Bất động sản lo bị siết vốn
Việc giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo như dự thảo sửa đổi thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
Bất động sản lo bị siết vốn
Việc giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo như dự thảo sửa đổi thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
Một góc TP.HCM nhìn từ trên cao – Ảnh minh hoạ: BĐS |
Trong công văn góp ý về dự thảo sửa đổi thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước vừa được gửi cho các cơ quan liên quan, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoRea) cho rằng việc giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% và nâng hệ số rủi ro với các khoản cho vay BĐS từ 150% lên 250% theo như dự thảo sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS trong nước chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng và huy động từ người mua nhà.
Theo HoRea, hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh BĐS là hoạt động có tính chất trung hạn, dài hạn nhưng đến nay chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn.
Việc điều chỉnh này, theo HoRea, sẽ tác động mạnh đến các nhà đầu tư mua đi bán lại, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS và có thể làm sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang… Do đó, HoRea kiến nghị chưa sửa đổi thông tư 36 bởi thị trường chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-2, nhiều ngân hàng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cũng có lý do để đưa ra dự thảo sửa đổi lần này, đặc biệt sau lo ngại về việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng.
Tuy nhiên theo các ngân hàng, việc sửa đổi này chỉ ảnh hưởng đến các khoản cho vay kinh doanh BĐS, các dự án đầu tư khách sạn, nhà nghỉ… chứ các khoản vay mua nhà của cá nhân không bị ảnh hưởng.
Theo thống kê mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng đến thời điểm 31-12-2015 đã tăng khá cao, trong đó khối ngân hàng thương mại nhà nước là 33,36% và ngân hàng thương mại cổ phần là 36,9%, gần tiệm cận mức giới hạn theo quy định sắp được ban hành.
Do vậy, những ngân hàng đã cho vay chạm mức trần hoặc vượt trần sẽ bị ảnh hưởng và buộc phải khắc phục bằng cách tăng huy động để kéo tỉ lệ này xuống và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng rót vốn của ngân hàng cho các dự án.
Tuy nhiên, do tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng là khác nhau nên mức độ ảnh hưởng của quy định này lên từng ngân hàng sẽ khác nhau.
Cũng theo các ngân hàng, hiện thị trường BĐS chưa đến mức nguy cơ bong bóng nhưng tồn kho BĐS đã giảm xuống và Ngân hàng Nhà nước đưa ra cảnh báo nhằm tránh việc thị trường tái diễn tình trạng bong bóng mới, các chủ đầu tư cũng phải cân nhắc tránh đầu tư ồ ạt, đổ vốn vào các dự án lớn vì sẽ gặp khó khăn khi thị trường có sự điều chỉnh.