23/12/2024

Đất nước của 7 đạo quân

Lực lượng quân sự từ nhiều nước đang chen chúc trên mảnh đất chật hẹp nhưng có vai trò chiến lược của Djibouti.

 

Đất nước của 7 đạo quân

 

Lực lượng quân sự từ nhiều nước đang chen chúc trên mảnh đất chật hẹp nhưng có vai trò chiến lược của Djibouti.





Một cuộc diễn tập của Mỹ gần Trại Lemonnier tại Djibouti và bản đồ vị trí Djibouti (ảnh nhỏ) - Ảnh: CJTF-HOA - Operation World

Một cuộc diễn tập của Mỹ gần Trại Lemonnier tại Djibouti và bản đồ vị trí Djibouti (ảnh nhỏ) – Ảnh: CJTF-HOA – Operation World


Nằm trên eo biển Babel-Mandeb, quốc gia nhỏ bé của châu Phi có diện tích 23.200 km2, nhỏ hơn cả thành phố Chicago (Mỹ) với dân số chưa tới 1 triệu dân và nằm trong số những quốc gia nghèo nhất lục địa đen. Thế nhưng bên cạnh quân đội của chính mình, Djibouti còn đang là “nhà” của binh lính đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ý, Đức và sắp tới là cả Trung Quốc.
Mỏ vàng quân sự
Theo trang The Daily Beast, bất chấp diện tích và dân số khiêm tốn, Djibouti là một trong những yết hầu quan trọng nhất về quân sự và giao thương hàng hải của thế giới nhờ vị trí chiến lược ngay tại cửa biển Đỏ và phần còn lại của vịnh Ba Tư. Toàn bộ tàu thuyền bắc tiến thông qua kênh đào Suez để đến châu Âu hay xuôi về phương nam vào Ấn Độ Dương đều phải đi qua eo Bab al-Mandeb.
Djibouti còn là cửa ngõ ra biển của nước láng giềng Ethiopia. Về quân sự và chiến lược, nước này nằm sát khu vực hoạt động của 2 nhóm vũ trang Hồi giáo khét tiếng là al-Shabaab, sào huyệt tại Somalia, và chi nhánh của Al-Qaeda đóng ở Yemen (AQAP).
Ở ngoài khơi, hải tặc từ Somalia luôn rình rập tàu thuyền các nước. Tất cả những đặc điểm địa chiến lược này cộng thêm tình hình chính trị – an ninh tương đối ổn định khiến Djibouti trở thành mảnh đất vàng cho nước ngoài triển khai lực lượng.
Tại sân bay quốc tế Djibouti-Ambouli, ngoại ô thủ đô Djibouti City, đang tồn tại căn cứ quân sự thường trực duy nhất của Mỹ tại châu Phi mang tên Trại Lemonnier. Theo tờ The New York Times, Mỹ đang chi khoảng 70 triệu USD/năm cho chính phủ Djibouti để duy trì căn cứ với hơn 4.000 quân nhân này. Nơi đây là trung tâm điều phối chống các nhóm Hồi giáo vũ trang của Mỹ trên toàn châu Phi và Trung Đông cũng như đóng vai trò cơ sở để “dòm chừng” các động thái của Iran ở eo biển Hormuz cách đó không xa.
Chính từ Trại Lemonnier, Mỹ triển khai chiến dịch dùng máy bay không người lái hạ sát Qaed Salim Sinan al-Harethi, đầu sỏ của nhóm AQAP và là chủ mưu vụ đánh bom nhằm vào tàu khu trục USS Cole làm 17 lính Mỹ thiệt mạng năm 2000. Washington còn đang triển khai kế hoạch mở rộng căn cứ này với chi phí lên tới 1,4 tỉ USD sau khi được chính phủ Djibouti gia hạn thuê thêm 10 năm.
Trong khi đó, nằm đối diện Trại Lemonnier là căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài của Nhật Bản với khoảng vài trăm quân nhân, mở năm 2011 với mục tiêu chính là hỗ trợ chống hải tặc và bảo đảm tự do hàng hải. The Daily Beast dẫn lời Đại sứ Nhật Bản tại Djibouti Tatsuo Arai cho hay 10% trong toàn bộ lưu lượng hàng hoá trung chuyển qua eo biển Bab al-Mandab đều có mối liên hệ với kinh tế Nhật Bản. Ngoài ra, căn cứ này còn là cơ sở để Nhật Bản cạnh tranh về ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Phi.
Cũng nằm trong khu vực sân bay Djibouti-Ambouli còn có căn cứ của Pháp và Ý với mục đích tương tự như các đồng minh. Đức tuy không duy trì căn cứ thường trực nhưng vẫn triển khai vài trăm quân đến hoạt động tại Djibouti và trú ở một khách sạn gần sân bay. Ngoài ra, theo nhiều nguồn tin, Nga cũng rất muốn đặt căn cứ ở Djibouti nhưng chưa được chính phủ nước này chấp thuận vì e ngại phản ứng của Mỹ.
Tham vọng của Trung Quốc
Tuần trước, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết nước này vừa chính thức khởi công cơ sở quân sự đầu tiên của mình ở nước ngoài, đặt tại Doraleh, phía nam Djibouti sau khi đạt thỏa thuận với nước chủ nhà vào tháng 12.2015. Để có kết quả này, Bắc Kinh không ngại vung tiền khi cam kết hoàn thành các tuyến đường sắt 3 tỉ USD nối Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia cũng như đầu tư 400 triệu USD mở rộng và hiện đại hóa cảng quốc gia Djibouti.
Lâu nay, Trung Quốc đi đầu trong việc tạo ảnh hưởng ở châu Phi thông qua các kế hoạch viện trợ, đầu tư mạnh tay. Nước này cũng đang nuôi tham vọng trở thành thế lực biển toàn cầu với việc bố trí chiến lược trải dài từ Đông Nam Á và Nam Á, qua Ấn Độ Dương sang châu Phi.
Phát ngôn viên Ngô tránh dùng những từ như “căn cứ” hay “cơ sở hải quân” mà gọi công trình trị giá 590 triệu USD là “cơ sở tiếp tế và hậu cần” cho tàu bè Trung Quốc, lực lượng nước này tham gia chống hải tặc và bảo vệ tự do hàng hải cũng như hỗ trợ tàu bè các nước khác.
Thế nhưng, theo nhiều nguồn tin, “cơ sở hậu cần” này sẽ chứa đến 10.000 quân nhân, trong khi các tuyên bố của ông Ngô không khác mấy luận điệu biện hộ cho những cơ sở xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Nằm ở vị trí giao nhau giữa biển Đỏ và vịnh Aden, căn cứ mới của Trung Quốc sẽ đặt một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới vào tầm ngắm cũng như hỗ trợ các chiến dịch của hải quân ở Ấn Độ Dương. Vì thế, cũng không lạ khi theo chuyên sanThe Diplomat, nhiều nhà quan sát xem cơ sở này là một phần trong chiến lược “chuỗi ngọc trai”, chỉ hàng loạt cơ sở và hải cảng mà Trung Quốc xây dựng hoặc thuê mướn kéo từ Biển Đông qua tới châu Phi, với mục đích bao vây Ấn Độ và giành quyền thống trị Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thuỵ Miên