01/11/2024

Điện thoại ‘ngập’ tin rác

Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước thúc giục và các nhà mạng cũng cho biết đã sử dụng các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng ‘bom’ rác vẫn tấn công người dùng tới tấp.

 

Điện thoại ‘ngập’ tin rác

 

Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước thúc giục và các nhà mạng cũng cho biết đã sử dụng các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng ‘bom’ rác vẫn tấn công người dùng tới tấp.





Chỉ trong một ngày, có khách hàng nhận được hơn chục tin nhắn rác - Ảnh: D.Đ.M

 

Chỉ trong một ngày, có khách hàng nhận được hơn chục tin nhắn rác – Ảnh: D.Đ.M

 


Theo thống kê của Công ty an ninh mạng BKAV, năm 2015 tình hình phát tán tin nhắn rác ở VN không hề suy giảm mà lại tiếp tục gia tăng. Số lượng tin nhắn rác phát tán mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin, tăng hơn 0,4 triệu tin so với năm 2014.
Biến tướng đủ trò lừa đảo
Ngoài các nội dung quen thuộc như làm quen, kết bạn, tặng bài hát, kết quả xổ số, bói toán… tin nhắn rác có nội dung về nhà đất, bất động sản tăng mạnh. Bên cạnh đó, còn có cả những tin nhắn lừa đảo như mời người dùng soạn tin theo cú pháp được hướng dẫn, rồi gửi đầu số để được tặng tiền vào tài khoản hoặc nghe nhạc miễn phí. Khi người dùng nhắn tin theo cú pháp, tài khoản sẽ bị trừ tiền. Đáng chú ý, tin nhắn rác còn biến tướng thành những chiêu trò lừa đảo dưới hình thức mạo danh người thân nhờ nạp thẻ, soạn tin trúng thưởng hoặc nghe nhạc chờ… Báo cáo của Công ty an ninh mạng BKAV cho rằng: “Lợi nhuận khổng lồ thu về cho nhà mạng từ mảnh đất màu mỡ tin nhắn rác có lẽ vẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến cho vấn nạn này ngày càng trầm trọng”.
Theo chị Minh Sương, ngụ tại Q.7, TP.HCM, mỗi ngày ít nhất chị nhận được 3 tin nhắn về các loại dịch vụ, chương trình khuyến mãi của chính nhà mạng. Còn lại từ 7 – 8 tin nhắn về quảng cáo đủ loại dịch vụ, từ quảng cáo mua bán nhà đất đến làm đẹp, cho vay tiền, bán hàng qua mạng… Tin nhắn tới tấp gửi về, thậm chí cả đêm khuya.
 
 
Điện thoại 'ngập' tin rác - ảnh 1

Đây là cách làm ăn gian lận, lập lờ trong kinh doanh. Cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý để bảo vệ người dùng. Vì thời gian qua tình trạng từ tin nhắn rác đến các dịch vụ móc túi người dùng vẫn không hề suy giảm

Điện thoại 'ngập' tin rác - ảnh 2
 

Ông Ngô Trần Vũ,
Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn

 
 

 

 

Bản thân ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, cũng nhìn nhận dưới góc độ người dùng, lượng tin nhắn rác gửi đến điện thoại đến nay vẫn không hề suy giảm so với cách đây một năm. Ngay cả việc áp dụng các phần mềm lọc tin nhắn rác khá phiền toái mà cũng không thể thực hiện triệt để. Việc làm đó khá thủ công vì bắt buộc người dùng phải nhập từng số điện thoại muốn chặn hoặc theo cách chặn những số điện thoại không có trong danh sách. Nhưng thông thường tin nhắn rác chỉ sử dụng các số khuyến mãi và chỉ nhắn một lần, sau đó rồi bỏ chuyển sang số khác.

