôn cần thiết cho mọi thời đại, là niềm tự hào và kiêu hãnh của mỗi con người Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không đổi mới chương trình, cách dạy và cách thi thì e rằng môn sử sẽ ngày càng bị học sinh quay lưng.

THÁI HOÀNG

Vì sao tôi yêu môn sử?

Khi còn nhỏ, tôi có may mắn là mỗi lần ngủ được đong đưa trên võng, dỗ dành bằng những câu ru, câu hò ầu ơ của má hay vú nuôi. Thành ra có mấy câu nghe đi nghe lại nên thuộc tự lúc nào: “Muốn coi lên núi mà coi. Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”, “Một nhà sinh đặng ba vua. Vua còn vua mất vua thua chạy dài”…

Lớn lên một chút, ôm cổ vú nuôi tôi hỏi bà Triệu tướng là ai, và được giải thích đó là Bà Triệu với tên đầy đủ là Triệu Thị Trinh. Vú nuôi còn bảo hôm nào coi cải lương tuồng Nhuỵ Kiều tướng quân do nghệ sĩ Diệu Hiền thủ vai chính sẽ biết…

Rồi tôi đến tuổi đi học tiểu học, thích làm sao những buổi sáng đầu tuần nghe bài đồng ca Một mẹ trăm con, để tự hào mình là dòng giống con Rồng cháu Tiên; vào lớp lại say sưa với những bài học sử ký ngắn gọn có hình vẽ minh hoạ như Trần Bình Trọng với câu nói “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”; Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”; Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt giữa đường, đùi bị đâm chảy máu mà không hay biết vì đang nghĩ kế giết giặc…

Cho đến giờ tôi vẫn còn thuộc vanh vách bài thơ lục bát: Bà Trưng quê ở Châu Phong, giận người tham bạo thù chồng chẳng quên…. Và qua lớp nhì (lớp 4 bây giờ), tôi đã thuộc làu sử Việt, để biết về các vị vua nhà Nguyễn, tự hiểu vì sao có câu ru năm nào: “Một nhà sinh đặng ba vua…”.

Thời đó làm gì có Internet với đủ các trang mạng giải trí như bây giờ, nên có chút thời gian là chúng tôi mê mải với sách.

Sẵn thích sử nước nhà từ nhỏ nên tôi đọc không sót một chữ, đọc đi đọc lại những truyện dã sử, để thấy hào hùng với những trận chiến chống quân Mông Cổ thời nhà Trần, hay những tác phẩm giờ không thấy ai nhắc đến như Lửa cháy Phiên Ngung thành, Cờ nghĩa thành Tây Đô, hay Nữ chúa hồ Ba Bể, Một thời ngang dọc

Với vốn liếng đó, tôi rành từng ngọn núi con sông của đất nước, để có thể tự mình phiêu bạt đó đây. Đi đến đâu tôi cũng nhớ mảnh đất này, địa danh này đã gắn với câu chuyện lịch sử nào mà mình đã đọc, đã học…

Từ yêu sử ký nước nhà đến yêu tha thiết đất nước mình là điều hiển nhiên không cần bàn cãi. Và để giới trẻ ngày nay yêu môn lịch sử, những bài học đầu tiên phải là từ gia đình.

Không thể trách nhà trường, xã hội khi một đứa trẻ lớn lên không nhờ tiếng ru hời ầu ơ của mẹ, không được nghe kể những câu chuyện về thời oai hùng của ông cha…

Sau đó, về mặt nhà trường là xây dựng một chương trình giáo dục rạch ròi giữa sử ký và chính trị, dễ học dễ nhớ, thay vì chỉ là những con số về ngày tháng năm khô khan, những bài học mang tính giáo điều…

Bên cạnh đó, những thầy cô dạy sử phải biết kể chuyện lịch sử nước nhà thật cuốn hút, xuất phát từ tình yêu thật sự với môn sử, và ước muốn truyền thụ lại tình yêu đó cho học sinh của mình.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

TRỌNG THỨC (Thanh Hoá)