23/12/2024

Biến động trên chính trường Thái Lan

Tranh cãi về vai trò tương lai của quân đội cùng với sự trở lại của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra là hai vấn đề đang “gây bão” trên chính trường Thái.

 

Biến động trên chính trường Thái Lan

 

Tranh cãi về vai trò tương lai của quân đội cùng với sự trở lại của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra là hai vấn đề đang “gây bão” trên chính trường Thái.



 


Quân đội có tiếp tục níu giữ quyền lực sau bầu cử hay không đang là vấn đề gây tranh cãi - Ảnh: Lam Yên

 

Quân đội có tiếp tục níu giữ quyền lực sau bầu cử hay không đang là vấn đề gây tranh cãi – Ảnh: Lam Yên


Mới đây, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha nhấn mạnh sau cuộc tổng tuyển cử (dự kiến trong năm 2017), đất nước cần một hội đồng giám sát đặc biệt trong vòng 5 năm để đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc của chương trình cải cách quốc gia.
Đồng thời, Phó thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cũng cho biết đề xuất này nhằm ngăn ngừa việc tái diễn cuộc khủng hoảng như trước khi đảo chính (ngày 22.5.2014): tham nhũng tràn lan, mâu thuẫn xã hội, xung đột chính trị, biểu tình đường phố…
“Vì thế, Hội đồng soạn thảo hiến pháp (CDC) phải chịu trách nhiệm về bất kỳ cuộc khủng hoảng chính trị trong tương lai nếu từ chối đề nghị của Ban cố vấn chính phủ về việc cho phép quân đội được gìn giữ hoà bình trong quá trình chuyển đổi sang chính quyền dân sự”, ông Wissanu nói trên Bangkok Post.
Về điều này, ông Taweesak Chartdamrongthai, phát thanh viên Đài phát thanh quốc gia Thái Lan, nói với Thanh Niên: “Yêu cầu này cũng không hẳn vô lý vì bất ổn chính trị vẫn còn tiềm ẩn khi phe của cựu Thủ tướng Thaksin chưa chịu ngồi yên, nhất là thời gian gần đây ông Thaksin liên tiếp đăng đàn chỉ trích chính phủ”.
Tuy vậy, đề nghị này gặp phải sự chỉ trích kịch liệt của nhiều tầng lớp, xem đây như một bước đi của chế độ quân sự để kéo dài quyền kiểm soát và nắm giữ quyền lực. Nattawut Saikuar, một nhân vật chủ chốt của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD), cho rằng đề nghị duy trì quyền lực của Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) đồng nghĩa việc chính phủ mới được bầu sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát của một chế độ độc tài.
“Không gì đảm bảo rằng NCPO sẽ từ bỏ quyền lực khi giai đoạn chuyển tiếp 5 năm kết thúc”, ông Nattawut nói.
Meechai Ruchupan, Chủ tịch CDC, cho biết các nhà soạn thảo luật không khuất phục trước áp lực từ chính phủ. Trong các điều lệ của hiến pháp mới, không có tổ chức có quyền hạn đặc biệt nào sẽ được thành lập. Ông cũng đảm bảo rằng NCPO sẽ không được trao quyền lực lớn hơn chính phủ mới được bầu. “Hiến pháp mới sẽ không có bất kỳ điều khoản nào có thể dẫn đến một nền dân chủ nửa vời”, ông Meechai khẳng định.
Sự việc căng thẳng đến mức ngày 28.2, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon đã phải trấn an rằng NCPO sẽ không tìm cách kéo dài quyền lực của mình sau cuộc tổng tuyển cử và ông Prayuth sẽ không tiếp tục làm thủ tướng cho đến năm 2022.
Màn tái xuất của Thaksin
Cùng với các đồng minh tại Thái, ông Thaksin dường như đang gây sức ép lên nhà cầm quyền hiện tại để cho phép các chính trị gia được hoạt động trở lại.
Những ngày qua, cựu Thủ tướng Thái Lan liên tục chỉ trích chính quyền trong một loạt các cuộc phỏng vấn với các tổ chức truyền thông thế giới, gồm Hãng Reuters, Đài al-Jazeera và các tờ báoFinancial TimesThe Wall Street Journal
Các cuộc phỏng vấn đều có chung một nội dung xuyên suốt là chỉ trích dự thảo hiến pháp và việc điều hành kinh tế của chính quyền quân sự. Chỉ vài ngày sau những phát biểu chỉ trích của Thaksin, đồng minh chính trị của ông, cựu Thủ tướng Chavalit Yongchaiyudh đã kêu gọi NCPO từ bỏ quyền lực, tổ chức cuộc tổng tuyển cử ngay trong năm nay và để chính quyền mới bầu lãnh đạo đất nước. Tiếp sau đó, cựu Thủ tướng Yingluck, em gái ông Thaksin, cũng đăng đàn kêu gọi bầu cử càng sớm càng tốt.
Theo The Nation, các nhà quan sát cho rằng những việc này đơn giản chỉ muốn gây sự chú ý cho mục tiêu trở lại chính trường của ông Thaksin. Ông và đồng minh của mình trong đảng Pheu Thai tự tin sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo bất kể quy tắc hoặc điều lệ gì.
Trong khi đó, NCPO cũng đang cố “cài” thêm ngoại lệ đối với một số điều khoản trong hiến pháp mới. Các ngoại lệ này sẽ tạo cơ chế để NCPO có thể can thiệp vào chính trường ít nhất trong 5 năm sau khi bầu cử. Vì thế, nếu phe ông Thaksin có thắng trong đợt bầu cử sắp tới thì cũng khó thực thi đầy đủ quyền lực của mình khi đối mặt với những biện pháp giám sát khó khăn của NCPO.
Tương lai nào cho Thaksin ?
Dan Worarite

“Người Thái chúng tôi cần dân chủ, không cần độc tài. Hiện tại, Thái Lan đang gặp khó khăn về kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao. Trong khi đó, quân đội không phải là lực lượng chuyên nghiệp xử lý các vấn đề về kinh tế, xã hội… Vì vậy, chúng tôi cần sớm bầu cử để chọn được người thích hợp. Thaksin là một nhà kinh tế tài giỏi nhưng là nhà chính trị tồi. Nếu muốn trở về Thái Lan, Thaksin vẫn có thể nhưng ông phải rời xa chính trường vĩnh viễn”.
Dan Worarite,
Trưởng ban Phát triển cộng đồng tỉnh Krabi
Biến động trên chính trường Thái Lan - ảnh 2

 

“Trước đây, xáo trộn xã hội, tham nhũng tràn lan không thể ngăn chặn được. Từ khi chính quyền quân đội lên nắm quyền, mọi chuyện đã thay đổi. Vì vậy, tôi nghĩ, NCPO vẫn có thể tiếp tục duy trì sau bầu cử nhưng chỉ nên trong thời gian ngắn từ 6 tháng đến một năm. Đợt tổng tuyển cử sắp tới vẫn chưa rõ ai sẽ là người lãnh đạo đất nước vì chính quyền hiện tại rất khắt khe trong việc lựa chọn ứng viên thích hợp. Đảng Pheu Thai (phe áo đỏ ủng hộ gia đình Thaksin) vẫn có nhiều khả năng chiến thắng.
Tuy vậy, dù thắng hay không, tôi không nghĩ là Thaksin sẽ trở lại được chính trường vì ông đã bị toà tước mọi quyền hành. Chưa kể, ông cũng bị rất nhiều người phản đối”.
Prathong Jitcharoenkul,
phóng viên Báo Bangkok Post

Lam Yên 
(Văn phòng Bangkok)