23/12/2024

Bất lực khi trò bỏ học đi làm

Sau tết, gần 40 học sinh ở Trường THCS Phan Hoà (xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đã bỏ học đi làm việc trong sự bất lực của nhà trường và chính quyền địa phương.

 

Bất lực khi trò bỏ học đi làm

 

 

Sau tết, gần 40 học sinh ở Trường THCS Phan Hoà (xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đã bỏ học đi làm việc trong sự bất lực của nhà trường và chính quyền địa phương.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bất lực khi trò bỏ học đi làm
Học sinh bỏ học, để lại nhiều bàn trống tại lớp 7/7 Trường THCS Phan Hoà – Ảnh: Nguyễn Nam

Tôi mong các cơ quan chức năng tìm cách ngăn chặn tình trạng “cò” lao động đưa học sinh đi làm tại xã Phan Hoà, cùng với nhà trường vận động phụ huynh ý thức được tầm quan trọng của việc đi học để ngăn chặn học sinh bỏ học từ trong gia đình

Thầy LÂM TRỌNG NHƠN

Theo tìm hiểu, những học sinh này đã bị bạn bè rủ rê hoặc qua “cò” lao động dắt mối.

Nhà trường 
chặn không nổi

Thầy Phan Quốc Huy (giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1) cho biết: tối 17-2, khi đi qua bến xe Hòa Đa (huyện Bắc Bình) thì thầy thấy học sinh của mình là Đ.T.H. có mặt tại bến xe với một số học sinh khác.

Đoán là H. bỏ học đi vào TP.HCM làm việc nên thầy Huy hết mực khuyên can nhưng Đ.T.H. vẫn quyết đi, thầy đành dặn H.: “Vào đó thấy khó quá muốn về thì gọi điện cho thầy”.

Chỉ một ngày sau khi được bạn cùng tuổi dắt đi làm trong một tiệm vải ở Q.Tân Phú (TP.HCM), H. đã gọi điện thoại cho thầy Huy tha thiết muốn trở về nhà do nhắm không làm việc nổi, lại không có tiền trong người.

“Khi Đ.T.H. gọi lại cho tôi nói muốn về, tôi sợ em lạc đường vì TP.HCM rất rộng lớn. Tôi kêu em bắt xe gì nhanh nhất đi Q.2 gặp người em của tôi đang làm việc trong đó lấy tiền mua vé xe về nhà” – thầy Huy kể.

May mắn H. được thầy Huy giúp trở về quê và đến trường xin đi học lại. “Nhà em có bốn anh em, khi em đi thì bà ngoại và má cho đi, còn ba không cho. Bạn của em làm ở Sài Gòn tết về rủ em rồi dẫn đi vào làm, tiền xe đi vào thì bạn em trả” – Đ.T.H. nói.

Một trường hợp khác là Đ.N.K. (lớp 9/4) sau tết cũng được rủ rê vào TP.HCM đi làm, nhưng rồi K. trở về quê xin học lại. Mẹ của Đ.N.K. cho hay tối mùng 4 tết K. trốn gia đình theo bạn đón xe vào TP.HCM đi làm.

Ban đầu bà gọi điện được cho Đ.N.K. thì K. nói chủ nhà không cho về, nhưng sau đó bà nhiều lần gọi điện thúc giục K. mới chịu về đi học lại.

Đ.N.K. nói: “Bạn em làm trong Sài Gòn ba năm nay, tết nó về quê rủ em vào làm. Mẹ gọi về học tiếp hai tháng nữa cho xong lớp 9 nên em về. Học xong lớp 9, em cũng muốn vào lại Sài Gòn đi làm”.

Gia đình Đ.N.K. thuộc diện khá của xã Phan Hoà. Mẹ của K. cho hay kinh tế gia đình không có khó khăn gì, bà rất lo ngại sau này Đ.N.K. tiếp tục nghe bạn bè rủ vào TP.HCM làm việc, có thể gặp chuyện bất trắc.

Thầy Lâm Trọng Nhơn, hiệu trưởng Trường THCS Phan Hoà, cho hay trường hợp của Đ.N.K., Đ.T.H. chỉ là hiếm hoi gia đình gọi về được trong tổng số gần 40 học sinh bỏ học sau tết. Đa số học sinh nghỉ học vì bị bạn bè rủ rê đi làm kiếm tiền hoặc qua “cò” lao động tại địa phương dắt mối, nhiều phụ huynh cũng đồng ý cho con nghỉ học ngang để đi làm.

“Nhà trường chúng tôi cũng rà soát các trường hợp khó khăn để hỗ trợ các em đi học bằng việc trao học bổng, tặng xe đạp. Có trường hợp học sinh nhận học bổng để đóng học phí nhưng không đóng mà nghỉ học đi làm. Giáo viên chúng tôi xuống tận từng nhà vận động phụ huynh gọi con về đi học lại nhưng hầu như không hiệu quả” – thầy Nhơn tâm tư.

Chịu thua “cò” lao động

Theo thống kê của Trường THCS Phan Hòa, số học sinh nghỉ học từ trước đến sau tết là 38 em, rải đều ở các khối 6-9. Nguyên nhân bỏ học là để đi làm thuê ở các thành phố lớn, một số theo cha mẹ đi làm ăn xa địa phương. Tình hình học sinh bỏ học đi làm diễn ra vài năm trở lại đây, nhưng sau tết năm nay thì số lượng bỏ học nhiều nhất.

Theo thầy Lâm Trọng Nhơn, điều đáng báo động là nhiều người dân địa phương làm “cò” lao động đưa học sinh đi làm. Nhưng việc này quá khó xử lý, phía nhà trường không thể can thiệp được. Trường chỉ có cách báo phụ huynh để ngăn chặn, nhưng nếu phụ huynh đồng tình cho các em đi thì nhà trường cũng không thể làm gì.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng Chương, phó Công an xã Phan Hòa, cùng một số công an xác nhận có khoảng 40 học sinh bỏ học tại địa phương. Một số em này ở nhà theo cha mẹ đi làm, số khác vào TP.HCM làm việc.

Theo Công an xã Phan Hoà, việc sử dụng lao động trẻ em diễn ra tại TP.HCM nên địa phương không thể xử lý được. Khi gọi một số người nghi là “cò” lao động ở địa phương lên làm việc thì họ nói phụ huynh học sinh đồng ý cho con đi, còn họ chỉ đưa người trưởng thành đi chứ không đưa học sinh đi.

Các trường hợp học sinh đi làm tại TP.HCM công an xã cũng rà soát nắm tình hình, như có hai anh em song sinh Đặng Quốc Việt, Đặng Quốc Nam (14 tuổi) làm việc tại một cơ sở ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Còn đa số trường hợp vào TP.HCM làm gì, ở đâu lực lượng công an xã rất khó nắm bắt.

Một công an xã cho hay học sinh bỏ đi có tâm lý thấy các anh chị học xong cấp 3, học lên nữa mà thất nghiệp, không biết làm gì nên các em bỏ học ngang đi kiếm việc để làm ra tiền. Trong khi đó có tình trạng “cò” lao động dụ dỗ nhưng “cò” phủ nhận khi gọi lên làm việc; phía phụ huynh cũng không có ai tố cáo “cò” nào đưa con mình đi làm nên không thể xử lý được.

Về phía Trường THCS Phan Hoà, các giáo viên chỉ còn cách giải thích cho học sinh lớp mình đừng theo bạn bỏ học đi làm, hay tìm đến các nhà có học sinh bỏ học vận động phụ huynh kêu con đi học lại

NGUYỄN NAM