“Người dùng phải chấp nhận đau thương và sống chung với tin rác hằng ngày. Có lẽ vì chặn tin nhắn rác, tin quảng cáo từ các đầu số dịch vụ sẽ khiến nhà mạng bị giảm doanh thu nên các nhà mạng vẫn thờ ơ và không thực hiện quyết liệt việc ngăn chặn này”, ông Vũ nói.
Bỗng dưng mất tiền
Bên cạnh tin nhắn rác, người dùng điện thoại di động hiện nay đang bị các nhà mạng trừ tiền cho những dịch vụ giá trị gia tăng mà họ không hề hay biết.
Anh Nguyễn Tường Lộc, một khách hàng tại Q.1, TP.HCM phản ánh, mới đây anh đã phải thay luôn số điện thoại mới của nhà mạng MobiFone vì số cũ bị trừ cước quá nhiều. Cụ thể, thấy tin nhắn của tổng đài nhà mạng về việc trúng thưởng, anh đã gửi tin nhắn đăng ký thì được thông báo là chưa trúng. Tuy nhiên từ đó về sau, tháng nào tiền điện thoại cũng tăng lên gần gấp đôi trước đó. “Sau khi tìm hiểu thì tôi thấy có quá nhiều dịch vụ bị trừ tiền mỗi ngày mà huỷ thì không được. Sau mấy tháng liên tục thấy cước điện thoại từ khoảng 200.000 đồng/tháng tăng lên hơn 500.000 đồng/tháng tôi mới thật sự hoảng. Không biết làm thế nào nên tôi bỏ luôn sim điện thoại đó và chuyển sang mua sim mới. Giờ thì cứ có tin nhắn của tổng đài, số lạ nào là xoá ngay không cần đọc”, anh Lộc kể.
Điện thoại 'ngập' tin rác

Anh M.V quá bất ngờ khi điện thoại có hàng loạt dịch vụ mình không hề biết – Ảnh: M.P

Trong khi đó, sáng 29.2, anh M.V, ngụ tại Q.3, TP.HCM sau khi gửi tin nhắn kiểm tra đến tổng đài Vinaphone thì được thông báo “Quý khách hiện đang đăng ký sử dụng các dịch vụ: Thông báo cuộc gọi nhỡ, gói MAX100 – dv MI, cổng ứng dụng OKKO Store, Play 365, nhạc chờ”. Anh M.V rất ngạc nhiên vì không biết dịch vụ “cổng ứng dụng OKKO Store” hay “Play 365” là gì vì anh chưa bao giờ nghe nói hay đăng ký dịch vụ đó. Rồi hằng ngày anh đều thấy tin nhắn đến từ tổng đài 9114. Sau khi tìm hiểu trên mạng, anh M.V bất ngờ hơn vì ứng dụng OKKO Store có mức phí 10.000 đồng/tuần, tương đương 40.000 đồng/tháng. Trong khi đó cước dịch vụ Play 365 là những thông tin về bóng đá có mức phí 2.000 đồng/ngày, tương ứng 60.000 đồng/tháng, còn tin nhắn từ tổng đài 9141 là dịch vụ MPlus với mức cước từ 1.000 – 2.000 đồng/ngày, tương đương 30.000 – 60.000 đồng/tháng. Như vậy chỉ riêng 3 dịch vụ không hề biết này, anh M.V đã phải trả đến 130.000 đồng/tháng, bên cạnh một số dịch vụ khác. Theo anh M.V, do anh sử dụng cước trả trước nên cứ hết tiền là nạp thẻ mà không hề biết chính xác số tiền chi ra hằng tháng là bao nhiêu.
Còn với nhiều khách hàng sau khi kiểm tra, dù từ mạng Vinaphone hay MobiFone đến Viettel, tối thiểu là cũng có ngay dịch vụ “nhạc chờ” được kích hoạt dù bản thân người dùng không hề đăng ký. Thử làm phép tính đơn giản, VN hiện đang có 120,6 triệu thuê bao di động mà 3 nhà mạng lớn này chiếm hầu hết thì với cước phí của dịch vụ “nhạc chờ” là 9.000 đồng/tháng, các nhà mạng đã thu về hơn 1.000 tỉ đồng mỗi tháng.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc Công ty BKAV, người dùng dường như không có cách nào ngăn chặn triệt để tin nhắn rác hay các dịch vụ gia tăng của nhà mạng. Quan trọng là nhà mạng có “thiện chí” để bảo vệ quyền lợi của người dùng hay vẫn mập mờ trong việc quảng bá các dịch vụ gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Cách làm ăn gian lận, lập lờ
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, phân tích: “Các nhà mạng thường quảng cáo không rõ ràng. Ví dụ khi đưa ra điều khoản sử dụng cho dịch vụ, khi khách hàng đồng ý thì lại kèm theo kích hoạt các dịch vụ khác mà nhiều người dùng lại không đọc kỹ các điều kiện. Nếu có khiếu nại thì nhà mạng cũng đã nắm đằng chuôi nên không sai về pháp lý. Tuy nhiên đây là cách làm ăn gian lận, lập lờ trong kinh doanh. Cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý để bảo vệ người dùng. Vì thời gian qua tình trạng từ tin nhắn rác đến các dịch vụ móc túi người dùng vẫn không hề suy giảm”.

Mai Phương